Để sinh viên giỏi thực chất: kinh nghiệm từ Nhật Bản
Để sinh viên giỏi thực chất và đáp ứng được yêu cầu của công việc sau khi tốt nghiệp, cần có sự hợp tác tích cực và chặt chẽ giữa các đại học và các công ty công nghệ. Để làm rõ luận điểm trên, bài viết này giới thiệu một số kinh nghiệm trong việc đào tạo và nghiên cứu khoa học ở khoa Năng lượng tiên tiến, Đại học Tokyo, Nhật Bản.
Một số thành tựu nghiên cứu tiêu biểu sẽ được giới thiệu để chứng tỏ: (i) Các đề tài hợp tác nghiên cứu giữa đại học và công ty công nghệ là điều kiện cần thiết để sinh viên trưởng thành thông qua việc tham gia giải quyết các bài toán thực tiễn cùng các thầy cô và các chuyên gia công nghệ. (ii) Các chương trình hợp tác đào tạo phối hợp giữa đại học và công ty công nghệ tạo cơ hội cho việc xây dựng một cách nhanh chóng những phòng thí nghiệm trọng điểm hướng đến những vấn đề cấp thiết mà xã hội đặt ra. (iii) Các sinh viên có thể tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn quý báu từ các nghiên cứu sinh do các công ty cử đi học. Bên cạnh đó, các đại học cần xây dựng cách đánh giá chất lượng sinh viên hướng đến thực chất, thay thế cho cách đánh giá truyền thống với các thứ hạng “Xuất sắc – Giỏi – Khá – Trung bình”.
Bài viết này cũng sẽ đưa ra một số khuyến nghị tới các đại học ở Việt Nam, đặc biệt là các trường đang đào tạo kỹ sư Điện và kỹ sư ô-tô.
1. Đặt vấn đề
Xã hội luôn kỳ vọng những sản phẩm đầu ra của Đại học công nghệ phải là những kỹ sư có thực chất. Nói cách khác, xã hội cần những kỹ sư làm được việc: những người nắm vững kiến thức cơ bản của chuyên ngành đào tạo đồng thời có khả năng vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo vào công việc; nhanh chóng thích nghi với môi trường công ty, có khả năng hợp tác được với các đồng nghiệp trong công ty cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước; giải quyết được các vấn đề mà cấp trên giao phó; góp phần phát triển nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ Việt Nam.
Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo Giáo dục 2023 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 5 tháng 11 tại Hà Nội (Hình 1).
Hình. 1. Hội thảo Giáo dục 2023 [1].
Hội thảo đã đặt ra vấn đề “sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc nhưng chưa thực chất”. Theo Đại tá Dương Xuân Phượng (Học viện Viettel), một số đại học hàng đầu Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viên Công nghệ Bưu chính viễn thông có chất lượng đào tạo “rất ổn”, cung cấp phần lớn nhân sự chủ chốt cho tập đoàn Viettel. Tuy nhiên, qua thực tế tuyển dụng nhân sự của Viettel cho thấy chất lượng đào tạo của các đại học nói chung hiện nay còn nhiều bất cập, trong đó nổi bật vấn đề khoảng cách giữa nội dung đào tạo tại đại học và thực tế làm việc tại doanh nghiệp.
Theo ông Phượng, trong số gần 2000 hồ sơ giỏi và xuất sắc, chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent chỉ chọn được 100 sinh viên phù hợp. Kết quả khảo sát 100 sinh viên này cho thấy: “3/4 các em tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc, chỉ 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu”. Tỷ lệ này là khá tương đồng với nhận định của các cán bộ Viettel được giao hướng dẫn, kèm cặp. Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm. Đặc biệt, có một thực tế là những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến 99% trong khi năng lực thực tế không cách biệt quá nhiều so với các thế hệ sinh viên tốt nghiệp trước đây. Trước đây ngay cả những sinh viên tốt nghiệp loại trung bình nhưng khi được tuyển dụng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc. Hiện tượng một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng không thể đáp ứng được 70% yêu cầu công việc không phải là trường hợp cá biệt.
Vấn đề nói trên đặt ra hai câu hỏi cấp thiết: (1) Đào tạo sinh viên như thế nào để họ làm được việc? (2) Cách đánh giá sinh viên có nên thay đổi hay không, và nếu cần phải thay đổi thì nên đánh giá sinh viên như thế nào?
