Đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số: Thay đổi tư duy về chuẩn đầu ra

12:19, 30/11/2024

Sinh viên phải có kỹ năng học tập suốt đời và tinh thần khởi nghiệp, được trải nghiệm trong môi trường đa văn hóa...

GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, để đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số, các trường đại học cần đổi mới căn bản nội dung chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và sinh viên Trường Singapore Polytechnic cùng thảo luận trong dự án Học tập thực tế Learning Express (LeX) trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa 2 đơn vị. Ảnh: Hà Nguyên

Đáp ứng yêu cầu cao

- Thưa ông, công nghệ số đang và sẽ tác động như thế nào đến thị trường lao động?

- Sự phát triển của công nghệ thông tin và tự động hóa đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trong thị trường lao động. Các kỹ năng truyền thống mà sinh viên học trước đây không còn đủ để đáp ứng những yêu cầu mới. Nhà tuyển dụng hiện nay yêu cầu ứng viên không chỉ vững kiến thức chuyên môn mà còn có khả năng thích ứng, sáng tạo và làm việc hiệu quả trong môi trường số. Vì vậy, việc xác định và phát triển kỹ năng cần thiết cho sinh viên đại học để phù hợp với thị trường lao động vô cùng quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Công nghệ số không chỉ thay đổi cách con người làm việc mà còn định hình lại các nghề nghiệp. Những việc làm truyền thống đang bị thay thế bởi công việc yêu cầu kỹ năng số, như lập trình, phân tích dữ liệu và quản lý hệ thống. Nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), máy học và dữ liệu lớn (Big Data) đang tăng cao, đòi hỏi người lao động phải có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới.

Ngoài kiến thức chuyên môn, người lao động phải nắm vững kỹ năng số, kỹ năng mềm, khả năng tự học, tư duy khởi nghiệp. Vì vậy, các trường đại học cần điều chỉnh chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và tạo cơ hội cho sinh viên phát triển những kỹ năng này. Như vậy, người học mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và sẵn sàng cho những thách thức trong tương lai.

thay-doi-tu-duy-ve-chuan-dau-ra3.jpg

GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh:VTC New

- Vậy công tác dự báo ngành nghề trong hướng nghiệp và cập nhật cho các chương trình đào tạo của trường đại học sẽ thế nào, thưa ông?

- Nhu cầu về nhân lực không chỉ phụ thuộc vào xu hướng kinh tế mà còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong nhu cầu của xã hội và công nghệ. Một ngành nghề thịnh hành hiện tại thì 5 - 7 năm sau chưa chắc còn tồn tại. Chính vì vậy, việc xác định ngành nghề có triển vọng trong tương lai, hoặc nguy cơ biến mất rất quan trọng.

Điều này không chỉ giúp người lao động và sinh viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng mà còn giúp các cơ sở giáo dục điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường. Chỉ khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thích ứng nhanh chóng những thay đổi này, xã hội mới có được lực lượng lao động cần thiết cho sự phát triển bền vững. Rõ ràng trong kỷ nguyên số, một bộ phận người lao động sẽ thất nghiệp do bị robot thay thế. Tuy nhiên, thay vì lo lắng việc robot thay thế công việc của mình, chúng ta hãy làm nhiệm vụ sản xuất ra robot. Hay nói cách khác, chúng ta phải làm những công việc mà robot không cạnh tranh được!

Kỹ năng số không chỉ giới hạn trong các ngành Công nghệ, mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh, quản lý, truyền thông, giáo dục... Vì vậy, chương trình đào tạo đại học phải được thiết kế để đáp ứng không chỉ các kỹ năng chuyên môn mà cả kỹ năng liên ngành và mềm mại trong ứng dụng công nghệ.

Kỹ năng số là yếu tố quan trọng và cần được tích hợp vào mọi chương trình đào tạo. Những năng lực như lập trình, phân tích dữ liệu, sử dụng công cụ công nghệ phải trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình học.

