Đề án 06: “5 vấn đề - 4 xuyên suốt - 3 giá trị - 2 mục tiêu -1 quyết tâm”
Trong thời gian tới, triển khai Đề án 06 trên nguyên tắc “5 vấn đề - 4 xuyên suốt - 3 giá trị - 2 mục tiêu -1 quyết tâm” để triển khai và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia một cách xuyên suốt, hiệu quả…
Bộ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lương Tam Quang, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 chủ trì buổi họp, chiều 7/8.
Cuộc họp tháng 7 của Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) do Bộ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lương Tam Quang chủ trì diễn ra vào chiều 7/8.
Theo thông tin tại cuộc họp, trong tháng 7, Bộ Công an đã làm việc với các đơn vị nghiệp vụ thuộc các bộ, ngành để thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06. Cụ thể, Bộ Công an đã phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ;
Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 356 ngày 17/7/2024 và tổ chức lễ ra quân thu nhận ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính để đưa vào Ngân hàng Gen phục vụ xác định danh tính hài cốt còn thiếu thông tin. Đã triển khai thu nhận ADN cho 204 thân nhân liệt sĩ tại 07 tỉnh: TP. Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên; TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Nam; đồng thời, đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để thực hiện xã hội hóa, góp phần thu thập, tạo lập xây kho dữ liệu trong năm 2025.
Theo đánh giá của Bộ Công an, các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã quyết liệt chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ, đem lại nhiều tiện ích được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Điển hình như: Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 73/2019/NĐ-CP; Bộ Tài chính đã có văn bản số 8000/BTC-HCSN báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định lập dự toán, sử dụng kinh phí chi thường xuyên…
Đến nay, 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn, giảm phí, lệ phí khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đã có 5/5 bộ, ngành và 25/63 địa phương hoàn thành điều chỉnh, nâng cấp hệ thống phục vụ kết nối với phần mềm dịch vụ công liên thông đảm bảo triển khai hiệu quả 2 thủ tục hành chính liên thông hoạt động thông suốt từ ngày 1/7/2024.
Ngoài ra, việc ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân đối với các lĩnh vực tiếp tục được đẩy mạnh. Cụ thể, trong lĩnh vực ngân hàng đã ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để đối chiếu thông tin sinh trắc học của 26,3 triệu hồ sơ khách hàng; đã có 22 tổ chức tín dụng và 13 trung gian thanh toán triển khai ứng dụng VNeID để mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch thanh toán, đối chiếu xác thực thông tin khách hàng; có 38 tổ chức tín dụng triển khai giải ngân 239 nghìn tỷ đồng cho người dân vay tín chấp bằng hình thức online. Đã có trên 1,8 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân; chi trả an sinh không dùng tiền mặt cho trên 1,9 triệu người với tổng số tiền trên 8,2 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024, Bộ Công an đã cung cấp thêm 3 tiện ích mới, gồm: Đăng ký tạm trú trên VNeID, dịch vụ đồng ý xác thực sinh trắc học và chia sẻ thông tin trên VNeID, triển khai việc xử phạt vi phạm hành chính, tước Giấy phép lái xe trên môi trường điện tử. Đặc biệt, đã cập nhật, xử lý hơn 20 nghìn trường hợp xử phạt hành chính trên VNeID.
Các mô hình thúc đẩy Đề án 06 được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương, trong đó TP. Hà Nội chính thức ra mắt và vận hành ứng dụng “Công dân số thủ đô – iHaNoi”; Tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thành công mô hình “Nền tảng số kết nối truyền thông”; Sở Y tế của 33/63 địa phương đã phối hợp HD Bank để triển khai miễn phí Kiosk phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lương Tam Quang ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành trong thực hiện Đề án 06 thời gian qua. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thống nhất và chỉ đạo triển khai Đề án 06 trên nguyên tắc “5 vấn đề - 4 xuyên suốt - 3 giá trị - 2 mục tiêu -1 quyết tâm” để triển khai và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia một cách xuyên suốt, hiệu quả; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 28 ngày 5/3/2024.
Bộ Tài chính bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sớm xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước. Nghiên cứu, quy định đối tượng phải triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hộ kinh doanh theo phương pháp khoán có quy mô vừa (xác định theo tiêu chí số lao động) sử dụng thiết bị điện tử, máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế trong quá trình sửa đổi Nghị định số 123, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 44 ngày 5/4/2024.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp nội dung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và Đề án 06 vào Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 04; tập trung tổng kết và triển khai học bạ số trên toàn quốc đảm bảo tiến độ.
Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể để kết nối đồng bộ dữ liệu hộ tịch, đặc biệt là dữ liệu khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, cải chính hộ tịch để thực hiện cấp thẻ căn cước và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các đơn vị chuẩn bị các điều kiện triển khai toàn quốc về cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trong tháng 9/2024…
Theo VnEconomy
https://vneconomy.vn/de-an-06-5-van-de-4-xuyen-suot-3-gia-tri-2-muc-tieu-1-quyet-tam.htm