FISU Việt Nam và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thảo luận về việc tổ chức AI4Industry 2025
AI4Industry 2025 sẽ là sự kiện liên ngành rất rộng và ý nghĩa quan trọng bối cảnh nhà nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chiều ngày 18/2/2025, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI; số 298 đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra cuộc họp thảo luận về việc hợp tác tổ chức sự kiện AI4Industry 2025.
Tham dự buổi họp, về phía Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam) gồm có các đại biểu: GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam; PGS.TS. Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam; GS.TS. Lê Sỹ Vinh, Phó Chủ tịch FISU Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Long Giang, Phó Chủ tịch FISU Việt Nam; GS.TS. Trần Xuân Tú, ỦY viên FISU Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh, Trưởng ban Kiểm tra FISU Việt Nam; ThS. Phạm Thị Mai Bảo, Văn phòng FISU Việt Nam.
Khung cảnh chung của buổi thảo luận về việc tổ chức AI4Industry 2025.
Đại diện phía Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) gồm có: T.S. Kiều Sơn Thực, Hiệu trưởng nhà trường; TS. Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ của nhà trường. Buổi họp cũng có sự hiện diện của PGS.TS. Hoàng Mạnh Kha, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử; PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô; TS. Đặng Trọng Hợp, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) bày tỏ sự vui mừng khi được chào đón các đại biểu đoàn FISU Việt Nam đến thăm và làm việc với nhà trường. “Hai bên đã có nhiều mối quan hệ, liên hệ và hợp tác. Sự kiện này là dịp để hai bên tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hợp tác bền vững. Đồng thời, đây cũng là dịp để các bên bàn bạc, thảo luận và chuẩn bị cho các nội dung hợp tác trong thời gian tới”, Hiệu trưởng HaUI nhấn mạnh.
TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại buổi họp.
Theo TS. Kiều Xuân Thực, về cơ sở đào tạo, ngoài trụ sở chính, nhà trường còn có 2 cơ sở, tổng diện tích khoảng 50ha. Tổng số viên chức, người lao động khoảng 1.400 người; 35.000 học viên. Hoạt động đào tạo Tiến sĩ gồm 11 ngành, Thạc sĩ gồm 14 ngành, Đại học gồm 51 ngành khác nhau.
Hiện nay, nhà trường đang tập trung vào đổi mới mô hình quản trị. HaUI đã thành lập 5 trường con và hiện cũng đang trình cơ quan chủ quan để chuyển Trường Đại học thành Đại học để thay đổi triệt để mô hình quản trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
“HaUI cảm ơn thầy GS TS Nguyễn Thanh Thủy và các thầy trong đoàn đã quan tâm, hỗ trợ nhà trường có nhiều cơ hội hợp tác trong giáo dục, công nghệ, hợp tác quốc tế. Đặc biệt là việc xây dựng được những mạng lưới hợp tác để thúc đẩy dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ”, TS. Kiều Xuân Thực nhấn mạnh.
Thời điểm này, câu chuyện thúc đẩy, hợp tác nghiên cứu những nhiệm vụ liên ngành là điểm yếu của Việt Nam. AI4Industry 2025 sẽ là sự kiện liên ngành rộng và có ý nghĩa quan trọng bối cảnh nhà nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đang rất tiềm năng trong ứng dụng công nghiệp, sản xuất, tự động hóa.
Hiệu trưởng HaUI đánh giá cao ý tưởng tổ chức kiện AI4Industry 2025, phía nhà trường hoàn toàn ủng hộ và đồng hành triển khai. Sự kiện sẽ tạo ra cơ hội, môi trường cho các nhà khoa học, các lĩnh vực tham gia trao đổi, thảo luận, đề xuất những phương hướng hợp tác, ứng dụng hiệu quả AI trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần.
Hiệu trưởng HaUI cho biết, hiện nay nhà trường cũng ứng dụng công nghệ rất mạnh như tự động hóa, cơ khí, máy móc gia công. Năm 2028, nhà trường và đối tác đã đầu tư 20 USD cho phòng thí nghiệm về nhà máy thông minh 4.0. Phòng thí nghiệm này có tính liên ngành cao, giải quyết được nhiều bài toán thực tiễn. Bên cạnh đó, Trường Cơ khí – Ô tô (trực thuộc HaUI) cũng có một đề tài do doanh nghiệp tài trợ nhiều tỷ đồng để thiết kế, chế tạo khuôn mẫu. HaUI rất thuận lợi về các điều kiện về triển khai lý thuyết, ứng dụng.
“Thời gian tới, nhà trường rất mong muốn cùng với FISU Việt Nam… tổ chức một hội nghị, phát huy cao ngọn cờ liên ngành”, TS. Kiều Xuân Thực bày tỏ.
Về việc tổ chức AI4Industry 2025, Hiệu trưởng HaUI mong muốn các đại biểu cùng bàn bạc và đưa ra những ý kiến thảo luận, đóng góp về công tác tổ chức, xây dựng chương trình chi tiết.