Các trường đại học cần cung cấp những khóa học về AI, IoT, điện toán đám mây và các kiến thức công nghệ số khác cho sinh viên. Ví dụ, sinh viên ngành Kinh doanh cần học về phân tích dữ liệu, sinh viên nghệ thuật cần tiệm cận với công cụ thiết kế kỹ thuật số, và sinh viên kỹ thuật phải thành thạo việc sử dung robot và công nghệ tự động hóa.

thay-doi-tu-duy-ve-chuan-dau-ra-2.jpg

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) thực tập tại một doanh nghiệp ở Cộng hòa Pháp. Ảnh: NTCC

Linh hoạt, phù hợp yêu cầu mới

- Để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới, cấu trúc chương trình đào tạo cần được điều chỉnh như thế nào?

- Chương trình đào tạo đại học hiệu quả trong bối cảnh thị trường lao động ngày nay cần phải linh hoạt, tích hợp giữa kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, chú trọng vào thực hành và tương tác với thực tế doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên phát triển tư duy toàn cầu và khả năng học tập suốt đời. Cấu trúc chương trình đào tạo bậc đại học cần được thiết kế linh hoạt, phù hợp với những yêu cầu mới của thị trường lao động trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa.

Trong đó, cấu trúc chương trình phải linh hoạt, có các môn học bắt buộc để trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc. Những môn này sẽ khác nhau theo ngành học, nhưng cần bao gồm cả môn học liên quan đến công nghệ số và kỹ năng mềm.

Bên cạnh đó, sinh viên phải có quyền lựa chọn môn học tự chọn từ các lĩnh vực liên quan để mở rộng kiến thức liên ngành, từ đó có cái nhìn bao quát và ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sinh viên được khuyến khích tham gia các môn học liên ngành như quản trị kinh doanh, kỹ thuật, khoa học dữ liệu và truyền thông để có khả năng làm việc trong các môi trường phức hợp và linh hoạt hơn.

Ngoài ra, chương trình đào tạo cần tích hợp kỹ năng số và công nghệ: Các môn học về kỹ năng công nghệ thông tin như lập trình, phân tích dữ tiêu. AI, học máy (machine learning) và an ninh mạng cần được tích hợp trong chương trình dạy của các ngành.

Chương trình phải đảm bảo sinh viên sử dụng thành thạo công cụ phần mềm chuyên ngành phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp. Kiến thức công nghệ số không thể thiếu trong tất cả ngành nghề và lĩnh vực hoạt động. Trong thế kỷ này, chắc chắn nó sẽ là công cụ để người lao động nâng cao năng lực lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rào cản của thực hiện chương trình đào tạo mới là nhiều môn học đã cũ nhưng thay thế không dễ.

Chương trình đào tạo cũng cần phát triển kỹ năng mềm. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên công nghệ số, sinh viên cần học cách giao tiếp hiệu quả, bao gồm cả giao tiếp bằng văn bản và nói trước đám đông, để có thể truyền đạt ý tưởng rõ ràng và thuyết phục.

Chương trình cần chú trọng đến các hoạt động làm việc nhóm, giúp sinh viên phát triển kỹ năng hợp tác và làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia đồng thời giúp sinh viên rèn luyện khả năng phân tích, đánh giá và giải quyết vấn đề sáng tạo.

thay-doi-tu-duy-ve-chuan-dau-ra-5.jpg

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng khám phá trò chơi dân gian của Malaysia qua sự hướng dẫn của sinh viên Trường Universiti Teknologi Mara. Ảnh: NTCC

Để tăng cơ hội thực hành và học tập trải nghiệm, chương trình đào tạo cần tích hợp dự án thực tế từ doanh nghiệp hoặc cộng đồng, giúp sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào các tình huống thực tiễn. Ví dụ, dự án liên quan đến giải quyết vấn đề xã hội, phát triển sản phẩm, hoặc tối ưu hóa quy trình làm việc.

Một chương trình thực tập bắt buộc hoặc tự chọn là cần thiết để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế và phát triển các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Khuyến khích sinh viên tham gia các bài tập, dự án thực tế theo phương pháp học tập dựa trên giải quyết vấn đề thực tiễn, qua đó nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo.

