Hà Nội chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số

11:05, 28/10/2024

Chuyển đổi xanh là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới. Đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến, nhằm giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường, với nhiều hoạt động như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn...

Tại hội nghị “Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc - Xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số”, các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, quản lý nhà nước đã thông tin về triển vọng thu hút đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam, cơ hội và thách thức; định hướng thu hút doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững tại các khu công nghiệp tại Hà Nội, cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại một số địa phương về việc thực trạng, giải pháp thu hút doanh nghiệp chuyển đổi xanh; thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp ngành dệt may ứng dụng công nghệ xanh; chung tay xây dựng cộng đồng xanh cùng một số tổ chức quốc tế.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về tiềm năng lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung, khu vực phía Bắc nói riêng; định hướng, khung pháp lý, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xanh trong thời gian tới; Vai trò của vốn trong chuyển đổi sản xuất xanh; Kết nối thị trường sản phẩm hữu cơ Việt Nam theo hướng bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

CHUYEN DOI XANH

Ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Thành phố Hà Nội đang nỗ lực không ngừng để trở thành một thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Thành phố cũng đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên gồm: Năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, sản xuất chế biến thực phẩm an toàn, và bảo vệ môi trường. 

Hiện nay, chuyển đổi xanh đang được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường, với nhiều hoạt động như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn... Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất ở Hà Nội đã lựa chọn xu hướng này để phát triển lâu dài.

Ông Nguyễn Trần Quang hy vọng, Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển - “Link to Grow” Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc 2024, sẽ là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi, thảo luận, kết nối, qua đó góp phần tạo sự liên kết hướng tới mục tiêu chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững, một trong những xu thế tất yếu hiện nay.

Tại hội nghị, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng nhấn mạnh định hướng thu hút doanh nghiệp sản xuất xanh, bền vững. 

Hiện trong Khu đang triển khai 22 dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó 11 dự án đã đi vào hoạt động với nhiều dự án hoạt động trên cả 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghiệp vật liệu mới.

Mục tiêu sau năm 2030, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh.

Vì vậy Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc rất hoan nghênh các dự án đầu tư đáp ứng các tiêu chí 3 thấp (sử dụng đất, nhân công, phát thải) và 4 cao (công nghệ, suất đầu tư, tự động hóa, giá trị gia tăng).