Hai câu hỏi nói trên không thể trả lời trong phạm vi một bài báo ngắn, mà cần những nghiên cứu công phu, cần sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Bài viết này chỉ cung cấp một góc nhìn về Việt Nam dựa trên những kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu của tác giả tại Phòng thí nghiệm Giao thông Điện và Điều khiển, khoa Năng lượng tiên tiến, Đại học Tokyo.
2. Các kinh nghiệm từ Khoa Năng lượng tiên tiến, Đại học Tokyo
2.1. Giới thiệu chung
Khoa Năng lượng tiên tiến (Department of Advanced Energy) thuộc nhóm khoa học xuyên ngành (Division of Transdisciplinary Sciences), phân khoa Khoa học sáng tạo lĩnh vực mới (Graduate School of Frontier Sciences), Đại học Tokyo [2]. Khoa Năng lượng tiên tiến (KNLTT) có sứ mệnh thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại thông qua việc sáng tạo những tri thức mới và kỹ thuật mới liên quan đến năng lượng. Các tri thức và kỹ thuật mới phải đảm bảo sự phát triển hài hòa của xã hội. Vì vậy, KNLTT chọn cách giải quyết các vấn đề năng lượng trọng điểm bằng phương pháp tích hợp và vượt qua ranh giới của nhiều ngành khoa học khác nhau. Sản phẩm của KNLTT không chỉ là những bài báo khoa học hay bằng phát minh sáng chế, mà còn là những con người có kỹ năng xuyên ngành. Sinh viên của KNLTT không chỉ học các môn học cốt lõi và nền tảng của kỹ thuật năng lượng, mà còn được nuôi dưỡng trong tinh thần “tích hợp kiến thức xuyên ngành” để sáng tạo ra tri thức mới. Sinh viên của KNLTT có kỹ năng đa dạng và cơ hội trở thành những chuyên gia có năng lực giải quyết các vấn đề lớn của xã hội. Cơ cấu tổ chức và mô hình đào tạo của Khoa đã được tác giả giới thiệu một cách chi tiết trên bài báo “Đào tạo nhân lực cho ngành Ô-tô điện Việt Nam: Kinh nghiệm từ Đại học Tokyo” (Tự động hóa ngày nay, số 251&252, tháng
1&2/2022) [3].
2.2. Đào tạo sinh viên “làm được việc” thông qua sự phối hợp giữa đại học và công ty
Để khắc phục tình trạng “sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc nhưng chưa thực chất”, bên cạnh vai trò của các đại học được thực hiện thông qua đội ngũ giảng viên, các công ty công nghệ cũng cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình.
Tác giả cho rằng, bên cạnh việc đặt ra các yêu cầu về chất lượng và năng lực, các công ty cần đóng góp tích cực hơn vào việc giáo dục và đào tạo các kỹ sư tương lai. Sự phối hợp giữa đại học và công ty có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như (i) Đề tài hợp tác nghiên cứu, (ii) Chương trình đào tạo phối hợp đại học và công ty, (iii) Nghiên cứu sinh do công ty cử đi học.
(i) Đề tài hợp tác nghiên cứu
Học đi đôi với hành là nguyên tắc cơ bản để sinh viên trở thành người làm được việc sau khi tốt nghiệp. Để làm được điều này, người thầy phải là người lãnh đạo các đề tài nghiên cứu và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các đề tài này. Các giảng viên ở KNLTT có thể xin các đề tài do Nhà nước tài trợ, tiêu biểu là các đề tài từ JSPS (Japan Society for the Promotion of Science), JST (Japan Science and Technology Agency), và NEDO (New Energy and Industrial Technology Development Organization).
Tuy nhiên, để thực hiện các đề tài có tính thực tiễn cao, sinh viên còn cần được tạo cơ hội hợp tác với công nghiệp. Tác giả nhận thấy các công ty Nhật Bản rất chủ động tìm kiếm sự hợp tác với các nhà nghiên cứu trong đại học. Các đề tài hợp tác có thể bắt đầu bằng những cuộc thảo luận tại hội nghị khoa học, các chuyến đi thăm quan ( 見学, kengaku) ở đại học hoặc công ty. Đặc biệt, các cựu sinh viên (nay đã là các chuyên gia trong các công ty) rất tích cực giới thiệu các mối quan hệ hợp tác, các đề tài nghiên cứu tới các thày cô và các sinh viên đàn em.
