Đánh phá di động, Intel muốn soán ngôi
Trong mảng di động, Intel luôn luôn đi sau ARM. Năm 2012 đánh dấu sự chuyển biến mới khi chip cho di động của Intel mang đến sức mạnh vượt trội so với chip của ARM. Điểm ấn tượng mạnh nhất là Intel chỉ mang đến dòng chip đơn nhân để đối chọi với chip đa nhân của ARM. Intel đang muốn soán ngôi nhưng Intel sẽ dùng những biện pháp gì để chống chọi lại ARM trong mảng chip cho di động vốn đang áp đảo thị trường này và các hãng sản xuất thiết bị, phần cứng cho di động vẫn không mặn mà lắm với các sản phẩm của Intel?
Những tiền đề đáng sợ
Đầu năm 2011, Intel hồ hởi cùng Nokia nắm tay nhau đến triển lãm CES nhằm khoe thành quả đứa con của những năm tháng hợp tác trước đó – hệ điều hành MeeGo trong thiết bị phần cứng do Nokia sản xuất. Theo người phát ngôn Intel, hãng đã đầu tư rất nhiều cho hệ điều hành này lẫn các phần cứng của các thiết bị tích hợp nó bởi hệ điều hành sẽ tối ưu hóa cho các phần cứng về mặt hiệu suất lẫn năng lượng. “Intel muốn xóa tan điều tiếng xưa nay cho các dòng chipset của họ, đó là mạnh mẽ nhưng vô cùng tốn năng lượng”, Computerworld nhận định. “Thay vì tốn công thuyết phục các nhà sản xuất thiết bị di động dùng chip của mình, Intel muốn đi trước một bước bằng cách tự tạo ra luôn một hệ điều hành hỗ trợ tốt nhất cho các chip ấy. Tuy nhiên, tiếc thay, chiến thuật này không đạt được thành công như Intel mong muốn”.
“Chúng ta sẵn sàng bỏ ra 100 tỷ USD để mua gọn Nokia và nếu Nokia đồng ý, chúng tôi sẽ thanh toán ngay lập tức bằng tiền mặt”, CEO của Microsoft thông báo trong đầu năm 2011. Nokia lẽ dĩ nhiên từ chối lời đề nghị này nhưng ngay lập tức hệ điều hành MeeGo của Intel cho Nokia bị chìm xuồng vì Microsoft đã hứa mang đến cho Nokia hệ điều hành lừng lẫy Windows Phone 7 của mình kèm theo khoản tiền mặt 1 tỷ USD để hỗ trợ Nokia sản xuất riêng các điện thoại mang thương hiệu này dùng hệ điều hành của Microsoft. “Sẽ chẳng là gì nếu những con gà tây châu đầu lại với nhau”, CEO của Google chế nhạo liên minh của Microsoft và Nokia. Intel âm thầm rút lui mặc cho Nokia vẫn cam kết sẽ sản xuất điện thoại dùng MeeGo nhưng lẽ dĩ nhiên, Intel thừa biết không ai sẽ mua điện thoại dùng hệ điều hành của mình.
Giữa năm 2011, CEO của Apple tiếp tục khiến Intel choáng váng khi khẳng định Apple sẽ loại bỏ các chip của Intel ra khỏi mọi thiết bị của họ nếu như nó không cải thiện hơn về mặt năng lượng. “Nó quá tốn năng lượng và chúng tôi không muốn duy trì nó trong các sản phẩm tương lai của mình”. Intel buộc phải thay đổi.
Tảng băng Ultrabook
Cuối năm 2011, Intel thông báo kế hoạch mới, dòng laptop siêu di động Ultrabook để kháng cự lại sự tấn công của các dòng thiết bị di động, nhất là máy tính bảng. “Ultrabook sẽ là thế hệ laptop mới với sức mạnh vượt trội kèm theo nhiều khả năng di động cao cấp khác mà các dòng laptop thường không có”, đại diện Intel phát biểu trong buổi giới thiệu khái niệm mới này. Ngay sau đó, hàng loạt các hãng công nghệ khác đã nhảy vào Ultrabook để hình thành liên minh “Wintel” với mục tiêu sản xuất các Ultrabook theo phong cách Macbook nhưng thay vì dùng hệ điều hành Macintosh thì Ultrabook của Intel sẽ sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Mặc dù đang bị tranh cãi dữ dội vì Ultrabook đang bị “biến tướng” khác với nguyên bản mà Intel đưa ra nhưng với sự tham gia của nhiều hãng lớn, Ultrabook được kỳ vọng sẽ cản bước được sự tấn công của tablet và smartphone trong những năm sắp tới đây. “Không nên nghĩ Intel chỉ đưa ra một khái niệm Ultrabook rồi xếp xó ở đó. Vấn đề cốt lõi là mọi laptop muốn khoác áo Ultrabook để phải tuân theo một điều khoản rõ ràng, đó là nó phải dùng chip vi xử lý mới của Intel”, MarketWatch cho biết.
Và những liên minh
Cuôi năm 2011, nhà sản xuất chipset khổng lồ này quyết định thành lập một bộ phận mới để tập trung vào sản xuất chipset cho điện thoại di động và máy tính bảng. “Đó sẽ là khởi đầu mới cho chiến lược mới của Intel”, cũng MarketWatch tiếp tục nhận xét. Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các linh kiện và chipset cho máy tính để bàn và máy tính xách tay, Intel sẽ tập trung thêm nhân lực của mình để sản xuất chipset các thiết bị di động dựa trên tiêu chuẩn ARM và những công nghệ mà Intel đang có. Theo tạp chí Fortune, đơn vị mới sẽ được hình thành bằng cách tổ chức lại bốn bộ phận hiện tại của Intel là: Thông tin liên lạc điện thoại di động, netbook, máy tính bảng không dây và siêu di động.
Ngay sau đó, đầu năm 2012, Intel thông báo về việc mở rộng liên minh với nhà chế tạo chip của Pháp, Inside Secure để đối tác mới cung cấp các chip NFC cho Intel trong những dòng sản phẩm sắp tới. “Liên minh của chúng tôi với Nokia vẫn đang tiếp tục tiến triển tốt đẹp”, Intel cho biết. “Vấn đề quan trọng của Intel là từ trước tới giờ, họ luôn muốn “một mình một ngựa” trong cuộc đua công nghệ và mặc dù đó là lợi thế trong quá khứ nhưng việc này không thể là một lựa chọn khôn ngoan trong thời điểm hiện tại”, Fox News nhận định. “Và đó là lý do mà Intel muốn tạo ra một liên minh rộng rãi, theo cách mà Microsoft đã làm, Google đã làm, Nokia đã làm trong quá khứ”.
Đầu năm 2012, Intel giới thiệu vi xử lý mới với tên mã Medfield. Các đối tác Intel không ngừng lên tiếng ca ngợi chipset mới này và hứa sẽ sử dụng nó một cách rộng rãi. Nhờ sự hỗ trợ công nghệ từ các đối tác khác, chipset mới của Intel tiếp tục tạo ấn tượng khi tích hợp hàng loạt tính năng mạnh mẽ. Kế hoạch đánh phá thị trường di động của Intel có vẻ khá khả quan.