“Đập hộp” Sony PS3 Slim

06:28, 15/10/2009

Phiên bản PS3 mới có thiết kế mỏng, gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn, và đặc biệt là giá rẻ hơn, hy vọng sẽ mang lại cho giới game thủ những hào hứng mới đối với dòng máy chơi game cao cấp này. Ngoài ra, nhờ được tích hợp sẵn các tính năng Blu-ray thời thượng nên PS3 sẽ là trung tâm giải trí rất hiệu quả cho hệ thống home theater gia đình.  

Nếu chịu khó nhìn lại năm 2004, chúng ta sẽ thấy một chút trùng lặp trong việc cải tiến dòng game console PlayStation đình đám của Sony. Năm 2004, Sony cũng ra mắt một phiên bản PlayStation 2 mới, nhẹ hơn, gọn hơn – một dạng nâng cấp của bản PS2 gốc vốn được tung ra trước đó 4 năm. Bản PS2 mới được coi như luồng gió mới giúp cho dòng PS2 trở nên hấp dẫn hơn đối với giới game thủ.
 
Và giờ đây, “lịch sử” cũng lặp lại với dòng PS3. Cũng cần phải nói thêm rằng, trên thị trường game console hiện nay, PS3 vốn đang tỏ ra thua kém hai đối thủ Nintendo Wii và Microsoft Xbox 360 mặc dù nó vẫn được đánh giá khá cao. PS3 Slim ra mắt như là sự bổ khuyết cho PS3 với giá bán mềm hơn, thiết kế hợp lý hơn, và với mục đích không gì khác là nhằm cải thiện doanh số bán ra dòng máy này.

 

Thiết kế và tính năng

 

Nếu bạn là một fan của PS3 hoặc đang chờ đợi sản phẩm này giảm giá thì PS3 Slim chính là cơ hội rất tốt để lựa chọn. Ngoài việc không hỗ trợ cài đặt hệ điều hành Linux thì PS3 Slim chẳng khác gì phiên bản PS3 trước đây. Có nghĩa là cũng có Wi-Fi tích hợp (riêng Xbox 360 phải mua riêng bộ điều hợp Wi-Fi với giá 83USD); 2 cổng USB để kết nối với các thiết bị ngoài và nạp điện cho thiết bị điều khiển không dây Bluetooth; và ổ Blu-ray Profile 2.0 tích hợp với các tính năng BD-Live.

 

Cũng giống phiên bản trước đây, Slim hỗ trợ phát lại video MPEG-1, MPEG-2 và MPEG-4/H.264 từ USB hoặc các thiết bị đĩa quang; đồng thời cho phép xem cả ảnh JPEG (tính năng slideshow này rất ấn tượng). Cũng giống Xbox 360, PS3 Slim còn là một đầu kết nối số, có khả năng streaming (truyền tải) nội dung từ bất cứ thiết bị mạng tương thích chuẩn DLNA nào, gồm cả PC và các ổ ứng gắn mạng. Ngoài ra, Slim còn được tích hợp sẵn trình duyệt, và người dùng có thể lướt web thông qua bàn phím Blutooth (mua riêng).

 

Phía mặt sau của Slim là các cổng Ethernet, HDMI (không có cáp đi kèm), ngõ SPDIF, ngõ PlayStation AV kế thừa dành cho video và audio analog. Cáp AV composite được gói kèm theo thiết bị đảm đương luôn vai trò của cáp component và S-Video. Nếu muốn phát video HD, bạn phải mua cáp HDMI.

 

Bạn cũng sẽ hơi thất vọng nếu biết rằng PS3 Slim không có thêm tính năng mới so với phiên bản PS3 trước đây. Ngoài ra, nếu bạn có một kho game PS2 thì có lẽ bạn nên xem xét lại vì PS3 Slim hỗ trợ hỗ trợ ngược các dòng game cũ này. Trên thực tế, cũng chỉ có một vài mẫu PS3 trước đây mới hỗ trợ khả năng này. Xét về tổng thể thiết kế, PS3 Slim trông rất ổn. Slim nhỏ hơn 33% và nhẹ hơn 36% so với phiên bản PS3 trước, và được thiết kế khá chắc chắn. Nói tóm lại, trông Slim đẹp hơn phiên bản gốc của chúng.