Phòng thí nghiệm Giao thông Điện và Điều khiển (PTN-GTĐ-ĐK) [4] đã có trên 30 năm tham gia hoạt động hợp tác nghiên cứu. Cho đến nay, PTN-GTĐ-ĐK đã và đang hợp tác với hơn 30 công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản như Toyota, Mitsubishi, Honda, Komatsu, Denso,… Các đề tài hợp tác nghiên cứu rất đa dạng về quy mô (từ những đề tài nhỏ 100 vạn Yên/năm cho đến những đề tài lớn hàng ngàn vạn Yên/năm), thời gian (từ những đề tài có thời gian 6 tháng đến những đề tài kéo dài 5 năm), và mục đích nghiên cứu (kiểm chứng thuật toán, thiết kế phần cứng, mô phỏng, nghiên cứu phát triển, giao lưu kỹ thuật).
Các đề tài này tập trung vào những nghiên cứu mà PTN có thế mạnh như điều khiển ô-tô điện, điều khiển máy công cụ, truyền điện không dây. Thông qua các đề tài này, sinh viên của PTN có cơ hội rèn luyện các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công việc tương lai. Bên cạnh đó, họ được thử thách với những bài toán lớn mà nền công nghiệp Nhật Bản đang tập trung giải quyết. Họ cũng học được những kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm, chuẩn bị báo cáo, thuyết phục đồng đội, phân công công việc, tổ chức các buổi thảo luận mặt đối mặt cũng như trực tuyến. Sinh viên được khuyến khích chủ động sử dụng quỹ nghiên cứu do các công ty cung cấp để đi hội nghị, mua thiết bị, hoặc trả phí xuất bản bài báo nghiên cứu khoa học.
Một số kết quả của hoạt động hợp tác nghiên cứu gần đây của PTN-GTĐ-ĐK được tóm tắt trong Bảng 1.
Để đạt được các kết quả này, sinh viên thực sự là chủ thể của quá trình nghiên cứu. Trong các buổi họp hàng tháng với công ty công nghệ, các giảng viên chỉ tham gia để góp ý kiến khi cần thiết. Sinh viên tự mình thảo luận với các chuyên gia công nghệ để nắm được đối tượng điều khiển, tự đặt bài toán và các điều kiện biên, giả thiết phù hợp. Họ phải tự đề xuất phương pháp điều khiển, thuật toán, và lên kế hoạch làm thí nghiệm. Quá trình đó giúp sinh viên trưởng thành, và nhanh chóng thích ứng với công việc ở công ty sau khi tốt nghiệp.
(ii) Chương trình đào tạo phối hợp giữa đại học và công ty
Tại Hội thảo Giáo dục 2023, một số đại biểu đã đề xuất các đại học “cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sát với thực tế doanh nghiệp, cần đào tạo theo “tín hiệu thị trường”. Các cơ quan quản lý cần tạo sự linh hoạt, chủ động cho các trường đại học trong việc thay đổi, cập nhật nội dung đào tạo gắn liền với yêu cầu của doanh nghiệp” [1]. Để sinh viên được thực hành và trải nghiệm những kiến thức mà thực tiễn sản xuất công nghiệp cần, chương trình đào tạo với hệ thống trang thiết bị thí nghiệm đầy đủ và người giảng dạy có chuyên môn là một điều kiện hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng của “tín hiệu thị trường” mâu thuẫn với tính ổn định và bền vững của các chương trình đào tạo truyền thống. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của các đại học, vốn đã có rất nhiều công việc giảng dạy, hướng dẫn, quản lý,… không thể nhanh chóng cập nhật các kiến thức “theo tín hiệu thị trường” như Hội thảo Giáo dục 2023 đề xuất. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng phòng thực hành cho sinh viên cũng cần rất nhiều kinh phí mà các đại học chưa chắc đã có đủ. Điều này dẫn tới một vấn đề: Tại thời điểm đại học hoàn thiện một chương trình giảng dạy bằng nguồn lực tự thân, thì chương trình giảng dạy này đã trở nên lạc hậu so với yêu cầu của thị trường. Đây là một nan đề thực sự cho các đại học, kể cả với các đại học hàng đầu ở các quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến trên thế giới.
KNLTT ở Đại học Tokyo đã đưa ra một lời giải cho nan đề nói trên (Hình 2). Khoa xác định nhiệm vụ trọng tâm của một đại học vẫn là giảng dạy và đào tạo những kiến thức căn bản cho sinh viên.
