ĐH Quốc gia Hà Nội thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến
Lễ công bố Quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến ĐH Quốc gia Hà Nội diễn ra vào ngày 28/2.
Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội trao Quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: VGP/NN.
Trung tâm Đào tạo trực tuyến ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị trực thuộc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục được thành lập theo Quyết định số 4748/QĐ-ĐHQGHN ngày 12/12/2023 của Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trung tâm Đào tạo trực tuyến ĐH Quốc gia Hà Nội được thành lập và vận hành với mục tiêu thống nhất các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến; kết nối với các đơn vị trong việc xây dựng, phát triển nội dung đào tạo trực tuyến; triển khai các hoạt động quảng bá, phổ biến và phối hợp tổ chức đào tạo trực tuyến cho các cơ sở giáo dục; phát triển các chương trình học tập chất lượng cao thành các khóa học và chương trình học trực tuyến hoàn toàn, giúp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao chất lượng dạy học đối với các đơn vị trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội.
Đào tạo trực tuyến là yếu tố quan trọng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học
Trước đó, vào tháng 6/2021, hệ thống quản lý học tập trực tuyến (VNU LMS) của ĐH Quốc gia Hà Nội do Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục là đầu mối phát triển, quản lý và vận hành đã chính thức được đưa vào sử dụng sau thời gian thí điểm vận hành.
Sau khi đưa vào sử dụng thực tế, các đơn vị sử dụng đã đưa ra phản hồi tích cực về chất lượng và hiệu năng, đảm bảo năng lực vận hành và cung cấp các khóa học trực tuyến cho hàng nghìn người học.
Tính đến tháng 12/2023, đã có 16 đơn vị trong ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng hệ thống, hơn 15.000 lớp học phần được tạo và hơn 65.000 người dùng trên hệ thống VNU LMS.
Ngoài việc đảm bảo hạ tầng công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã giao Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục xây dựng và triển khai tổ chức Chương trình tập huấn “Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên tại ĐH Quốc gia Hà Nội” với mục tiêu giúp giảng viên tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại và sử dụng các công cụ phù hợp để thiết kế, xây dựng và tổ chức lớp học phần theo hình thức đào tạo trực tuyến hoặc kết hợp.
Từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2023 đã có hơn 1.500 lượt giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội tham dự, trong đó gồm các giảng viên mới cũng như các giảng viên đã có thâm niên giảng dạy nhiều năm tại ĐH Quốc gia Hà Nội, có những giảng viên vốn đã quen với hình thức giảng dạy trực tiếp nhưng vẫn sẵn sàng tiếp cận và thử nghiệm phương pháp giảng dạy mới.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đang triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực giảng viên theo hình thức trực tuyến dành cho các đơn vị đối tác trong cả nước.
Trên cơ sở kết quả thực tiễn triển khai hoạt động đổi mới giảng dạy theo hướng số hóa và cá thể hóa, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đưa ra chủ trương về việc triển khai thí điểm đào tạo trực tuyến. Theo đó, giao cho Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục nghiên cứu, đề xuất và thí điểm mô hình đào tạo trực tuyến của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trong giai đoạn đầu phối hợp với các đơn vị xây dựng nội dung giảng dạy trực tuyến cho các học phần môn chung và tổ chức đào tạo cho sinh viên hệ chính quy từ học kì I năm học 2023-2024.
Hiện tại, ĐH Quốc gia Hà Nội đã và đang triển khai đào tạo trực tuyến học phần chung cho hơn 12.000 sinh viên thuộc hệ đào tạo chính quy thuộc các đơn vị thành viên, trực thuộc, bao gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; Trường ĐH Kinh tế; Trường ĐH Công nghệ; Trường ĐH Giáo dục; Trường Quản trị và Kinh doanh; Trường ĐH Việt Nhật; Trường Quốc tế; Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật; Trường ĐH Y Dược; Trường ĐH Luật…
Theo kế hoạch, trong năm 2024, các học phần chung và bổ trợ (Tiếng Anh B1, Kỹ năng bổ trợ - Nhóm kỹ năng phát triển trí tuệ cảm xúc) và 1 Chương trình đào tạo thạc sĩ (Quản trị địa phương) sẽ hoàn thành việc xây dựng nội dung và bắt đầu tổ chức đào tạo trực tuyến. ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đang thực hiện các chương trình hợp tác phát triển đào tạo trực tuyến với các cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới.
Đây là cơ sở để ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai, đẩy mạnh và mở rộng hình thức đào tạo trực tuyến đối với các học phần thuộc khối kiến thức ngành và các chương trình đào tạo, hướng đến cung cấp các môn học, chương trình đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng khác trong cả nước và thế giới trong thời gian tới.
Báo cáo “Kinh nghiệm đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp tại Đại học RMIT” do GS. Claire Macken, Tổng Giám đốc Đại học RMIT Việt Nam trình bày - Ảnh: VGP/NN.
Trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến với các cơ sở giáo dục
Tại buổi lễ, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội đồng thời tổ chức Hội thảo về Đào tạo trực tuyến với các báo cáo quan trọng: Báo cáo “Mô hình đào tạo trực tuyến của Đại học Quốc gia Hà Nội: một số kết quả ban đầu và bài học kinh nghiệm” do PGS. TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị phụ trách Trung tâm Đào tạo trực tuyến ĐH Quốc gia Hà Nội trình bày; Báo cáo trình bày cách tiếp cận và mô hình đào tạo trực tuyến của Đại học Quốc gia Hà Nội (đặc trưng và sự khác biệt của mô hình này đối với một số mô hình đào tạo phổ biến như MOOCs, mô hình B-learning, và các mô hình đào tạo trực tuyến đang được áp dụng tại một số trường đại học trong và ngoài nước); một số kết quả thí điểm mô hình này tại Đại học Quốc gia Hà Nội và bài học kinh nghiệm; Báo cáo “Kinh nghiệm đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp tại Đại học RMIT” do Giáo sư Claire Macken, Tổng giám đốc Trường Đại học RMIT Việt Nam trình bày. Báo cáo này giới thiệu tổng quan về đào tạo trực tuyến ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó đưa ra một số gợi ý áp dụng cho giáo dục Việt Nam.
Để lan tỏa mô hình đào tạo trực tuyến và giúp giảng viên, sinh viên có những gợi ý, thực hành tốt trong giảng dạy và học tập theo mô hình trực tuyến, Trung tâm Đào tạo trực tuyến - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức Triển lãm poster về chủ đề Đổi mới giảng dạy theo tiếp cận chuyển đổi mô hình đào tạo trực tuyến tại ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo Báo điện tử Chính phủ