VAIP, FISU Việt Nam và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội họp thảo luận về công tác chuẩn bị AI4Edu 2025

08:28, 22/01/2025

Chiều ngày 21/01/2025, tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam, FISU Việt Nam đã đến thăm và có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường để thảo luận và chuẩn bị về việc tổ chức Hội thảo AI4Edu 2025.

Tham dự buổi làm việc, về phía Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam) gồm có các đại biểu: GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch VAIP, Chủ tịch FISU Việt Nam; PGS.TS. Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam; GS.TS. Lê Sỹ Vinh, Phó Chủ tịch FISU Việt Nam; PGS. Nguyễn Long Giang, Phó Chủ tịch FISU Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh, UVBCH FISU Việt Nam.

Dự và đón tiếp đoàn, về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội gồm có: PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng; TS. Bùi Quốc Hoàn, Phó Hiệu trưởng; TS. Hoàng Thị Mai, Trưởng khoa Toán - CNTT; TS. Nguyễn Tiến Thăng, Giám đốc TTKHCN; TS. Đinh Thị Kim Thương, Phó Trưởng phòng QLKHCN&HTPT; TS. Trương Đức Phương, Phó Trưởng khoa Toán - CNTT; ThS. Hà Đặng Cao Tùng, Khoa Toán - CNTT; ThS. Phùng Thị Thanh Nga, Phòng QLKHCN&HTPT (Thư ký).

Khung cảnh làm việc giữa Đại học Thủ đô và VAIP, FISU Việt Nam.


Đại diện lãnh đạo và các thầy cô Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tiếp đoàn đại biểu VAIP, FISU Việt Nam.

Phát biểu đón tiếp đoàn đại biểu VAIP, FISU Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, nhà trường rất vinh dự chào đón đoàn đã đến thăm và có buổi làm việc. Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian vừa qua, cuối năm 2023, nhà trường được Thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án phát triển trường 2030, tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có sẵn nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra trong đề án. 

"Trong thời gian tới, rất mong được các thầy đồng hành, giúp cho Đại học Thủ đô Hà Nội thực hiện được những mục tiêu, chỉ tiêu mà Thành phố giao trong lộ trình phát triển trường", PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ. 

Lãnh đạo nhà trường cho biết, trong Đề án phát triển trường có rất nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó có vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong công tác quản trị. Đến 2028, nhà trường cần thành lập trung tâm liên quan AI và khoa học dữ liệu. Đó là những vấn đề nhà trường cũng rất kỳ vọng. Tuy nhiên, hiện tại nguồn lực để phát triển về AI của nhà trường còn hạn chế. 

Nhà trường đang được Thành phố giao các nhiệm vụ rất quan trọng để trong thời gian tới có cơ sở thực hiện các nhiệm vụ. Thứ nhất là đề án thu hút và phát triển nguồn nhân lực nhà trường (có đề án riêng), có hỗ trợ cho các thầy cô có trình độ ra trường, có nhiều mục tiêu để phát triển như cử đi đào tạo ở nước ngoài, chế độ phúc lợi, chính sách thu hút nguồn nhân lực cao... Đặc biệt, nhà trường cũng được thành phố giao nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chương trình bồi dưỡng ngay từ học sinh sinh viên để đào tạo những cán bộ nguồn sau này. Trong đó nguồn nhân lực cho sự phát triển mà thành phố ưu tiên như trí tuệ nhân tạo...

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch VAIP, Chủ tịch FISU Việt Nam cho biết, sau khi gặp lãnh đạo nhà trường, VAIP, FISU Việt Nam cũng đã họp Ban Thường vụ và đặt vấn đề về việc tổ chức AI4Edu 2025 và nhận thấy địa điểm Đại học Thủ đô Hà Nội là rất phù hợp. Đồng thời phía VAIP, Chủ tịch FISU Việt Nam và Đại học Thủ đô Hà Nội cũng thống nhất buổi làm việc để bàn bạc các vấn đề cụ thể.

Liên quan những vấn đề phía lãnh đạo nhà trường quan tâm, phía FISU Việt Nam, VAIP hội tụ đủ các yếu tố về nguồn lực, nhân lực, chuyên môn, quy mô... để hỗ trợ, đồng hành. 

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch VAIP, Chủ tịch FISU Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

"FISU Việt Nam là đơn vị tổ chức AI4Life 2018, đây là hội nghị đầu tiên của Việt Nam tập hợp tất cả anh em làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong cả nước về nghiên cứu. Bắt đầu từ 2018, FISU Việt Nam cũng tổ chức Hội thảo quốc gia AI4VN cho tất cả. Tháng 12/1024, chúng tôi tổ chức AI4Edu cho giáo dục. Gần đây nhất, chúng tôi tổ chức cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ là AI4UN. Bên cạnh đó, FISU Việt Nam còn có các đại diện giúp xây dựng Chiến lược quốc gia Trí tuệ nhân tạo...", Chủ tịch VAIP, FISU Việt Nam chia sẻ.