Ngoài ra, chương trình đào tạo cần có các khóa học liên quan đến khởi nghiệp, quản lý dự án và phát triển sản phẩm để trang bị cho sinh viên kỹ năng tự khởi sự kinh doanh và quản lý, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo thông qua các môn học quản lý, hoạt động ngoại khóa và các tình huống mô phỏng thực tế.

Chương trình nên khuyến khích sinh viên phát triển thói quen học tập suốt đời, cập nhật kiến thức mới và chủ động tham gia khóa học ngắn hạn, trực tuyến; cung cấp các cơ hội cho sinh viên tự học, nghiên cứu độc lập để rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và phân tích sâu.

Chương trình đào tạo cần có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để cung cấp nội dung học sát với thực tế, mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy và tổ chức tọa đàm, hội thảo; thiết lập các cơ hội thực tập, nghiên cứu tại doanh nghiệp để sinh viên có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn và mở rộng mạng lưới quan hệ.

Các trường đại học cần cung cấp cơ hội trao đổi sinh viên quốc tế để giúp người học tiếp cận nhiều nền văn hóa, hệ thống giáo dục khác nhau và mở rộng tư duy toàn cầu; đưa vào chương trình những môn học về giao tiếp đa văn hóa, phát triển kỹ năng làm việc trong môi trường toàn cầu và hiểu biết về các vấn đề quốc tế.

Muốn vậy, cơ sở giáo dục đại học cần mở rộng hợp tác đào tạo với các trường đại học quốc tế có uy tín để sinh viên nhanh chóng tiếp cận kiến thức mới thông qua khóa học trực tuyến. Điều này đòi hỏi mỗi đơn vị phải nhanh chóng thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh để sinh viên có trình độ ngoại ngữ tham gia các khóa học do giảng viên nước ngoài dạy.

thay-doi-tu-duy-ve-chuan-dau-ra-3-6655.jpg

Đại diện tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) thăm khu học tập, thực hành của chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Động lực phát triển kinh tế vùng

- So với một số cơ sở giáo dục đại học ở 2 đầu đất nước, công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao khu vực miền Trung vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông có đồng ý với nhận xét này?

- Khu vực miền Trung cần có một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn như Đại học Quốc gia. Kinh tế chỉ có thể phát triển nhộn nhịp ở những khu vực có lợi thế nhân lực chất lượng cao và lao động dồi dào. Chúng ta thường xoay quanh câu chuyện con gà và quả trứng. Đào tạo nguồn nhân lực trước hay chờ doanh nghiệp phát triển trước rồi nhà trường đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Đảng ta cũng xác định đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy, một đơn vị tầm cỡ các đại học quốc gia, được đầu tư đúng mức ở miền Trung là động lực phát triển kinh tế vùng.

Có một khó khăn nữa, nhiều địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chưa xác định cụ thể hướng phát triển của nền kinh tế địa phương. Trong khi đó, sự phát triển ngành nghề đào tạo của các trường đại học phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tuyển sinh, không chủ động được trong đào tạo những gì xã hội sẽ cần.

Ví dụ ngành Đường sắt cao tốc cần đến kỹ sư đầu máy, toa xe, đường ray, cầu hầm… nhưng ngành Xây dựng nói chung và ngành Cầu đường nói riêng những năm qua tuyển sinh rất chật vật. Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu thì thiếu nguồn lực để duy trì ngành đào tạo, chưa nói đến sự phát triển của ngành nghề. Nếu đội ngũ kỹ thuật được chuẩn bị trước thì khi thực hiện dự án, chúng ta sẽ ít bị động hơn về nhân lực.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Bên cạnh đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả tại các trường đại học cũng cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học cần áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, chú trọng phát triển kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm và khả năng tư duy độc lập.

Phương pháp giảng dạy mới không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn phải tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm thực tế. Việc tích hợp học tập dựa trên dự án, vấn đề, học tập trải nghiệm và sử dụng công nghệ trong giảng dạy sẽ giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường làm việc mới”. - GS.TSKH Bùi Văn Ga