Giúp trẻ sử dụng AI như 'trợ thủ' đắc lực

07:29, 08/07/2025

Một số nghiên cứu cho thấy, các công cụ học tập ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp trẻ tăng cường khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, hỗ trợ quá trình tự học và nghiên cứu. Tuy nhiên, để giúp trẻ sử dụng AI đúng cách, không thể thiếu sự đồng hành từ cha mẹ.

Trẻ em ngày nay có thể coi là thế hệ AI. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, AI được dự báo có thể trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi người trong tương lai.

Đặt ra nguyên tắc cho con

Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), AI là những hệ thống dựa trên máy móc, căn cứ vào các mục đích do con người xác định, có thể đưa ra những dự đoán, khuyến nghị hoặc quyết định có thể ảnh hưởng đến môi trường ảo hoặc thực tế.

Nói cách khác, con người tạo ra AI để “giúp việc” cho mình. Trong bối cảnh AI phát triển “chóng mặt”, nhiều học sinh cũng có cơ hội tiếp cận với công cụ mới này.

Phụ huynh và trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để tham gia môi trường mạng. Ảnh minh họa: ITN.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Hà Nội) - phụ huynh có hai con, chia sẻ: “Gần đây, con trai lớn đang học lớp 8 của tôi thường xuyên sử dụng AI. Cháu tải ứng dụng ChatGPT về điện thoại để tiện cho việc tra cứu. Cứ mỗi khi có thắc mắc về vấn đề gì đó, cháu lại sử dụng ứng dụng này. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của ứng dụng, tôi cũng khá lo ngại về việc con mình có thể phụ thuộc quá nhiều vào AI. Điều đó sẽ khiến cháu trở nên trì trệ, không muốn tư duy, động não trước vấn đề nữa”.

Chính vì những lo lắng đó, chị Thanh quyết định đặt ra quy tắc cho con mình khi sử dụng AI. Cụ thể, khi học bài ở nhà, trẻ phải tạm “nộp” điện thoại cho mẹ giữ. Với những vấn đề khác trong cuộc sống, con có thể tra cứu bằng sách, báo, tivi hoặc nguồn tin từ cha mẹ, bạn bè… Sau đó, trẻ có thể tham khảo thêm kết quả từ AI.

Chị Thanh chia sẻ, mục đích khi đưa ra nguyên tắc này là muốn con vẫn có sự đầu tư, dành thời gian để tìm tòi, khám phá, thay vì chỉ mất 10 giây để có kết quả nhờ AI. Sau đó, trẻ cần kiểm chứng lại kết quả mà AI đưa ra. Phụ huynh này cho rằng, AI chỉ nên đóng vai trò là “trợ thủ” đắc lực trong hành trình học tập, không phải là người quyết định thay trẻ. Do đó, cha mẹ và thầy cô cần thường xuyên định hướng, nhắc nhở và khơi gợi động lực học cho trẻ.

Trong khi đó, anh Huỳnh Quốc Đạt (Hà Nội) cho rằng, với đà phát triển hiện nay của công nghệ nói chung và AI nói riêng, trẻ em có thể gặp rủi ro khi tiếp cận những thông tin không phù hợp. Bởi, AI thường tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đôi khi thiếu tính chính xác, không sàng lọc kỹ theo độ tuổi người dùng.

“Vì lẽ đó, trẻ em có thể tiếp cận với những thông tin không đúng với lứa tuổi hoặc chứa nội dung bạo lực. Để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu này, tôi thường xuyên giám sát quá trình con mình sử dụng AI để đảm bảo cháu biết cách tận dụng công cụ an toàn, hiệu quả”, phụ huynh này cho biết.

Không ít ý kiến cho rằng, việc tiếp xúc với chatbot từ khi còn nhỏ sẽ khiến trẻ em lầm tưởng AI là người bạn đồng hành không thể thiếu và nghe theo tất cả lời khuyên của công cụ này. Lâu dần, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính cách, tâm sinh lý của trẻ, khiến bé có những suy nghĩ, hành động thiên kiến, trầm cảm, phụ thuộc vào AI.

Để phòng tránh rủi ro này, phụ huynh cần cho con tham gia nhiều hoạt động xã hội khác như hội nhóm vẽ tranh, cắm trại, học nấu ăn, đến công viên giải trí… Từ đó, để trẻ có cơ hội tiếp xúc nhiều với thế giới thực. Đồng thời, trẻ cũng sẽ nhận biết được rằng, AI chỉ là công cụ bổ trợ cho cuộc sống và không thể dựa dẫm hoàn toàn vào nó.

giup-tre-su-dung-ai-dung-cach-1.jpg

Trẻ cần nhận biết rằng, AI chỉ là công cụ bổ trợ cho cuộc sống và không thể dựa dẫm hoàn toàn vào nó. Ảnh minh họa: ITN.

Giảm rủi ro khi sử dụng AI

Thực tế, AI đã ra đời từ những năm 1960. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 năm trở lại đây, các cơ sở dữ liệu AI mới bùng nổ nhanh chóng và được đưa ra cho đông đảo công chúng sử dụng.