Chủ tịch VAIP, FISU Việt Nam nhấn mạnh, việc Đại học Thủ đô Hà Nội và VAIP, FISU Việt Nam kết hợp với nhau sẽ giải quyết được khâu rất tổng thể. Đó là sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong khu vực và Đại học Thủ đô Hà Nội là đơn vị rất quan trọng. 

Trước khi triển khai Hội thảo AI4Edu 2024, VAIP, FISU Việt Nam làm việc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy... Về việc tổ chức AI4Edu 2024 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều Bộ. Lãnh đạo Bộ cũng nhấn mạnh, sau AI4Edu 2024 thì các chương trình AI4Edu những năm tiếp theo cần tập trung khía cạnh chi tiết. Do đó, AI4Edu 2025 dự kiến tổ chức tại Đại học Thủ đô thì sẽ nhấn mạnh vào nội dung giáo dục phổ thông. Trong đó có rất nhiều khía cạnh như dạy, học, đánh giá, quản lý, quản trị, trong đó AI là công cụ. Đặc biệt là nâng cao sự tương tác giữa các học sinh và có sự xúc tác của công nghệ, tăng thêm khả năng tùy biến, cá nhân hóa...

Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, Đại học Thủ đô Hà Nội nên thiết lập nhóm nghiên cứu có tính chất đặc thù về trí tuệ nhân tạo và phù hợp với yêu cầu phát triển của nhà trường. Qua đó, nhà trường có nền tảng về dữ liệu, các mô hình AI, mô hình tính toán...

VAIP, FISU Việt Nam có đủ nguồn lực, lực lượng để giúp được Đại học Thủ đô từ việc viết chiến lược, xây dựng chiến lược và triển khai trí tuệ nhân tạo tại từng đơn vị cụ thể. Hiện nay, các chuyên gia tại FISU Việt Nam đã thực hiện nhiều đề tài, cố vấn và triển khai những nền tảng, mô hình, giải pháp liên quan có thể chia sẻ những tài nguyên, kinh nghiệm đó với nhà trường. Đặc biệt, phía FISU sẽ đi cùng với nhà trường không chỉ việc triển khai Hội thảo AI4Edu 2025 mà cả những vấn đề liên quan đến AI, khoa học dữ liệu và nhiều vấn đề khác.

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, PGS. Nguyễn Long Giang, Phó Chủ tịch FISU Việt Nam cho biết, ông sẽ sẵn sàng chia sẻ với Đại học Thủ đô Hà Nội về kinh nghiệm về xây dựng Trung tâm AI, bao gồm hạ tầng tính toán, cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động. Bên cạnh đó, ông cũng sẵn sàng chia sẻ về tài nguyên liên quan đến AI, khoa học dữ liệu cho nhà trường. Qua đó, nhà trường có thể tận dụng dữ liệu và hệ thống trong nghiên cứu và triển khai để đạt hiệu quả cao. 

PGS. Nguyễn Long Giang, Phó Chủ tịch FISU Việt Nam cho biết sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên liên cho Đại học Thủ đô Hà Nội.

TS. Hoàng Thị Mai, Trưởng khoa Toán - CNTT cho biết, năm 2016 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được cấp phép đào tạo ngành Công nghệ thông tin trình độ đại học. Năm 2017 thì đào tạo Công nghệ thông tin, năm 2023 đào tạo thêm ngành Sư phạm Tin học, năm 2024 được cấp phép lại về đào tạo Sư phạm Tin học trình độ đại học. Đến thơi điểm này, lĩnh vực Toán - CNTT có 3 thầy đào tạo. Quy mô tuyển sinh hằng năm khoảng 150 mỗi năm. 

TS. Hoàng Thị Mai cho rằng, hiện nay nhà trường đã đặt ra những nhiệm vụ mới, trong khi đó quy mô về giảng viên đào tạo còn mỏng và phải đảm đương nhiều số giờ. Do đó, trong thời gian tới nhà trường sẽ nghiên cứu thêm cơ chế để bổ sung đội ngũ, bên cạnh đó sẽ cử đại diện đi đào tạo thêm. 

TS. Hoàng Thị Mai, Trưởng khoa Toán - CNTT phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng thời, phía nhà trường cũng sẽ xin phép tham tham gia sinh hoạt tại các nhóm FISU Việt Nam. Qua đó, nhà trường kỳ vọng sẽ hoàn thành tốt những nhiệm vụ của nhà trường trong bối cảnh mới.  

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Bùi Thu Lâm cho biết, về vấn đề chuyên môn, ông đang nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và giảng dạy, đặc biệt là các học phần trí tuệ nhân tạo và học máy trong an toàn thông tin. Về phía Câu lạc bộ, FISU Việt Nam có rất nhiều tư vấn cho các Bộ, Ban ngành, đặc biệt là liên quan đến Công nghệ thông tin về chuyển đổi số. 