Tại buổi họp, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy cho biết, FISU Việt Nam cũng bàn bạc về việc tổ chức AI4Industry 2025 và nhận thấy HaUI đăng cai lần đầu tiên là phù hợp. Đây là việc quan trọng và cấp thiết; bởi lẽ, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có từ khóa rất quan trọng là “Công nghệ chiến lược”. Do đó, đây là vấn đề đang được nhà nước rất quan tâm.
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, việc tổ chức AI4Industry 2025 HaUI lần đầu tiên là phù hợp.
Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, sản xuất thông minh đến từ nhiều khía cạnh, AI chỉ là một khía cạnh. Do đó, AI phải đi cùng những giải pháp sản xuất tinh gọn, nền tự động hóa, giải pháp cơ khí, điện tử, viễn thông, tự động hóa.
Ngày 19/2/2025, tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ giữa các Hội, các Hiệp hội Công nghệ thông tin của Việt Nam và sẽ có ký kết ba bên giữa Hội Tin học Việt Nam, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam và Hội Tự động hóa Việt Nam. FISU Việt Nam sẽ báo cáo về Hội nghị AI4Industry tại HaUI.
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy cho biết, khi xây dựng Chiến lược quốc gia trí tuệ nhân tạo, ông đã có trao đổi với nhiều đơn vị trên thế giới, trong đó các đơn vị đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Ông quan sát các chiến lược quốc gia của Đài Loan có 4 cấu phần: Robot; bán dẫn và vi mạch; chính sách của chính phủ; các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Trong đó có một phòng thí nghiệm rất quan trọng là sản xuất công nghiệp.
Nhận thấy tầm quan trọng của AI đối với ngành công nghiệp, FISU Việt Nam đã quyết định tổ chức Hội nghị quốc gia AI4Industry 2025. “Chúng tôi cũng mong muốn rằng, việc tổ chức AI4Industry tại HaUI để gắn với thương hiệu nhà trường. Mặc dù đã có các trường khác đề xuất tổ chức sự kiện này, tuy nhiên các trường đó đều không có chữ công nghiệp. Do đó, việc tổ chức tại Đại học Công nghiệp Hà Nội là hợp lý nhất”, Chủ tịch FISU Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Khi tổ chức, cộng đồng các trường kỹ thuật và công nghệ lan tỏa sự kiện. Các đơn vị trực thuộc của FISU Việt Nam sẽ hỗ trợ chuyên môn về AI cộng thêm với công nghệ thông tin, tự động hóa, còn phần “Industry” thì do phía nhà trường kêu gọi các “Big Tech”, qua đó góp phần lan tỏa, nâng tầm sự kiện.
Sự kiện sẽ có sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Các Hội như: Tổng hội Cơ khí Việt Nam; FISU Việt Nam...
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy đề xuất Ban chỉ đạo AI4Industry 2025 gồm: GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy; T.S. Kiều Sơn Thực; TS. Nguyễn Văn Thiện; PGS.TS. Bùi Thu Lâm; GS.TS. Lê Sỹ Vinh; GS.TS. Trần Xuân Tú; PGS.TS. Nguyễn Long Giang.
Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, đây là sự kiện quốc gia và lần đầu tiên tổ chức có tính chất liên ngành, nên có 2 phần. Về phần hội nghị, buổi sáng để các lãnh đạo cao cấp, lãnh đạo công nghiệp, công nghệ và buổi chiều là các phân ban. Sự kiện cũng nên có phần triển lãm công nghệ: Công nghệ mới, công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho thị trường. Bên cạnh đó cũng nên có những phần thưởng, xếp hạng, đánh giá những giải pháp, sản phẩm mà giới công nghệ và công nghiệp Việt Nam đã có. Ngoài ra, có thể lan tỏa đến sinh viên về AI trong các lĩnh vực công nghệ.
Đóng góp ý kiến tại buổi họp, PGS.TS. Bùi Thu Lâm cho rằng, sự kiện AI4Industry 2025 nên gắn với chiến lược AI. Trong chiến lược AI có phần nhiệm vụ của Bộ Công Thương khá lớn, liên quan đến thúc đẩy, triển khai AI trong lĩnh vực công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của Bộ Công Thương còn quan tâm đế Dữ liệu như dữ liệu mở trong lĩnh vực công nghiệp.
PGS.TS. Bùi Thu Lâm cho rằng sự kiện AI4Industry 2025 nên gắn với chiến lược AI.
Sự kiện có hai luồng quan điểm cần thảo luận: Thứ nhất là tự động hóa, công nghệ thông tin, điện - điện tử và thứ hai là ứng dụng. Trong đó, ứng dụng là liên ngành, ứng dụng trong công nghiệp rất khó tách biệt giữa công nghệ thông tin hay tự động hóa.
