Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ giai đoạn 1 sẽ được vận hành vào ngày 13/3
Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, chuẩn bị cho việc công bố vận hành một số phân hệ của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Dự kiến, Hệ thống sẽ được khai trương vào chiều 13/3 tới. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hình thành Hệ thống báo cáo quốc gia vào cuối năm 2020.
Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ giai đoạn 1 sẽ được vận hành vào ngày 13/3.
Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ là hệ thống thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối, phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu đặt ra là năm 2020 kết nối Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ với 100% hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương hoặc hệ thống thông tin chuyên ngành có khả năng trích xuất số liệu báo cáo để hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Đến năm 2025, 100% báo cáo định kỳ do bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm nội dung mật), 100% báo cáo trong Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Kết nối Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các hệ thống thông tin báo cáo, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, mạng xã hội… tiến tới hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu, hỗ trợ việc ra quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực hiện.
Hệ thống bao gồm các nhóm dữ liệu: Thông tin kinh tế-xã hội hàng ngày, tổng quan kinh tế-xã hội, bộ, ngành, Chính phủ điện tử, chỉ số quốc tế (môi trường kinh doanh, chỉ số quản lý thu mua), kho tài liệu và vấn đề quan tâm như dịch bệnh, thiên tai, môi trường, dư luận xã hội.
Các chức năng chính của Hệ thống bao gồm: Quản lý các chế độ báo cáo, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tổng hợp, phân tích dự báo, bảng thông tin chỉ đạo điều hành, cập nhật, duyệt, gửi báo cáo. Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ sẽ làm thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, từ dựa trên hệ thống thông tin, số liệu trên báo cáo giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số thông qua các hệ thống thông tin báo cáo và màn hình, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả.
Quy trình báo cáo (thu thập, tổng hợp, phân tích, gửi nhận) thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo. Hệ thống cũng tạo ra và lưu trữ được các thông tin, số liệu mang tính chất hệ thống, đồng bộ và cho phép so sánh, đối chiếu, kiểm tra chéo thông tin, số liệu từ các nguồn khác nhau; góp phần nâng cao năng lực, chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp, cung cấp thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền.
Dẫn chứng của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) về việc “số hóa” báo cáo giấy cho thấy, một báo cáo quy định đối với địa phương phải thực hiện từ cấp xã lên cấp huyện, rồi lên cấp tỉnh; còn đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, phải tổng hợp báo cáo từ các đơn vị trực thuộc và đơn vị ngành dọc, sau đó Ủy ban Nhân dân tỉnh và các bộ, cơ quan ngang bộ gửi cho một cơ quan chuyên ngành tổng hợp để báo cáo Thủ tướng.
Lấy số ngày tổng hợp báo cáo của các cấp theo đúng quy định của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước), thì từ ngày chốt số liệu đến ngày gửi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 10 ngày. Nếu điện tử hóa, thời gian sẽ rút ngắn được 6 ngày, xuống còn 4 ngày cho việc tổng hợp báo cáo vì hệ thống sẽ tự động tổng hợp. Số ngày công tiết kiệm được cho một năm là 4.752 ngày công, tương đương với chi phí tiết kiệm được cho việc thực hiện một báo cáo là hơn 1,045 tỷ đồng.
Theo số liệu do các bộ, cơ quan cung cấp, bình quân hàng năm, mỗi bộ, cơ quan có khoảng 20 báo cáo định kỳ gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ước tính tổng số 22 bộ, cơ quan gửi 440 báo cáo/năm. Như vậy, khi điện tử hóa các báo cáo này, số tiền tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước là khoảng 460 tỷ đồng/năm, chưa tính đến các báo cáo đột xuất, chuyên đề, báo cáo mà các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước phải báo cáo cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành cho rằng, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ ra đời đúng với định hướng triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Đây là công cụ thu thập dữ liệu từ các “ngóc ngách” của các chỉ tiêu, chỉ số từ cơ sở lên đến Chính phủ để phục vụ quản lý, điều hành; cần chuẩn hóa, đặt Hệ thống trên một nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung, mang tính thống nhất từ Chính phủ xuống các bộ, ngành, địa phương.
Hiện các bộ, ngành cũng đang xây dựng hệ thống báo cáo này, Văn phòng Chính phủ nên thiết kế hệ thống theo hướng khung cho các bộ, ngành khai báo các chỉ tiêu tổng thể và chi tiết, có công cụ cấp tài khoản cho người dùng kết nối, lấy dữ liệu từ các cơ sở. Hồn cốt của Hệ thống phải là dữ liệu, thông tin trong Hệ thống phải đủ, chính xác, kịp thời.
Đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, trên cơ sở khung kiến trúc Chính phủ điện tử, các bộ, địa phương cần thiết kế phần mềm ứng dụng phù hợp. Các thông tin, báo cáo Chính phủ phải bám vào 12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội Quốc hội giao cho Chính phủ, các hệ thống chỉ tiêu vĩ mô như chỉ số giá, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài… từ đó chẻ ra các nhánh.
Nhấn mạnh yêu cầu khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vào ngày 13/3 tới, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan rà soát lại, ban hành thông tư, phân công đầu mối, bám vào các chỉ tiêu lớn để xây dựng hệ thống chỉ tiêu, báo cáo tổng hợp, trước hết phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, phải chuẩn hóa được các báo cáo, Hệ thống phải bảo đảm an toàn, không có lỗ hổng bảo mật. Những dữ liệu không thuộc bí mật quốc gia cần phân quyền cho từng cấp để khai thác, tổng hợp phục vụ sự chỉ đạo điều hành, có “hàng rào” bảo vệ từng lớp.
“Làm sao ra đời được nhưng phải duy trì để Hệ thống 'sống' được,” Bộ trưởng lưu ý.
PV/TH