Đa dạng hoá các hình thức giáo dục pháp luật ngoại khoá cho sinh viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đa dạng hoá các hình thức giáo dục pháp luật ngoại khoá cho sinh viên; đổi mới và lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để phổ biến cho sinh viên trong tuần sinh hoạt "Công dân - sinh viên” đầu năm, đầu khóa, cuối khóa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định số 435/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của ngành giáo dục năm 2024.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm (gọi chung là cơ sở giáo dục) tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học, các văn bản mới ban hành liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của nhà trường; văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của viên chức, nhà giáo, người lao động, người học. Phổ biến các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội. Phổ biến văn bản, quy định liên quan đến công tác mở ngành, tuyển sinh, chuẩn chương trình đào tạo, quản lý hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng, phòng chống tội phạm, ma túy, dịch bệnh, thiên tai, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, an toàn giao thông đường bộ, hỗ trợ khởi nghiệp...;
Rà soát, có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên giảng dạy môn pháp luật đại cương; khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục tham gia làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tham gia vào PBGDPL cho nhân dân tại địa phương; rà soát, sửa đổi, bổ sung giáo trình, tài liệu giảng dạy cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Bên cạnh đó, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của sinh viên và đổi mới việc học, thi, kiểm tra, đánh giá môn học pháp luật đại cương; đa dạng hoá các hình thức giáo dục pháp luật ngoại khoá cho sinh viên; đổi mới và lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để phổ biến cho sinh viên trong tuần sinh hoạt "Công dân - sinh viên" đầu năm, đầu khóa, cuối khóa.
Lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng
Kế hoạch nêu rõ, nhiệm vụ của các sở giáo dục và đào tạo là tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Kết luận mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến tổ chức và hoạt động giáo dục. Phổ biến các quy định pháp luật mới về giáo dục và các quy định pháp luật phù hợp với từng đối tượng thuộc phạm vi quản lý, tập trung vào các văn bản được ban hành năm 2023, các Luật mới được Quốc hội thông qua năm 2023, 2024 và các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định về cải cách hành chính, chuyển đổi số, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, hỗ trợ khởi nghiệp, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, về đất đai, bảo vệ môi trường, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm ma túy… Trong quá trình thực hiện, cần nắm bắt và phản ánh kịp thời cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ý kiến của Nhân dân, phản ánh của dư luận xã hội về tính khả thi, phù hợp của văn bản mới ban hành hoặc dự thảo văn bản, chính sách đang lấy ý kiến góp ý.
Đồng thời chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật và theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp; chú ý lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng một cách hợp lý, phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế.
Tiếp tục thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân, môn giáo dục kinh tế và pháp luật, báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác pháp chế, công tác PBGDPL. Khuyến khích nhà giáo, người học tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp tổ chức, phát động;
Phối hợp với Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh và sở Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các đợt cao điểm về PBGDPL, hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh; thực hiện các giải pháp tăng cường công tác thông tin, định hướng công tác PBGDPL cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, học sinh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Báo điện tử Chính phủ