Trong talkshow “AI and UR (AI và bạn/chúng ta): Sẵn sàng đón tương lai - AI dẫn lối bạn?”, PGS.TS Đỗ Văn Hùng, Khoa Thông tin - Thư viện, (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ, hiện nay trên thế giới có hàng trăm ứng dụng, công cụ AI được phát triển bởi các tập đoàn công nghệ. Trong đó, có thể kể đến một số ứng dụng phổ biến nhất: ChatGPT, Gemini, Midjourney, Canva AI, Copilot… Đặc biệt, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể cài đặt phiên bản miễn phí để phục vụ nhu cầu học tập và giải trí.

Ứng dụng ChatGPT (chatbot) được mệnh danh là AI thông minh nhất thế giới. Công cụ này có khả năng trả lời câu hỏi, viết văn bản, dịch ngôn ngữ, thậm chí tham gia vào các cuộc trò chuyện phức tạp. Với sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, các câu hỏi, thắc mắc của người sử dụng đã được ChatGPT trả lời chỉ sau vài giây.

Trong khi đó, Gemini là một trong các công cụ AI miễn phí mới được phát triển bởi Google. Được xây dựng dựa trên cơ sở của mô hình học sâu (deep learning), Gemini có khả năng hiểu, phân tích và tương tác với nhiều loại dữ liệu khác nhau như hình ảnh, văn bản, âm thanh… Từ đó, giúp người dùng tạo ra các ứng dụng thông minh và phù hợp với nhu cầu của mình.

Là một phần mềm AI hỗ trợ tạo hình ảnh miễn phí, Midjourney cho phép người dùng tạo loạt ảnh chỉ với một vài dòng mô tả bằng lời nói hoặc văn bản. Người dùng chỉ cần cung cấp thông tin về bức ảnh mình cần, Midjourney sẽ tự động đưa ra hình ảnh tương ứng chỉ sau vài phút. Canva AI là một công cụ chỉnh sửa, thiết kế hình ảnh cực kỳ phổ biến và được sử dụng rộng rãi hàng đầu hiện nay.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Hùng, AI có thể làm được nhiều thứ, đặc biệt là xử lí kho dữ liệu khổng lồ để đưa ra những phân tích rất nhanh chóng và chính xác. Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ trên thế giới sẽ tiếp tục cải tiến để GEN AI ngày càng trở nên thông minh hơn, thân thiện hơn, nhưng vẫn có những giới hạn mà AI không đạt tới được.

giup-tre-su-dung-ai-dung-cach-3.jpg

Ra đời từ những năm 1960, song chỉ khoảng 2 năm trở lại đây, các cơ sở dữ liệu AI mới bùng nổ nhanh chóng. Ảnh minh họa: ITN.

Do đó, ông Hùng gợi ý những bí quyết để có thể sử dụng AI một cách thông minh, có trách nhiệm, đúng pháp luật và có đạo đức. Một trong những từ khóa quan trọng đó là “tạo prompt thông minh”. Bởi, khi người dùng đưa ra đề bài một cách chính xác, cụ thể và chất lượng thì kết quả trả lại sẽ là sản phẩm hoàn hảo của một chuyên gia, đúng như mong muốn.

Ông Hùng cho biết, mỗi sinh viên cần tự trang bị những kiến thức, năng lực trong việc sử dụng AI vào học tập, nghiên cứu khoa học, hay khởi nghiệp. Đó sẽ là một lợi thế rất lớn, đặc biệt sau khi tốt nghiệp, người học sẽ tham gia vào thị trường lao động với nhiều cạnh tranh và đòi hỏi khắt khe từ phía nhà tuyển dụng.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Cục An toàn thông tin (cũ), cho biết, để giảm thiểu các rủi ro của AI tác động đến trẻ, quan trọng hơn cả là cần giáo dục, hướng dẫn để các em nâng cao nhận thức, biết được về những rủi ro để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Cũng theo ông Lương, khi cho con em tham gia môi trường mạng, sử dụng các công cụ AI, cha mẹ cần tuân thủ “nguyên tắc 4T”, bao gồm: Tuân thủ, thông minh, thận trọng và tử tế. Cụ thể, trước hết cần tuân thủ các quy tắc, biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng Internet và nguyên tắc đã được thiết lập tại gia đình cũng như trường học. Ví dụ, chỉ sử dụng mạng xã hội khi đủ 13 tuổi trở lên, sử dụng Internet trong khoảng thời gian cho phép, truy cập những nội dung được phép…

Trong khi đó, nguyên tắc “thông minh” là phụ huynh và trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để tham gia môi trường mạng, như kỹ năng cung cấp thông tin cá nhân trên mạng, kỹ năng sử dụng và quản lý mật khẩu để đảm bảo an toàn… Về yếu tố thận trọng, người dùng cần cẩn trọng với bất cứ thông tin nào trên mạng, khi truy cập vào các đường dẫn lạ. Đồng thời, cẩn trọng khi gặp những lời mời chào hấp dẫn đến khó tin… Điều đó sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro liên quan tới lừa đảo trực tuyến.

Về khía cạnh “tử tế”, chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần cư xử văn minh, tử tế trên môi trường mạng, không gửi hoặc phản hồi những tin nhắn có nội dung xấu hoặc có tính xúc phạm người khác. Trẻ cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, khi cho con tham gia môi trường mạng, cha mẹ có thể sử dụng một số công cụ công nghệ hỗ trợ chặn lọc những thông tin không phù hợp như: Safe Gate Family, Bkav Safe Kid, Mobile Guard for Kid, Cyberpurify Kid… hay ứng dụng của các nhà cung cấp dịch vụ khác được phát triển riêng cho trẻ em.