Hình. 2. Sơ đồ tổ chức Khoa Năng lượng tiên tiến [2].
Nhiệm vụ này được giao cho các Lab nòng cốt (Core Laboratory). Bên cạnh đó, Khoa còn có các Lab hợp tác (Cooperative Laboratory) và Lab từ quỹ quyên góp (Donated Fund laboratory) nhằm cung cấp các kiến thức bổ sung mà các Lab nòng cốt không thể cung cấp cho sinh viên. Giảng viên ở các Lab hợp tác và Lab từ quỹ quyên góp là các chuyên gia đến từ các trung tâm nghiên cứu khác của Nhật Bản, ví dụ như Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Các kiến thức bám sát với yêu cầu của thị trường được đảm nhiệm bởi các Lab hợp tác xã hội (Social cooperative laboratory).
Các Lab hợp tác xã hội được thành lập dựa trên sự đồng thuận và hợp tác giữa đại học và một hay nhiều công ty công nghệ (Hình 3).
Hình. 3. Sơ đồ Chương trình đào tạo hợp tác xã hội.
Lab hợp tác xã hội đảm nhiệm một chương trình đào tạo đặc biệt, được gọi là Đào tạo hợp tác xã hội, (hay 社会連携講座, Sakai-renkei-kouza). Chương trình này hướng tới việc đào tạo ra những sinh viên có kiến thức và chuyên môn đáp ứng được một số nhu cầu đặc biệt về công nghệ mà thị trường và doanh nghiệp đặt ra. Các công ty cung cấp kinh phí để chương trình đào tạo có thể vận hành, bao gồm tiền trả lương giảng viên, đầu tư thiết bị thí nghiệm, và quỹ để thực hiện nghiên cứu. Sinh viên đến ở các bậc học khác nhau (đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) nhận được sự hướng dẫn và dìu dắt của các giảng viên cơ hữu đến từ các Lab nòng cốt cùng với với các chuyên gia và giảng viên đến từ công ty và các giảng viên hợp đồng. Tùy theo kết quả đào tạo, Khế ước giữa đại học và công ty có thể được gia hạn.
Tác giả bài báo đang tham gia chương trình Đào tạo hợp tác xã hội giữa Đại học Tokyo và Công ty Komatsu. Chương trình hướng tới việc đào tạo những kỹ sư có thể hiện thực hóa những xe tải điện siêu trọng trong tương lai. Chương trình tạo cơ hội cho sinh viên Khoa Năng lượng tiên tiến học về động lực học và điều khiển ô-tô từ những lớp học đặc biệt có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên và chuyên gia của Komatsu.
Với tinh thần lấy người học làm trung tâm, sinh viên là người phát biểu trong các giờ học và trực tiếp triển khai các dự án kết hợp với Komatsu. Sinh viên được khuyến khích báo cáo kết quả mình đã học và đã nghiên cứu tại các hội nghị khoa học trong và ngoài nước cũng như đăng tải kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học.
(iii) Nghiên cứu sinh do công ty cử đi học
Bên cạnh các đợt kiến tập trong một vài ngày hay thực tập kéo dài một vài tháng, sinh viên Khoa Năng lượng tiên tiến còn có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với các bậc đàn anh đàn chị đang làm việc trong các công ty. Họ là các Nghiên cứu sinh tiến sỹ do công ty cử đi học (社会人ドクター, đọc là shakaijin-doctor trong tiếng Nhật). Sau nhiều năm làm việc ở công ty, họ đã tích lũy được những kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn phong phú, một số người đã ở vị trí lãnh đạo các nhóm nghiên cứu trong công ty. Để nâng cao kiến thức và đặc biệt là các kỹ năng mang tính hàn lâm, công ty cử họ đi học tiến sỹ. Không chỉ sinh viên, những giảng viên của Khoa Năng lượng tiên tiến cũng học được từ shakaijin-doctor những bài học quý báu. Các shakaijin-doctor không chỉ đi học, họ còn mang tới những bài toán thực tiễn,
những dự án hợp tác, và những hệ thống thí nghiệm mà sinh viên và nghiên cứu sinh bình thường cần rất nhiều công sức và tiền bạc mới có thể chế tạo được.
Một trong những nghiên cứu tiêu biểu nhất trong thời gian gần đây của PTN-GTĐ-ĐK đã được thực hiện bởi TS. Motoki Sato, người đã làm shakaijindoctor tại PTN trong 3 năm từ 2014 đến 2017.
Trong thời gian đó, TS Motoki Sato đã nghiên cứu phát triển hệ thống truyền điện không dây cho động cơ trong bánh xe (wireless in-wheel-motor). Nghiên cứu đã được trao giải bài báo xuất sắc của tạp chí danh tiếng IEEE-Transactions on Power Electronics [9].
Tác giả bài báo cũng đang hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ shakaijin-doctor Hiromitsu Toyota, là người đã có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng hệ thống điều khiển chuyển động và cân bằng điện tử ô-tô của hãng Mitsubishi [10].
2.3. Đánh giá sinh viên một cách có thực chất
Từ trước đến nay, các đại học Việt Nam thường đánh giá sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp theo các mức Xuất sắc, Giỏi, Khá, Trung bình dựa theo điểm số, bao gồm điểm học tập và điểm rèn luyện đạo đức. Tuy nhiên, các ý kiến của Hội thảo Giáo dục 2023 cho thấy phương thức đánh giá này tỏ ra không còn phù hợp với thời đại mới, và không đánh giá đúng năng lực của sinh viên.
KNLTT nói riêng và Đại học Tokyo nói chung không có hệ thống đánh giá sinh viên từ Xuất sắc đến Trung bình như trên. Các sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo của Khoa đều nhận được bằng tốt nghiệp giống nhau. Điều này chứng tỏ những sinh viên hoàn thành yêu cầu của chương trình đào tạo đều có đầy đủ năng lực để tham gia thị trường lao động, đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn doanh nghiệp.
Sinh viên của PTN-GTĐ-ĐK không chỉ được đào tạo thông qua sự hợp tác giữa đại học và công ty, mà còn phải đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng mà PTN đề ra: Hoàn thành các khóa đào tạo nội bộ về điều khiển, điện tử công suất; Các nghiên cứu đều phải có thực nghiệm; Sinh viên bậc đại học phải có bài báo hội nghị; Sinh viên từ bậc thạc sĩ trở lên phải có cả bài báo hội nghị và bài báo đăng trên tạp chí nghiên cứu; Sinh viên từ bậc tiến sĩ trở lên phải tham gia giảng dậy và hướng dẫn đàn em trong PTN. Những tiêu chuẩn đó là sự bảo chứng chắc chắn cho chất lượng của sinh viên tốt nghiệp từ PTN-GTĐ-ĐK.
Năng lực của một sinh viên không cần thiết phải đánh giá qua điểm số, mà qua chính công trình nghiên cứu của sinh viên đó, và qua nội dung của lá thư giới thiệu của giảng viên hướng dẫn gửi đến công ty. Người giảng viên cũng là một nhà khoa học, đã lấy danh dự khoa học của mình để giới thiệu sinh viên đến các công ty.
Sinh viên có thành tựu đặc biệt xuất sắc sẽ được nhận bằng khen của thầy Giáo sư trưởng khoa. Mỗi khóa tốt nghiệp chỉ có một vài sinh viên nhận được bằng khen này. Vì vậy, bằng khen xuất sắc của Khoa thực sự có ý nghĩa, và phản ánh đúng chất lượng đào tạo.
3. Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Tổng kết những kinh nghiệm thu nhận được từ quá trình học tập, nghiên cứu và công tác tại Khoa năng lượng tiên tiến, Đại học Tokyo, tác giả nhận thấy để quá trình đào tạo trở nên có thực chất, sự chung tay hiệp lực giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa các giảng viên và các chuyên gia, là tiền đề vô cùng quan trọng. Để hợp tác hiệu quả, cần có sự “mở lòng” và “thấu hiểu” từ cả hai phía.
Các công ty, đặc biệt là các công ty và tập đoàn hàng đầu như Viettel, Vingroup, FPT, CMC, VNPT,… cần nhận thức rõ mình cũng có vai trò trong quá trình đào tạo và có trách nhiệm cũng như lợi ích gắn với chất lượng của sinh viên tốt nghiệp từ đại học. Các công ty không thể đổ lỗi hay đặt hết trách nhiệm vào đại học và các giảng viên. Các vị lãnh đạo công ty cần tích cực mang đến đại học những đề tài nghiên cứu và những bài toán thực tiễn.