 

Các nút Eject và Power On/Off bằng cảm ứng chạm phía trước đã được thay thế bằng nút đẩy chuẩn. Còn nút chuyển đổi nguồn chính ở phía sau đã không còn nữa mặc dù bạn vẫn có thể nạp điện cho thiết bị điều khiển ngay cả khi hệ thống không hoạt động. Thời gian khởi động của hệ thống chưa tới 20 giây kể từ khi bạn nhấn nút nguồn.

 

Theo Sony, để có được form thiết kế nhỏ như PS3 Slim, hãng đã phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống này, từ bo mạch chính cho tới bộ nguồn và hệ thống làm mát. Bộ xử lý của Slim là phiên bản 45-nm của chip Cell, tuy cũng chạy ở tốc độ bằng với chip 60-nm của PS3 “cũ” nhưng nhỏ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Ngoài ra, hệ thống làm mát của Slim đã được cải tiến khá nhiều, máy ít nóng hơn, chạy êm hơn (và do vậy ít tiếng ồn hơn – rất quan trọng khi xem phim ).

 

Cuối cùng, một số điểm mới trong thiết kế của PS3 Slim cần bạn để ý đó là: Máy chỉ đặt nằm ngang, nếu muốn đặt máy theo chiều dọc, bạn phải mua thêm chân đế của Sony. Bạn có thể nâng cấp/thay thế ổ cứng mà không làm mất bảo hành. Ổ cứng của PS3 Slim là loại 2,5-inch, giống như kiểu ổ cứng laptop, chúng đắt hơn nhiều so với loại ổ 3,5-inch trong các dòng máy desktop.

 

Hiệu suất

 

Để bạn có thể hiểu vấn đề ngay từ đầu, phải nói trước rằng điểm khác biệt giữa PS3 Slim và PS3 chỉ là phần thiết kế, còn hiệu suất hoạt động thì không có gì thay đổi mặc dù Slim sử dụng phiên bản firmware PS3 3.00. Chính vì thế, những đánh giá về hiệu suất của PS3 Slim không khác gì bản PS3 “cũ”. Slim được đánh giá cao về khả năng Blu-ray, và hỗ trợ nhiều định dạng video độ nét cao. Ngoài ra, người dùng có thể tham gia miễn phí vào mạng giải trí PlayStation Network. Đây được xem như một “món quà” của Sony nếu biết rằng người dùng Xbox Live (dành cho hệ game console Xbox 360) sẽ phải trả 66USD để tham gia vào mạng giải trí này.

 

Tuy nhiên, PS3 Slim vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm, trước hết là không hỗ trợ ngược game PS2, không có cổng hồng ngoại, không tích hợp sẵn khe đọc thẻ nhớ, và chỉ có duy nhất 2 cổng USB. Đổi lại, giá của Slim chỉ bằng một nửa so với PS3 (giá khởi đầu). Thêm vào đó, Slim nhỏ hơn, tiêu thụ ít điện năng hơn, chạy êm hơn và có các chức năng multimedia hấp dẫn hơn so với phiên bản PS3 trước.

 

Ưu điểm: Giá hợp lý; mỏng; chắc chắn; chạy êm hơn; toàn bộ game được thiết chế theo chuẩn HD; giao diện dễ sử dụng; có thể nâng cấp nội dung DVD lên Blu-ray; Wi-Fi tích hợp sẵn; ổ cứng 120GB; ngõ xuất HDMI hỗ trợ 1080p; trình duyệt web tích hợp; dịch vụ chơi game trực tuyến miễn phí.

 

Hạn chế: Không hỗ trợ ngược các game PS2; dịch vụ game trực tuyến không phong phú bằng Xbox Live mặc dù đã có nhiều cải tiến hơn trước đây.

 

Giá tham khảo: 419USD


Gia Vũ (Theo Cnet)