Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hành trình xanh hóa Khu Công nghiệp Đà Nẵng

15:45, 13/04/2025

Trong bối cảnh đô thị lớn trên thế giới hướng tới phát triển bền vững, khái niệm "khu công nghiệp xanh" là xu hướng tất yếu. Tại Đà Nẵng, chuyện "xanh" không dừng lại ở thêm cây mà còn nỗ lực ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất sạch, giảm phát thải, tối ưu hóa năng lượng và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Với tầm nhìn trở thành đô thị sinh thái lớn theo quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023, Đà Nẵng đang đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ để "xanh hóa" các khu công nghiệp, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, hành trình này không chỉ mang lại lợi ích mà còn đặt doanh nghiệp trước nhiều thách thức đáng kể.

Lợi ích: Động lực từ chính sách và thị trường

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, TP Đà Nẵng triển khai nhiều chính sách thiết thực. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cung cấp quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ, trong khi Khu công nghiệp Hòa Khánh – một trong những khu công nghiệp trọng điểm – được chọn tham gia chương trình khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Hiện tại, dự án này đã hoàn thành một nửa chặng đường với nguồn vốn gần 50 tỷ đồng từ thành phố, tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và mở rộng không gian xanh.

Những doanh nghiệp tiên phong như Nhà máy giấy Bao bì Tân Long tại Khu công nghiệp Hòa Khánh là minh chứng sống động cho lợi ích của mô hình sản xuất xanh. Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc nhà máy, chia sẻ: “Dù chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng đây là trách nhiệm không thể né tránh nếu muốn đồng hành cùng thành phố xây dựng thương hiệu môi trường.”

Với công nghệ tái chế hiện đại, nhà máy biến 70 tấn giấy phế liệu thành phẩm mỗi ngày, chỉ thải ra 1,5 tấn rác – phần lớn được tái sử dụng, đồng thời loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Kết quả không chỉ là giảm ô nhiễm mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí dài hạn và nâng cao uy tín trên thị trường.

Chính sách ưu đãi từ chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng. Các sản phẩm tái chế được hưởng ưu đãi thuế, trong khi doanh nghiệp không tái chế phải đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường. Điều này tạo động lực tài chính để doanh nghiệp thay đổi. Hơn nữa, xu hướng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ – nơi yêu cầu khắt khe về dấu chân carbon – càng thúc đẩy các khu công nghiệp cạnh tranh bằng công nghệ sạch.

 Ví dụ, một nhà máy DRC hiện đang tích cực tái chế lốp xe tại Đà Nẵng đã biến chất thải rắn thành sản phẩm gia dụng cao su, hoặc tái sử dụng lốp xe bằng cách đắp lốp. Những sản phẩm này chỉ sử dụng 32% nhiên liệu truyền thống và giảm đáng kể lượng CO2 thải ra, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

081fd306b31700495906

DRC là một trong những doanh nghiệp xanh hóa hoạt động sản xuất bằng cách tái chế những lốp xe đã qua sử dụng, trưng bày tại triển lãm "Đà Nẵng - Phát triển và Hội nhập" nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng TP Đà Nẵng.

Dẫu vậy, quá trình xanh hóa không phải dễ làm. Đối với doanh nghiệp, chi phí đầu tư ban đầu để thay đổi công nghệ cũ sang công nghệ mới là rào cản lớn. Ông Thống thừa nhận: “Đầu tư tốn kém, nhưng không làm thì không thể tồn tại trong xu thế hiện nay.” Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính hoặc tầm nhìn để chấp nhận hy sinh lợi nhuận ngắn hạn vì mục tiêu dài hạn.

Thách thức không chỉ nằm ở vốn mà còn ở hạ tầng và nguồn nhân lực. Việc đổi mới công nghệ đòi hỏi công nhân phải thích nghi với quy trình mới, trong khi nhiều người còn bỡ ngỡ với khái niệm sản xuất bền vững. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp xanh đòi hỏi sự kiên trì và đầu tư vào đào tạo – điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng thực hiện.

Ngoài ra, quỹ đất hạn chế tại các khu công nghiệp như Hòa Khánh khiến việc mở rộng không gian xanh hay tập kết chất thải gặp khó khăn trước khi đưa vào tái chế. Một số quỹ hỗ trợ công nghệ cũng rơi vào tình trạng tạm ngưng, làm gián đoạn kế hoạch chuyển đổi của doanh nghiệp nhỏ.

38b55ba5ba5f1101484e

Khu công nghiệp Hòa Khánh là một khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam đang hướng tới chương trình Khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam, ảnh nguồn: dananginvest.com.

Hệ thống xử lý nước thải – yếu tố cốt lõi của khu công nghiệp sinh thái – cũng đặt ra bài toán cân bằng giữa chi phí và hiệu quả. Tại Hòa Khánh, với 174 dự án đầu tư thải ra khoảng 6.000 m³ nước mỗi ngày, các trạm xử lý nước thải ứng dụng ống dẫn hiện đại và cơ chế xã hội hóa đã hoạt động hiệu quả nhờ hệ thống quan trắc tự động. Kết quả quan trắc tự động tại các khu công nghiệp cũng được đăng tải công khai định kỳ tại các website để cơ quan chức năng và người dân có thể giám sát. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cấp công suất, doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí vận hành, trong khi nguồn vốn công vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Chính sách chính là cầu nối giữa lợi ích và khó khăn

Nhận thức được những rào cản này, chính quyền Đà Nẵng đã có những bước đi cụ thể. Đối với các khu công nghiệp không do ngân sách đầu tư, UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư và doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm môi trường. Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao Đà Nẵng nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ yêu cầu tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn mà còn khuyến khích tiết kiệm năng lượng và nước thông qua các giải pháp sáng tạo như hệ thống làm mát, chiếu sáng hiệu quả.”

Dẫu vậy, để hài hòa lợi ích giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền, cần có sự hợp tác công-tư chặt chẽ hơn. Các chính sách cần linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ tài chính, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hạ tầng xanh. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hướng tới sản xuất bền vững cũng là chìa khóa để Đà Nẵng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nhưng quá trình này đòi hỏi sự minh bạch và tầm nhìn dài hạn từ cả hai phía.

a8f7d8eec3f870a629e9

Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao TP Đà Nẵng trả lời báo chí về định hướng và phát triển xanh hóa khu công nghiệp TP Đà Nẵng. 

Hành trình xanh hóa khu công nghiệp của Đà Nẵng là câu chuyện của sự cân bằng: giữa khát vọng trở thành đô thị sinh thái hiện đại và thực tế đầy thách thức của doanh nghiệp. Những lợi ích từ tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm và mở rộng thị trường quốc tế là động lực lớn, nhưng chi phí đầu tư, hạn chế về hạ tầng và sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp vẫn là những nút thắt cần tháo gỡ.

Với sự đồng hành của chính sách và quyết tâm từ doanh nghiệp, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế của một thành phố không chỉ phát triển kinh tế mà còn tiên phong trong bảo vệ môi trường – một hành trình dài hơi nhưng đáng để theo đuổi.