Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ khoa học - kỹ thuật vào khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản
Những năm gần đây Chính phủ luôn quan tâm đến lĩnh vực khai thác thủy sản, đặc biệt là tập trung nghiên cứu, chuyển giao hỗ trợ các tiến bộ công nghệ khoa học - kỹ thuật cho ngư dân.
Việc ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu làm cho thủy sản luôn được tươi sau các chuyến đi dài ngày.
Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1090/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030.
Theo đó, một trong sáu nhiệm vụ mà chương trình đặt ra là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ như xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về ngư cụ, tàu cá, điều kiện làm việc; ứng dụng khoa học và công nghệ để điều tra nguồn lợi thủy sản, ngư trường; nghiên cứu thiết kế, sản xuất ngư cụ, phương tiện khai thác tiên tiến, thân thiện môi trường, khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ chế tạo lưới, phao… thay thế hàng ngoại nhập; phát triển các phương pháp bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; ứng dụng các mẫu vỏ tàu mới thay thế tàu vỏ gỗ và các trang thiết bị hiện đại, hiện đại hóa các phương pháp chế biến hải sản tiên tiến.
Tại Nghệ An, các thiết bị điện tử hàng hải như máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc được sử dụng phổ biến trên tàu cá. Đội tàu khai thác xa bờ tỉnh nhà đã được tiếp cận và ứng dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa hiện đại trong quá trình đánh bắt như: Máy dò ngang, máy tời thủy lực, máy thu lưới vây tang treo, hệ thống căng tăng gông và thu thả lưới cho nghề lưới chụp… Bên cạnh đó, kỹ thuật sử dụng ánh sáng màu, đèn ngầm, đèn LED đã bước đầu được một số tàu khai thác thủy sản kết hợp ánh sáng như nghề lưới vây, lưới chụp,….. thử nghiệm, áp dụng nhằm thay thế hệ thống đèn cao áp truyền thống nhằm tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác.
Theo đánh giá của Viện Hải dương học và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, việc sử dụng đèn LED trong nghề lưới vây kết hợp ánh sáng giúp giảm chi phí chuyến biển trung bình 21,8%, tăng doanh thu lên 21,7% và tăng lợi nhuận trung bình hơn 52% cho ngư dân. Hơn nữa các tàu sử dụng đèn LED để khai thác thủy sản sẽ giảm được hao mòn và kéo dài thời gian sử dụng máy phát điện, tiết kiệm nhiên liệu và giảm tác động của hiệu ứng nhà kính.
Việc áp dụng công nghệ khoa học - kỹ thuật để bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ ngày càng được các chủ tàu/thuyền trưởng quan tâm.
Sử dụng hầm bảo quản bằng vật liệu PU trên tàu cá
Việc sử dụng hầm bảo quản làm bằng vật liệu Polyurethane (PU) trên tàu cá ngày càng được bà con ngư dân sử dụng rộng rãi. Hầm bảo quản làm bằng PU có độ kín cao, không thoát nhiệt, tránh nước và không khí bên ngoài thẩm thấu vào. Qua thực tế sử dụng, hầm có ưu điểm hơn hẳn so với hầm bảo quản lạnh thông thường trước kia, tiết kiệm được 30% lượng đá hao hụt, kéo dài thời gian bảo quản, làm tăng chất lượng nguyên liệu thủy sản sau khai thác… Thời gian bảo quản đối với hầm bảo quản lạnh thông thường tối đa 12 - 15 ngày, còn đối với hầm PU sau 15 ngày chất lượng nguyên liệu bảo quản vẫn bảo đảm tốt.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ khoa học - kỹ thuật vào khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác bước đầu đã đem lại những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực khai thác thủy sản vẫn là lĩnh vực mang nặng tính thủ công, nhiều khâu trong sản xuất vẫn phải sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, sản phẩm khai thác đưa vào bờ mang hàm lượng khoa học công nghệ không cao, tổn thất sau thu hoạch lớn từ 20 - 30%. Để nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động trên tàu thì phát triển công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác thủy sản cần phải được ưu tiên hàng đầu vì đây là yếu tố sống còn đối với bà con ngư dân.
Thùy Chi (T/h)