Cước di động Việt Nam sẽ tiếp tục giảm

10:26, 07/03/2009

Trong hai ngày 4 - 5/3/2009, Hội thảo chuyên đề về cước của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) diễn ra tại Hà Nội. Tại hội thảo, Bộ TT&TT khẳng định, xu hướng quản lý giá cước của Việt Nam sẽ vận hành theo cơ chế thị trường và sẽ tiếp tục giảm cước để tương đương với các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan…

Sẽ giảm cước di động

Tại buổi Hội thảo, đại diện Bộ TT&TT cho biết, thị trường Internet, thông tin di động (ĐTDĐ) của Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt. Trong năm 2008, mức cước ĐTDĐ của Việt Nam đã giảm mạnh ở mức 0,07 USD/phút, thấp hơn so với các nước phát triển như Bỉ (0,23 USD/phút), Anh (0,19 USD/phút), Pháp (0,17 USD/phút) và thấp hơn quốc gia châu Á Malaysia (0,09 USD/phút). Nhưng mức cước di động của Việt Nam vẫn còn cao hơn so với nhiều nước châu Á khác, như Thái Lan (0,05 USD/phút), Pakistan (0,04 USD/phút), Trung Quốc (0,03 USD/phút) và Ấn Độ (0,02 USD/phút)... Mức cước trên tuy thấp hơn các nước phát triển nhưng vẫn cao nếu đánh giá trên mức thu nhập bình quân đầu người. Đại diện Bộ TT&TT khẳng định, mức cước viễn thông của Việt Nam sẽ dần được điều chỉnh tương đương với các nước láng giềng trong khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ hỗ trợ, khuyến khích cạnh tranh trên thị trường viễn thông, với sự tham gia của mọi thành phần doanh nghiệp, kể cả tư nhân. Xu hướng quản lý giá cước của Việt Nam sẽ vận hành theo cơ chế thị trường, một số lĩnh vực sẽ được tiến hành thông qua các cuộc thi tuyển và đấu giá.

3G sẽ mở ra nhiều cơ hội mới

Ông Scott W.Minehane, chuyên gia tư vấn viễn thông của Australia được ITU mời đến tham dự và phát biểu tại hội thảo này cho rằng,  nói đến 3G là nói đến dịch vụ dữ liệu, chứ không phải dịch vụ thoại như công nghệ 2G, do đó việc tính cước cũng phải dựa trên nhu cầu sử dụng dữ liệu là chính. Khi ứng dụng công nghệ 3G, người dùng sẽ sử dụng nhiều dịch vụ dữ liệu, truy cập Internet, dùng MMS chứ không phải là dịch vụ thoại, SMS như với 2G. Vẫn theo ông Scott W Minehane, Việt Nam đã quyết định thi tuyển để phân bổ băng tần 3G cho các hãng di động, điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí đầu vào cho các hãng di động, nhờ đó cũng sẽ giúp mức cước của các dịch vụ 3G tại Việt Nam rẻ hơn.

Ngoài ra, khi nhu cầu ứng dụng 3G cao hơn, nhiều người đăng ký dùng các dịch vụ 3G hơn, mức cước có thể được cải thiện bằng các gói cước truy cập phân vùng, chẳng hạn như trong khoảng tốc độ truyền dữ liệu thấp thì mức cước sẽ thấp hơn, và ngược lại nếu tốc độ truyền cao hơn, mức cước sẽ cao hơn. Điều này cũng có nghĩa cước dịch vụ 3G sẽ không quá đắt đỏ và mọi người dân đều có thể truy cập 3G. Nhưng với những người sử dụng nhiều dịch vụ 3G, chi phí cho ĐTDĐ hàng tháng sẽ cao hơn. Mức cước băng rộng hiện tại ở Malaysia là 25 USD/tháng cho các dịch vụ 3G với tốc độ 3,6 Mbps.  Ông Scott W.Minehane cho rằng các hãng GSM hiện tại của Việt Nam có thể dễ dàng nâng cấp lên W-CDMA. Đây cũng là một yếu tố giúp giảm chi phí đầu tư cho 3G của các hãng di động Việt Nam, nhờ đó sẽ giúp giảm giá cước. Điều này cũng sẽ thuận tiện hơn đối với dịch vụ roaming (chuyển vùng) dành cho du khách quốc tế đến Việt Nam, vì thế sẽ tạo ra doanh thu mới cho nhà cung cấp dịch vụ.  Việt Nam chỉ cấp 4 giấy phép 3G, những nhà cũng cấp dịch vụ di động khác  không được cấp phép có thể trở thành các nhà cung cấp dịch vụ ảo (Mobile virtual network operator) và tận dụng cơ sở hạ tầng của một trong 4 “nhà 3G” thành công.
 
 
Theo ICTnews
TIN LIÊN QUAN