Giải pháp truy xuất nguồn gốc và ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng số
Sáng 30/05, tại Tòa nhà VCCI Thanh Hóa (số 91 Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình phối hợp với Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI và Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam tổ chức hội thảo "Giải pháp truy xuất nguồn gốc và ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên các nền tảng số".
Hiện nay, kinh doanh bán hàng trên nền tảng số đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Doanh nghiệp, HTX và nhất là các HTX nông nghiệp ngày nay không thể bỏ qua tiềm năng và lợi ích mà việc sử dụng các công cụ và giải pháp số mang lại.
Hội thảo "Giải pháp Truy xuất nguồn gốc và ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng số"
Theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VCCI Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 27.000 doanh nghiệp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Cuộc hội thảo được tổ chức nhằm hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng nền tảng số trong quản lý lưu thông, tiêu thụ hàng hóa trong nước, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường nước ngoài; Phổ biến, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, HTX về vai trò của truy xuất nguồn gốc; Nâng cao giá trị và định vị thương hiệu sản phẩm...
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VCCI Thanh Hóa
Ông Trương Ngọc Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Ở khu vực kinh tế tập thể, tỉnh Thanh Hóa luôn có số lượng HTX lớn tốp đầu cả nước. Tính đến 10/5/2024, toàn tỉnh có 105 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao của 85 HTX và 10 tổ hợp tác sản xuất.
Cũng theo ông Ninh, tổng số HTX toàn tỉnh Thanh Hóa đến nay là 1.329 HTX, tăng 34 HTX so với năm 2022, gồm: 835 HTX Nông nghiệp, 180 HTX công nghiệp - T.TCN, 127 HTX Thương mại - dịch vụ, 20 HTX xây dựng, 27 HTX giao thông vận tải, 67 quỹ TDND, 32 HTX môi trường và 41 HTX khác. Số HTX thành lập mới năm 2023 là: 65 HTX, trong đó gồm có 47 HTX Nông nghiệp, 11 HTX thương mại, 6 HTX TTCN, 01 HTX thương mại và bằng 260% so với kế hoạch tỉnh giao (25 HTX/năm).
Về doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 7.525 triệu đồng/HTX/năm. Lợi nhuận bình quân ước đạt 276 triệu đồng/HTX/năm (riêng HTX nông nghiệp khoảng 197 triệu đồng/HTX/năm). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên ước đạt khoảng 51 triệu đồng/người/năm (riêng lao động trong các HTX nông nghiệp ước đạt 38 triệu đồng/người/năm; trung bình 3,2 triệu đồng/người/tháng)…
Với số lượng đông đảo doanh nghiệp và HTX như trên ở Thanh Hóa, chương trình hội thảo đã tập trung vào một số nội dung quan trọng nổi bật như: Truy xuất nguồn gốc - Xu thế tất yếu thời đại công nghệ số trong hội nhập thương mại quốc tế. Giới thiệu giải pháp truy xuất nguồn gốc TrueData: Truy xuất nguồn gốc - Tăng sức mạnh cho sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Thanh Hóa. Tổng quan về TikTok và TikTok Shop. Quy định của nền tảng về livestream Tiktok shop. Các bước để livestream cho người mới bắt đầu, cách để setup 1 phiên livestream, các tip để livestream hiệu quả.
Hiện nay, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là yêu cầu bức thiết đối với nền kinh tế. Nắm bắt được điều đó, Công ty cổ phần công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) mang đến giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bằng tem chip TrueData, đáp ứng đủ 10 yêu cầu của Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN (ban hành ngày 28/03/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ) quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa gồm: Quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu; Quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa.
Ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) trao quyết định thành lập và giao nhiệm vụ Văn phòng Đại diện ACTIV tại tỉnh Thanh Hóa
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) đã chính thức khai trương Văn phòng Đại diện ACTIV tại tỉnh Thanh Hóa (số 7 Lai Thành, P.Đông Hải, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Đồng thời bổ nhiệm ông Lê Ngọc Đỉnh làm Trưởng VPĐD. Với vị trí địa lý thuận lợi, ACTIV kỳ vọng Văn phòng Đại diện tại Thanh Hóa sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tại địa phương tìm hiểu và ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc TrueData nhằm bảo vệ thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị