Doanh thu lĩnh vực viễn thông ướt đạt 138.000 tỷ đồng năm 2022
Lĩnh vực viễn thông dự kiến đóng góp 76.452 tỷ đồng vào GDP và nộp ngân sách khoảng 48.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng gần 10% so với năm 2021.
Năm 2022, ước tính doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2022 ước đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021 và vượt 3,75% so với kế hoạch 133.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ngành ước đạt 44.500 tỷ đồng.
Lĩnh vực viễn thông dự kiến đóng góp 76.452 tỷ đồng vào GDP và nộp ngân sách khoảng 48.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng gần 10% so với năm 2021.
Đến nay, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone đã tăng từ 74,4% trong năm ngoái lên 75,8%. Số thuê bao băng rộng di động trên 100 dân đạt 84%, tăng mạnh 12,5% so với năm ngoái.
Theo Cục viễn thông, tính đến hết tháng 9, cả nước có khoảng 127 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng. Tuy nhiên, số thuê bao điện thoại di động đang hoạt động chỉ sử dụng dịch vụ cơ bản như thoại, tin nhắn lên tới 44,7 triệu đơn vị, tức chiếm 35%.
Doanh thu trung bình từ khách hàng mỗi tháng ước đạt khoảng 63.000 đồng/thuê bao.
Trước ngày 1/1/2021, tỷ lệ phủ sóng các thôn, bản đạt 97,82% và còn 2.148 thôn chưa có sóng. Đến nay, toàn quốc đạt tỷ lệ 99,73% thôn bản đã có sóng, còn 266 thôn chưa phủ sóng do thiếu điện, dân cư thưa và địa hình khó khăn.
Bộ TTTT thừa nhận chưa khắc phục triệt để tình trạng SIM không chính chủ là một trong những nguyên nhân để các đối tượng xấu lợi dụng tiến hành các cuộc gọi rác, các cuộc gọi lừa đảo, ảnh hưởng lớn đến xã hội, người dân, khách hàng.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm tình trạng này, trong đó bao gồm thanh kiểm tra và xử phạt đến các đại lý, đối tượng đăng ký và sở hữu nhiều SIM thuê bao; SIM có tài khoản khủng và các cá nhân tiếp tay cho các đối tượng này.
Đối với ngành viễn thông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ đề ra là chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động xử lý triệt để tình trạng SIM có thông tin không đúng quy định, SIM không chính chủ; tiếp tục chủ động, tích cực hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các rủi ro khi sử dụng SIM rác, phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Hiện tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet là 74,5%, tăng 11% so với năm ngoái và xấp xỉ đạt mục tiêu đề ra là 75%. Tỷ lệ người sử dụng Internet tăng không đáng kể và đạt 74,5%.
Số thuê bao băng rộng cố định/100 dân đến tháng 12/2022 ước đạt 21,5 thuê bao/100 dân, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 và gần đạt mục tiêu kế hoạch 22 thuê bao/100 dân. Tương tự, số thuê bao băng rộng di động/100 dân ước đạt 84 thuê bao/100 dân, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gần đạt mục tiêu kế hoạch 85 thuê bao/100 dân.
Tính đến hết ngày 15/11, số tên miền .vn lũy kế đạt 567.000 đơn vị, tăng 104,56% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 99% so với kế hoạch năm 2022. Thống kê còn ghi nhận 633.922 tên miền quốc tế đã được đăng ký và sử dụng tại Việt Nam theo danh sách tên miền quốc tế từ 52 nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.
Sau khi rà soát hơn một triệu tên miền (gồm .vn và tên miền quốc tế do chủ thể Việt Nam đăng ký), Bộ TTTT phát hiện hơn 1.000 tên miền (271 tên miền .vn và 739 tên miền quốc tế) trùng tên ngân hàng, trang thương mại điện tử, tín dụng, cho vay trực tuyến của cá nhân. Đây vốn là đối tượng không được cấp phép.
Bộ TTTT đã phối hợp cung cấp thông tin 1.057 tên miền cho các cơ quan nhà nước phục vụ xử lý vi phạm, gồm 132 tên miền .vn và 925 tên miền quốc tế (trong đó 59 tên miền có thông tin, 866 tên miền đăng ký qua tổ chức nước ngoài và không có thông tin); tạm ngừng 124 tên miền (trong đó 93 tên miền .vn, 31 tên miền quốc tế); thu hồi 4 tên miền (trong đó 3 tên miền .vn và 1 tên miền quốc tế); giữ nguyên hiện trạng 17 tên miền .vn.
Khôi Nguyên (T/h)