Edward Snowden muốn rời Nga để về Mỹ dù phải ngồi tù
Edward Snowden có thể được nới gia hạn ở Nga thêm 3 năm, nhưng cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí WIRED rằng anh vẫn hi vọng có thể trở về quê hương Mỹ, dù cho điều đó đồng nghĩa với việc phải sống sau khung sắt.
- Edward Snowden: NSA do thám các công ty
- Từ vụ "Edward Snowden": Lavabit ngưng cung cấp dịch vụ
- Apple bác bỏ cáo buộc liên kết với NSA
- Apple bác bỏ tin đồn NSA có thể cài phần mềm gián điệp lên thiết bị iOS
- Obama giới hạn các chuỗi cuộc gọi mà NSA có thể theo dõi
- NSA có thể cài phần mềm gián điệp lên iPhone
- NSA theo dõi các cuộc gọi của 35 nhà lãnh đạo thế giới
“Tôi đã nói với chính phủ rằng tôi tự nguyện vào tù, miễn là điều đó phải đúng mục đích”, Snowden phát biểu trên một bài báo hôm thứ Tư vừa rồi trên WIRED. “Tôi quan tâm đến đất nước nhiều hơn là những gì xảy ra với tôi. Nhưng chúng ta không thể để để luật pháp trở thành một vũ khí chính trị hay thoả thuận nhằm đe doạ mọi người không được đứng lên vì quyền lợi của họ, dù cho thoả thuận đó có tốt thế nào đi chăng nữa. Tôi sẽ không như vậy.”
WIRED gọi Snowden là “người đàn ông bị truy lùng nhất thế giới”, Snowden bị truy nã vì đã làm rò rỉ những tài liệu tuyệt mật, công bố rộng rãi các chương trình giám sát liên bang. Anh hiện đang ẩn náu tại một nơi bí mật ở Nga, nơi mọi người không nhận ra anh.
Có nhiều ảnh của Snowden được đăng trên tạp chí WIRED, cả những tấm chưa từng được nhìn thấy trước đây anh chụp với Michael Hayden – cấp trên cũ của Snowden, cựu giám đốc của NSA và CIA. Có những bức ảnh trông như được chụp trong khách sạn, và cả khi anh ngồi mệt mỏi trên chiếc sofa. Trong một bức ảnh khác, Snowden mặc một chiếc áo thun với dòng chữ “SECURITY” (tạm dịch: An ninh) sau lưng. Một tấm hình khác có thể sẽ nhận nhiều chỉ trích chính là ảnh Snowden trên trang bìa, người mà cả nước Mỹ cho là kẻ phản bội, lại khoác lá cờ nước Mỹ.
“Anh ấy suy nghĩ cẩn thận về giây phút đó”, trưởng ban biên tập WIRED ông Scott Dadich, người viết về buổi chụp hình của tạp chí cho biết.
“Anh ấy nói, ‘Tôi yêu đất nước mình. Tôi có cảm giác như mình là một kẻ phản bội. Và đây là điều rất quan trọng với tôi.’ Và đó là giây phút chúng tôi biết rằng mình đã có trang bìa”.
Trong bài viết trên WIRED, Snowden tranh cãi việc chính phủ công bố rằng anh đã đánh cấp 1,7 triệu tài liệu, và nghĩ rằng con số này có thể còn cao hơn. Anh còn cho biết, anh đã để lại dấu vết mà các điều tra viên có thể biết được những tài liệu nào anh đã sao chép và những tài liệu nào anh mới chỉ “động vào”.
Anh nói với tạp chí rằng mục đích của anh là hành động như một người tố cáo, không phải như một kẻ gián điệp cho chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, các kiểm soát viên chính phủ đã thất bại trong việc lần theo những dấu vết để lại.
“Tôi nghĩ họ sẽ có một khoảng thời gian khó khăn. Tôi đã không thể nghĩ rằng họ hoàn toàn không có khả năng”, Snowden chia sẻ.
Trong một đoạn ghi âm được công bố bởi WIRED, Snowden mô tả công nghệ như “sự cân bằng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại” và nói rằng, hành động của anh được thúc đẩy bởi mong muốn giáo dục người Mỹ về đất nước và những lãnh đạo của họ.
“Tôi đã đưa thông tin này trở lại với công chúng, trao vào tay công chúng, và lý do tôi làm điều này không phải để kiếm bất cứ danh hiệu nào mà là để trao lại cho bạn lựa chọn về đất nước mà bạn muốn sống”, anh nói.
Snowden còn cho WIRED biết về chương trình tuyệt mật của NSA có tên gọi là “Monstermind”, chương trình này có thể tự động đáp trả những cuộc tấn công mạng từ nước ngoài mà không cần sự can thiệp của con người.
Tác giả bài báo là Jim Bamford từ tạp chí WIRED, người trải qua 3 ngày phỏng vấn Snowden để viết bài, đã giải thích tại sao một chương trình như vậy lại thất bại. “Vậy giả dụ như Bắc Triều Tiên có thể có một cuộc tấn công không gian mạng nhắm vào Mỹ, nhưng lại giả mạo như cuộc tấn công đó từ Iran hay Nga. Và nếu bạn ngay lập tức tự động đáp trả, có thể bạn đã vô tình bắt đầu một cuộc chiến”.
NSA tuyên bố, những viên chức của họ sẵn sàng nói chuyện với Snowden – nhưng là trên đất Mỹ. “Nếu Snowden muốn bàn luận về những hành động của mình, cuộc đối thoại đó phải được diễn ra với sự góp mặt của Bộ tư pháp Mỹ. Anh ta cần trở về Mỹ để đối mặt với những cáo buộc chống lại mình”, cơ quan này cho biết.
Bamford chia sẻ với TODAY rằng, ông rất ngạc nhiên về những tài liệu mà Snowden đã truy cập vào. “Tôi đã phỏng vấn nhiều người tố cáo NSA hơn bất kì ai. Tôi ngạc nhiên với những truy cập mà Ed Snowden đã thực hiện. Ý là, anh ta đã truy cập vào những tài liệu thuộc hàng tuyệt mật. Vượt xa tầm của bất kỳ ai tại NSA”.
Thanh Hoà (Theo Today)