PGS.TS. Bùi Thu Lâm cho biết, cá nhân ông và các thầy trong FISU Việt Nam rất ủng hộ Đại học Thủ đô đi sâu vào hướng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Dù quy mô nhà trường tại Hà Nội nhưng tinh thần vẫn lan tỏa cả nước vì mọi "tinh túy" đều năm ở Thủ đô. Do đó, việc triển khai chương trình AI4Edu 2025 phải xứng tầm. 

Hội thảo AI4Edu mong muốn làm rõ nội hàm của AI trong giáo dục đào tạo. Bởi lẽ, ngay cả việc giáo dục đào tạo đã có sự phân hóa. Do đó, định hướng vào chủ đề giáo dục phổ thông sẽ rất hợp lý. Về việc tổ chức thì có thể áp dụng quy trình tổ chức từ Hội thảo năm 2024. 

PGS.TS. Bùi Thu Lâm phát biểu tại buổi làm việc.

GS.TS. Lê Sỹ Vinh, Phó Chủ tịch FISU Việt Nam cho rằng, AI phát triển quá nhanh và ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực giáo dục đào tạo. Trong khi đó, việc đầu tư vào lĩnh vực đào tạo AI trong giáo dục cũng rất mạo hiểm vì mô hình thay đổi liên tục. Ngoài ra, việc đào tạo gặp khó khăn vì giáo viên chuyên sâu về AI cũng hạn chế.

Để thích ứng với sự thay đổi của thời đại, những người làm trong lĩnh vực đào tạo cần phải thích ứng. Các đơn vị cần quan về tâm đào tạo về AI, các thầy cô cũng cần phải nâng cao năng lực và ứng dụng phương pháp đào tạo hiệu quả về AI. 

GS.TS. Lê Sỹ Vinh, Phó Chủ tịch FISU Việt Nam cho rằng, cần chú trọng công tác chuẩn bị cho AI4Edu 2025.

Về công tác chuẩn bị cho AI4Edu, GS.TS. Lê Sỹ Vinh nhấn mạnh, chúng ta cần chủ động chuẩn bị sớm, chuẩn bị 5 - 7 chủ đề thảo luận hấp dẫn, đội ngũ chuyên gia chất lượng. 

PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh, UVBCH FISU Việt Nam, AI4Edu 2025 sẽ thành công nếu chúng ta đưa ra được phương pháp luận về AI trong giáo dục phổ thông và có ứng dụng trong bài toán cấp bách đặt ra. Công tác chuẩn bị nên tập trung vào những vấn đề đó để có chất liệu triển khai sự kiện. Do đó, với bài toán đó cần đặt ra câu hỏi là cần làm như thế nào?

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh, một số trường đại học thuộc FISU Việt Nam có những công cụ, hệ thống đang làm cho đại học có thể nghiên cứu ứng dụng vào giáo dục phổ thông. Ví dụ tại Đại học CMC đã triển khai trợ lý đào tạo, trong năm nay sẽ triển khai ứng dụng Trợ giảng AI đối với từng môn học. Do đó, phổ thông cũng có thể nghiên cứu ứng dụng theo khía cạnh nào đó. 

Khi xác định được những bài toán trong ứng dụng AI trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, phía VAIP, FISU Việt Nam, Đại học Thủ đô Hà Nội cùng bàn bạc phương án, giải quyết thì chương trình Hội thảo AI4Edu 2025 được kỳ vọng sẽ rất thành công. 

PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh, UVBCH FISU Việt Nam chia sẻ tại buổi làm việc với Đại học Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, ThS. Hà Đặng Cao Tùng, Khoa Toán - CNTT bày tỏ sự vui mừng khi nhà trường được tham gia vào "dòng chảy" về khoa học. Đó là cơ hội để các thầy cô được học tập và hòa vào dòng chảy của thời đại AI. 

ThS. Hà Đặng Cao Tùng, Khoa Toán - CNTT phát biểu tại buổi làm việc.

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu dự kiến, thời gian tổ chức Hội thảo AI4Edu 2025 vào tháng 9-10/2025. Hôi thảo có thể offline và online, địa điểm offline sẽ tổ chức tại Đại học Thủ đô Hà Nội và tổ chức online qua các điểm cầu của Câu lạc bộ FISU Việt Nam tại các tỉnh, thành. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn bạc về vấn đề khách mời. Liên quan đến vấn đề mời chuyên gia nước ngoài đóng góp bài tham luận. Phía FISU cho rằng, Hội thảo có thể mời chuyên gia từ phía UNESCO tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc.

Về vấn đề triển khai kỷ yếu của hội thảo, các đại biểu cũng đồng quan điểm nếu thực hiện được sẽ có sự lan tỏa rất tích cực.

Các đại biểu cũng thống nhất rằng, trong công tác chuẩn bị triển khai AI4Edu 2025, những vấn đề trên cần được bàn bạc chi tiết, cụ thể hơn.