Các chuyên gia trong công ty cũng chính là các cựu sinh viên. Các vị cần tích cực thảo luận, hợp tác, tham gia chia sẻ kiến thức cho sinh viên, tham gia vào việc giảng bài cho sinh viên. Các công ty có thể gửi nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong các đại học, để vừa tiếp thu thêm kiến thức phục vụ công việc, vừa góp phần giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm cho những người đàn em đang học tập ở đại học.
Các đại học cần có chính sách để khuyến khích giảng viên hợp tác nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên tiếp nhận quỹ nghiên cứu từ các công ty. Các giảng viên cần tự lấy làm xấu hổ nếu không làm nghiên cứu, không hợp tác được với doanh nghiệp để mang quỹ và đề tài về cho sinh viên.
Hiện nay, vì sự rắc rối và phiền phức của các thủ tục, một số giảng viên thích trực tiếp làm đề tài với doanh nghiệp mà không thông qua sự quản lý của nhà trường. Như vậy, công sức hợ tác của giảng viên không được ghi nhận. Không những thế, nhà trường không thể biết liệu các đề tài đó có thực sự có ý nghĩa tích cực với hoạt động giáo dục và đào tạo. Các vị lãnh đạo đại học cần học tập, tiếp thu kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trong việc xây dựng chương trình hợp tác giữa đại học và công ty; mở những vị trí giảng viên hợp đồng để đón nhận chuyên gia trong và ngoài nước; tạo ra những vị trí giảng viên đặc biệt cho các chuyên gia đến từ công ty. Hơn nữa, các đại học còn cần tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, đề ra tiêu chuẩn tốt nghiệp và cách đánh giá năng lực sinh viên một cách có thực chất.
Việc cải cách và đổi mới giáo dục đào tạo cũng không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các viện nghiên cứu cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng chính sách và cung cấp các nguồn quỹ để góp phần thúc đẩy sự chung sức chung lòng của đại học và công ty công nghệ. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm từ nhiều quốc gia tiên tiến khác trên thế giới để tìm ra chiến lược phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
[1] Quý Hiên, “2000 sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc, tuyển được 100 em phù hợp,” Thanh Niên, 05/11/2023.
[2] [www.ae.k.u-tokyo.ac.jp]
[3] Nguyễn Bình Minh, Tạ Cao Minh, “Đào tạo nhân lực cho ngành Ô-tô điện Việt Nam: Kinh nghiệm từ Đại học Tokyo,” Tự động hóa ngày nay, số 251&252, tháng 1&2/2022.
[4] [hflab-jp.edu.k.u-tokyo.ac.jp]
[5] T. Hayashi, H. Fujimoto, Y. Isaoka and Y. Terada, “Improvement of Cutting Force Estimation by Lead Error Compensation for Machine Tool, ”IEEE Journal of Emerging and Selected Topics in Industrial Electronics, vol. 4, no. 4, pp. 1333-1342, 2023.
[6] G. Yu, H. Fuse, H. Fujimoto, K. Sawase, N. Takahashi, R. Takahashi, Y. Okamura, R. Koga: “Feedback Control Design for Drive Shaft Vibration Suppression Based on Frequency Domain Analysis of Two-Input-Two-Output Motor Drive System’’, 48th Annual Conference of the IEEE Industrial Electronics Society, 2022.
[7] T. Ueno, B-M. Nguyen, and H. Fujimoto, “Driving Force Control for In-wheel-motor Electric Vehicles with Wheel Speed Limiter and Absolute Stability Analysis”, 49th Annual Conference of the IEEE Industrial Electronics Society, 2023.
[8] C. Ge, B-M. Nguyen, H. Fujimoto, Y. Isaoka and Y. Terada, “Multirate Adaptive Robust Control with Position-dependent Nonlinearity for Tilting-table of Machine Tool: A Basic Study on Test-bench,” IEEJ-Mechatronics Control Workshop, 2023.
[9] M. Sato, G. Yamamoto, D. Gunji, T. Imura and H. Fujimoto, “Development of Wireless In-Wheel Motor Using Magnetic Resonance Coupling,” IEEE Transactions on Power Electronics, vol. 31, no. 7, pp. 5270-5278, 2016.
Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay
https://vnautomate.net/de-sinh-vien-gioi-thuc-chat-kinh-nghiem-tu-nhat-ban.html