Một vấn đề khác cần quan tâm là đào tạo AI trong lĩnh vực công nghiệp, có thể thêm chính sách quản lý. Ngoài ra, có thể trao đổi thêm về các bài tham luận, kỷ yếu….
Các đại biểu cũng đồng quan điểm mời các Big Tech, các nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường đại học đã từng nghiên cứu, ứng dụng AI, tự động hóa, kèm theo đó là “miệng nói, tay làm, có sản phẩm”. Bên cạnh đó, có thể để các đơn vị, doanh nghiệp có đề tài nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn trình bày và chia sẻ kinh nghiệm.
Phát biểu tại buổi họp, TS. Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng HaUI bày tỏ tinh thần ủng hộ quan điểm, ý tưởng đại diện FISU Việt Nam vừa trình bày.
Theo TS. Nguyễn Văn Thiện, trong lĩnh vực công nghiệp, khoa học và công nghệ, ngoài các lĩnh vực chủ yếu như cơ khí, ô tô, điện, điện tử.. còn có ngành công nghiệp may mặc, hóa chất cũng liên quan AI rất nhiều. Do đó, các vấn đề này cũng rất quan trọng và cần được quan tâm, mở rộng đối tượng triển khai trong sự kiện.
TS. Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng HaUI ủng hộ quan điểm, ý tưởng đại diện FISU Việt Nam.
Về chương trình chi tiết, có thể có phần đào tạo AI, quản lý, triển lãm sản phẩm AI trong công nghiệp. Theo đó, các trường có sản phẩm liên quan cũng có thể đem đến trưng bày tại khuôn viên nhà trường.
Đây là lần đầu tiên tổ chức sự kiện AI4Industry, Ban Chỉ đạo có thể mời trực tiếp các giáo sư, các doanh nghiệp về công nghiệp, công nghệ, các tâp đoàn như JG, Samsung, Viettel…
Chia sẻ tại buổi họp, PGS.TS. Hoàng Mạnh Kha, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử cũng đồng quan điểm với phần trình bày của các đại biểu.
PGS.TS. Hoàng Mạnh Kha, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử.
PGS.TS. Hoàng Mạnh Kha cho rằng, đối với các nghiên cứu, đề tài, bài báo mang tính học thuật, đội ngũ giảng viên của Trường Điện – Điện tử đang ứng dụng AI với học sâu rất nhiều trong đề xuất các giải pháp. Do vậy, đây là chủ đề giảng viên và sinh viên trong trường rất quan tâm.
Đóng góp ý kiến cho việc tổ chức sự kiện AI4Industry, PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô nêu quan điểm, Ban tổ chức nên “đặt hàng” bài viết, tham luận với các nhóm nghiên cứu, tập trung chính vào công nghiệp ứng dụng sẽ khẳng định được tính công nghiệp cao hơn. Việc triển lãm là hợp lý, có thể xem xét đến các nghiên cứu ứng dụng công nghệ của sinh viên.
PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cơ khí – Ô tô.
Về thời gian tổ chức, PGS.TS. Hoàng Tiến Dũng cho rằng, thời gian tổ chức vào tháng 9/2025 sẽ hợp lý hơn vì chương trình liên quan về công nghiệp cần có thời gian chuẩn bị phù hợp để nâng cao chất lượng và tạo tiếng vang.
TS. Đặng Trọng Hợp, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cũng đồng quan điểm với các đại biểu. Đây là cơ hội để tiếp xúc với các giới công nghiệp và biết được các vấn đề gặp phải của họ để triển khai. Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực tham gia sự kiện AI4Industry 2025.
TS. Đặng Trọng Hợp, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
“Các nhóm có các giải pháp, có thể có giải pháp có ý tưởng, thậm chí có kết quả nhưng chưa kết nối được với doanh nghiệp, chưa kết nối được với công nghệ thì mang ra để quảng báo. Chúng ta có thể mời các doanh nghiệp có các giải pháp AI cho công nghiệp nghiệp. Đối với các doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mình cũng có thể kết nối, chia sẻ kinh nghiệm”, TS. Đặng Trọng Hợp chia sẻ.
Tại buổi họp, các đại biểu thống nhất thời gian tổ chức sự kiện AI4Industry sẽ diễn ra vào tháng 9/2025, với hình thức là Hội nghị Quốc gia theo hướng mở. Ban lãnh đạo sẽ báo cáo, làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ về các vấn đề liên quan. Về đầu mối làm việc, đại diện FISU Việt Nam là PGS.TS. Bùi Thu Lâm và Đại học Công nghiệp Hà Nội là PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp thảo luận về việc tổ chức AI4Industry 2025.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng cho rằng, các vấn đề chi tiết trong công tác tổ chức sẽ được các đại biểu tiếp tục trao đổi, bàn bạc cụ thể trong các buổi họp tiếp theo. Với sự chuẩn bị chu đáo, Hội nghị Quốc gia AI4Industry năm 2025 được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn về ứng dụng AI trong lĩnh vực công nghiệp.