Đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử

14:24, 17/07/2024

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận thị trường quốc tế và tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu.

Thương mại điện tử là cánh cửa đưa thương hiệu Việt vươn xa

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu truyền thống sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm xuất khẩu lại ở dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm. Đối tác nước ngoài sau khi thu mua sẽ tiến hành chế biến, đóng gói và gắn thương hiệu của họ. Điều này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng mà còn mất đi cơ hội quảng bá thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số từng cho biết: Thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao trong thời gian vừa qua, trong đó thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến tăng trưởng với mức tăng khoảng từ 16 - 30% trong 4 - 5 năm vừa qua và đây cũng là một trong những tốc độ tăng trưởng hàng đầu của thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện nay đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan về giá trị bán lẻ trực tuyến thông qua các nền tảng giải pháp.

Đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, hiện nay đang là xu hướng tất yếu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam tham gia vào sân chơi này, đã có những đơn hàng và mang lại doanh số cho doanh nghiệp; từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

thuong mai dien tu

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đánh giá hiệu quả của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Gijae Song, Giám đốc Điều hành, Amazon Global Selling Việt Nam thông tin, chỉ trong vòng 5 năm gần đây (từ 2019-2023), số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên Amazon đã tăng hơn 300%.

Cùng đó, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam đạt doanh thu 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gần 10 lần và số lượng đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) tăng hơn 300%...

“Nếu doanh nghiệp tự đơn phương tìm hiểu về một thị trường sẽ mất đến vài năm. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thì con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể,” đại diện Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.

Những thách thức phải đối mặt

Tuy vậy ông Gijae Seong cũng cho biết, không chỉ doanh Việt Nam mà các doanh nghiệp từ các quốc gia khác trên toàn cầu cũng phải đối mặt với những thách thức. Song, thị trường lớn và mở rộng với rất nhiều cơ hội xứng đáng để các nhà bán hàng và thương hiệu dấn thân.

Các doanh nghiệp và nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon gồm 2 nhóm chính. Hai nhóm này đối diện những thách thức khác nhau.

Đầu tiên là online sellers - tức cộng đồng các nhà bán hàng từng kinh doanh online, có kỹ năng số, bán hàng trên môi trường số. Nhóm này thường bắt xu hướng rất nhanh, họ gần như ngay lập tức bắt nhịp các xu hướng mới nhất của bán hàng qua thương mại điện tử. 

Dù vậy, họ cần có tầm nhìn dài hạn, cần phải xây dựng kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới lâu dài, nghiêm túc cùng với nỗ lực xây dựng thương hiệu. Trước đây, họ chỉ bán sản phẩm, tính lợi nhuận trên từng sản phẩm bán ra, chứ không xây dựng lộ trình hay kế hoạch kinh doanh dài hạn, gia tăng sức mạnh thương hiệu để tăng giá trị cho sản phẩm. Cộng đồng các online seller cũng còn thiếu khả năng sáng tạo sản phẩm.

Nhóm thứ hai là các nhà sản xuất truyền thống hoặc chủ thương hiệu. Nhóm này có năng lực sản xuất, song chưa biết cách làm thương hiệu trên môi trường online. Họ thường có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu ở môi trường trong nước nhiều hơn, thông qua các cách thức truyền thống. 

Tuy nhiên, khi bước vào môi trường online, thâm nhập các thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu, cách làm thương hiệu phải khác. Thêm vào đó, dù biết cần có câu chuyện thương hiệu, song các doanh nghiệp thuộc nhóm này chưa biết cách tận dụng các công cụ, giải pháp từ Amazon để bảo vệ thương hiệu, xây dựng các chương trình khuyến mãi, lên kế hoạch tìm hiểu nhu cầu thị trường bài bản, dài hạn.

Bên cạnh câu chuyện xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn và xây dựng thương hiệu, mức giá hợp lý và hấp dẫn dành cho khách hàng luôn là điều Amazon mong muốn mang tới cho khách hàng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp và xuất khẩu, có nhiều hơn các nỗ lực để tạo yếu tố cạnh tranh.

Thông thường, cạnh tranh về giá thường xuất hiện ở các doanh nghiệp hoặc các nhà bán hàng, và các sản phẩm mới, khi thâm nhập vào thị trường. Họ thường đặt mức giá thấp để có khách mua và để lại đánh giá tốt về sản phẩm trên cửa hàng trước. 

Còn đối với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, mức giá không phải là một yếu tố cạnh tranh, mà thường là xây dựng thương hiệu. Vì khi yêu thích một thương hiệu nào đó, người dùng sẽ sẵn sàng bỏ một mức giá cao hơn để mua các sản phẩm, hoặc cũng sẽ mua dựa trên những đánh giá của người tiêu dùng khác. Nếu đánh giá tốt, họ sẽ có lòng tin và sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua cùng một sản phẩm đó.

Theo Tạp chí điện tử Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo 

(https://sohuutritue.net.vn/dua-thuong-hieu-viet-vuon-ra-thi-truong-quoc-te-thong-qua-thuong-mai-dien-tu-d229867.html)