Hiệu quả kết nối cung - cầu nông sản trong dịch Covid-19
Theo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ Công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 2/8, có tổng 576 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ Công tác, gồm: rau củ 128 đầu mối; trái cây 142 đầu mối; thủy hải sản 251 đầu mối; lương thực 32 đầu mối; các mặt hàng khác 23 đầu mối.
Hoạt động chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu nông sản của Tổ công tác 970 tại các tỉnh, thành phố phía nam. (Ảnh: Tổ công tác 970 cung cấp)
Đa dạng hàng hóa nông sản
Thống kê cho thấy, 2 cuộc hội thảo trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt và sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đã thu hút sự tham gia đông đảo của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã… Theo đó, hội thảo trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt có 249 đơn vị tham dự; kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản có 278 đơn vị tham dự. Đây là con số rất lớn, vượt xa các cuộc hội thảo trực tiếp trước đây.
Qua đó, Tổ công tác 970 đã kết nối được 2 đơn hàng lớn về thủy sản. Đơn hàng thứ nhất 1.000 tấn thủy hải sản các loại và đã phân cho các đầu mối cung cấp thủy sản tại 7 tỉnh có đăng ký qua Tổ công tác 970. Hiện đơn hàng đang được các bên lên kế hoạch thu mua trong 10 ngày tới. Đơn hàng thứ hai của một doanh nghiệp thông qua Tổ công tác 970 tìm đối tác tại các tỉnh để có hợp đồng dài hạn mua hằng tháng 985 tấn cá tra, 73 tấn cá ngừ, 9 container cá rô phi và diêu hồng, 5 container tôm càng xanh, 2 container đùi ếch làm sẵn, 3 container tôm sú và tôm thẻ, 2 container mực và bạch tuộc, 1 container cá cơm phơi khô.
Tổ công tác đã làm việc với Ủy ban nhân dân một số tỉnh, huyện có nguồn cung các sản phẩm này nhưng đây là đơn hàng lớn, đòi hỏi rất cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên cần bảo đảm đủ điều kiện để doanh nghiệp liên kết theo chuỗi lâu dài. Thí dụ, doanh nghiệp muốn mua đùi ếch làm sẵn, trong khi các hợp tác xã chỉ nuôi ếch nên cần phải tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến sản phẩm theo yêu cầu.
Ngoài ra, thông qua hoạt động kết nối, các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến các thông tin về vùng nguyên liệu sản xuất bền vững trước tác động của dịch Covid-19 như: sản xuất lươn tại Hậu Giang; vùng sản xuất mít tập trung 5.700 ha tại huyện Châu Thành (Hậu Giang); vùng trồng cây ăn trái hơn 1.100 ha (mít, ổi) tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp); các vùng nuôi ếch đồng, cá sặc rằn tại Đồng Tháp; vùng khoai lang ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long); vùng nuôi tôm càng xanh ở U Minh Thượng (Kiên Giang); vùng rau xanh ở Long An, Tiền Giang; vùng hơn 6.000 ha sả ở Tân Phú Đông (Tiền Giang); các vùng chuyên canh nhãn ở Châu Thành (Đồng Tháp), Bình Đại (Bến Tre); vú sữa ở Kế Sách (Sóc Trăng)… và các vùng bưởi, sầu riêng với diện tích rất lớn ở một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Hướng mới trong quảng bá sản phẩm nông nghiệp
Sau các cuộc hội thảo trực tuyến về kết nối cung-cầu các sản phẩm nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp tham gia cho biết rất bất ngờ về số liệu nguồn cung nông sản chất lượng ở các vùng, miền trên.
Điều đó cho thấy, nhiều địa phương mặc dù rất chú trọng sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng lại chưa làm tốt công tác quảng bá sản phẩm vùng miền nên chưa tiếp cận được các đơn hàng từ doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, những ngày qua, Tổ công tác cũng hỗ trợ kết nối rất nhiều đơn hàng cho các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Đồng thời ra mắt trang thông tin đăng ký kết nối cung cầu nông sản và hàng hóa các tỉnh phía nam. Hai tính năng chính của trang tin https://htx.cooplink.com.vn/ là: (1) Đăng ký các đầu mối cung cấp/bán nông sản (mục Cần bán); (2) Đăng ký nhận tin đầu mối cung cấp (mục Cần mua).
Đồng thời, Tổ công tác 970 cũng thí điểm mô hình “chào hàng và giao hàng theo huyện”. Theo đó kết hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thống kê các nguồn hàng tại huyện có khả năng cung cấp, tìm phương tiện chở hàng từ huyện lên thành phố, xin phép đầy đủ giấy tờ vận chuyển, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho xe và tài xế, sau đó chào đơn hàng cho các siêu thị và tổ chức giao hàng.
Theo/nhandan.vn