Hà Nội nâng cao khả năng đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan Nhà nước
Chiều 15/12, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức hội thảo An toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2022.
Hội thảo An toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2022.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc Phòng); đại diện các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực ATTT và các cán bộ công chức chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin (ATTT) tại các cơ quan nhà nước của Thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, cùng với sự phát triển các hệ thống thông tin là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thông tin. Trong năm 2022, Hà Nội đã ghi nhận hơn 116 triệu IP tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước thành phố, trong đó có hơn 116 triệu IP tấn công bằng hình thức từ chối dịch vụ, 1.659 IP tấn công bằng hình thức sử dụng mã độc...
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xác định an toàn thông tin là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục.
"Hội thảo là cơ hội được lắng nghe, được chia sẻ thông tin, kiến thức về an toàn thông tin từ các cơ quan chuyên môn, từ các chuyên gia, và những kinh nghiệm này sẽ giúp thành phố có các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số", ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ về thực trạng an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước hiện nay, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tình hình an toàn, an ninh mạng Việt Nam năm 2022 có nhiều "điểm sáng" nổi bật, đang ở mức kiểm soát tốt, tuy nhiên mối đe dọa về an toàn thông tin vẫn còn lớn.
Trong đó, một hiện trạng đáng lưu ý, đó là mặc dù nhận được cảnh báo từ các cơ quan chức năng, vẫn rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xử lý các lỗ hổng an ninh mạng, hoặc chưa cập nhật các bản vá trên phần mềm để giảm thiểu rủi ro.
Tiếp đó là hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng trong thời gian qua trở nên phổ biến hơn. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu chính trong năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông là bảo vệ người dân trên không gian mạng. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt cùng với các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngăn chặn nhiều trang web, blog giả mạo lừa đảo trực tuyến để bảo vệ gần 4 triệu người dân Việt Nam, tương đương với khoảng 6% người dùng internet.
Cũng theo lãnh đạo Cục An toàn thông tin, việc tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng vẫn chưa được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng, đặc biệt là tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Khuyến nghị về công tác bảo đảm an toàn thông tin của cơ quan nhà nước, đại diện Tập đoàn công nghệ BKAV cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý bố trí đủ kinh phí cho an toàn thông tin, bởi có như vậy mới đủ nguồn lực để bảo đảm an toàn cho hệ thống.
Không chỉ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến, mà bất cứ dịch vụ, cơ quan có hạ tầng công nghệ thông tin nào cũng cần đặt mối quan tâm về an ninh mạng, an toàn hệ thống lên hàng đầu; thực hiện những biện pháp rà soát bảo vệ trước những cuộc tấn công có thể xảy ra.
Hội thảo còn có các tham luận đáng chú ý của Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ, chia sẻ về khả năng giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội; đại diện Công ty An ninh mạng Viettel chia sẻ về kỹ năng phát hiện sớm và phòng ngừa rủi ro lọt lộ dữ liệu trong thời kỳ chuyển đổi số...
Khôi Nguyên (T/h)