Đức: Số doanh nghiệp xin tham gia chương trình hỗ trợ khó khăn ngày càng tăng
Số đơn xin tham gia chương trình này đến từ "tất cả các lĩnh vực," đặc biệt từ những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu và các nhà hàng.
Ngày 9/4, Cơ quan Lao động Liên bang Đức (BA) công bố số liệu cho thấy, tính tới ngày 6/4, đã có gần 650.000 doanh nghiệp nộp đơn xin tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Kurzarbeit, tăng 40% so với mức 470.000 được ghi nhận 2 tuần trước đó.
Theo BA, số đơn xin tham gia chương trình này đến từ "tất cả các lĩnh vực", đặc biệt từ những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu và các nhà hàng - những cơ sở bị buộc đóng cửa do dịch bệnh.
Kurzarbeit là chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đức, được thiết kế nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn mà không phải sa thải nhân viên hàng loạt, gây rắc rối cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Theo chương trình này, doanh nghiệp sẽ cho nhân viên tạm nghỉ việc ở nhà hoặc cắt giảm đáng kể số giờ làm việc của họ. Trong thời gian này, người lao động được hưởng tối đa 2/3 mức lương chính thức. Doanh nghiệp có trách nhiệm ứng trước tiền để trả cho nhân viên, sau đó sẽ được chính phủ hoàn lại.
Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, chương trình này đã giúp giới doanh nghiệp Đức giữ được đội ngũ nhân sự và tái khởi động hoạt động rất nhanh khi tình hình kinh tế bắt đầu có dấu hiệu khôi phục.
Tính tới ngày 6/4, đã có gần 650.000 doanh nghiệp nộp đơn xin tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Kurzarbeit, tăng 40% so với mức 470.000 được ghi nhận 2 tuần trước đó.
Người đứng đầu BA Detlef Scheele cho biết hiện chưa thể biết được chính xác có bao nhiêu nhân viên sẽ nằm trong cơ chế làm việc này, song ước tính sẽ vượt mức đỉnh 1,4 triệu người được ghi nhận trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.
Chính phủ Đức cũng dự báo con số này có thể lên tới 2,1 triệu người trong mùa dịch bệnh COVID-19. Theo dự báo của các viện nghiên cứu, nền kinh tế Đức có thể suy giảm gần 10% trong quý 2/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Kim ngạch xuất khẩu Đức tăng trong tháng 2 vừa qua, song sự sụt giảm trong hoạt động giao thương với Trung Quốc phần nào cho thấy những tác động ban đầu của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 9/4, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2 tăng 1,3% so với tháng trước đó, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 1,6%.
Thặng dư thương mại của Đức trong cùng tháng tăng từ 18,5 tỷ euro lên 21,6 tỷ euro. Hoạt động nhập khẩu đi xuống do kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc giảm 12%, trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp và nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa Đức xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm gần 9% cùng giai đoạn. Destatis cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Phương Anh (TH)