Hỗ trợ chuyển đổi máy với nhóm người yếu thế khi tắt sóng 2G
Theo lộ trình, đến ngày 15/9/2024, các thuê bao 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc tắt sóng 2G công nghệ cũ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số.
- Cận kề thời điểm tắt sóng 2G, Việt Nam vẫn còn khoảng 11 triệu thuê bao 2G Only
- 100% các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp sẽ có sóng 5G
- Luôn ghi nhớ, tri ân và sống xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân*
- Giá bản quyền phát sóng Olympic Paris 2024 tăng cao: Việt Nam có cơ hội sở hữu?
Xu thế tất yếu
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chính sách dừng công nghệ 2G đã được các doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng từ nhiều năm nay. Đây là giai đoạn cuối, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ ngừng cung cấp dịch vụ 2G.
Điện thoại dùng công nghệ 2G. Ảnh: XC
“Hiện, còn vẫn còn trên 11 triệu thuê bao 2G, những người sử dụng chỉ dùng thiết bị đầu cuối là điện thoại 2G. Đây là con số tương đối lớn. Trong số này, hầu hết đã được nâng cấp sang loại sim hỗ trợ 3G, 4G. Vấn đề còn lại nằm ở thiết bị. Việc dừng toàn bộ các thiết bị đầu cuối trong gần 2 tháng là áp lực lớn. Để đạt mục tiêu, cần phải thông tin đầy đủ cho người sử dụng để đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhận định.
Một nguyên nhân khiến thuê bao 2G vẫn còn nhiều là do người dân gặp khó khăn về chi phí khi mua máy. Đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, việc đổi thiết bị có giá vài trăm nghìn đồng đang là vấn đề nan giải. Ngoài ra, dù đã cấm máy 2G nhập vào Việt Nam từ năm 2021, nhiều sản phẩm vẫn được lưu thông trên thị trường. Từ tháng 3/2024, các nhà mạng được chỉ đạo không cho các thiết bị không hợp quy nhập mạng, đã giúp giảm đáng kể loại máy này.
Tuy nhiên, các cửa hàng vẫn còn hàng tồn và có thể xảy ra tình trạng hạ giá để xả hàng, thu hồi vốn. Nếu mua những loại máy này, người dùng không thể sử dụng sau ngày 15/9/2024.
"Nhà mạng đã có giải pháp, dù không thể hỗ trợ 100%. Với người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, Bộ TT&TT đã làm việc với các tỉnh, thành phố sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp để phối hợp với nhà mạng hỗ trợ. Một số địa phương đang triển khai nội dung này", ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Các nhà mạng đã sẵn sàng vào cuộc
Đại diện các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT VinaPhone, Mobifone… đều khẳng định đã triển khai tích cực, sâu rộng các giải pháp truyền thông tắt sóng 2G đến từng khách hàng như: Nhắn tin, gọi điện trực tiếp cho người dùng, truyền thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, người có uy tín…
Điện thoại công nghệ 2G vẫn đang được nhiều phụ huynh trang bị cho con.
Trong thời gian tới, các nhà mạng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vấn đề này. Theo ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone, đơn vị xác định trước sau cũng phải tắt sóng 2G, do vậy, đã chuẩn bị lộ trình thực hiện từ sớm. Chính sách tắt sóng 2G của Bộ TT&TT sẽ góp phần giúp nhà mạng đẩy nhanh việc triển khai lộ trình này. Trên hệ thống của VNPT VinaPhone còn khoảng 1,5 triệu thuê bao 2G. VNPT VinaPhone cam kết đến tháng 9/2024 sẽ chuyển đổi toàn bộ khách hàng sang thuê bao 4G.
“Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi, hạ tầng mạng lưới, VinaPhone đã tăng cường phủ sóng 4G để thay thế vùng phủ 2G và chủ động mua sắm các thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 4G để hỗ trợ chuyển đổi cho người sử dụng. Chủ thuê bao 2G cần chuẩn bị kinh phí nâng cấp thiết bị đầu cuối, nhà mạng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. VinaPhone cũng đã giao nhiệm vụ cho cán bộ ở từng địa bàn hỗ trợ quá trình chuyển đổi cho người dùng”, ông Lê Đắc Kiên chia sẻ.
Theo ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, tỷ lệ người dùng 2G trên mạng lưới của nhà mạng này hiện giảm nhanh, chỉ còn khoảng dưới 5% tổng thuê bao. Kể từ ngày 1/3/2024, MobiFone đã không cho thiết bị 2G không hợp quy hòa mạng. Để đảm bảo quyền lợi khách hàng, các thiết bị hợp quy vẫn có thể sử dụng đến ngày 15/9. Tuy nhiên, nhà mạng cũng tích cực đưa ra các khuyến cáo về việc chuyển đổi thiết bị với người dùng.
Nhằm giảm tỷ lệ thiết bị 2G trên mạng lưới, MobiFone đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên smartphone, feature phone 4G, hỗ trợ gói cước, tham gia đồng hành cùng các chuỗi bán lẻ thiết bị. Trong quá trình chuyển đổi, người dùng cũng có thể chọn sử dụng “cloud phone”, loại thiết bị không cần cấu hình quá mạnh, nhưng vẫn có thể đáp ứng nhiều dịch vụ với giá thành hợp lý.
“Hiện 100% SIM 2G của người dùng MobiFone đều đã chuyển đổi. Toàn bộ khách hàng của MobiFone đều đang có SIM 4G, chỉ cần có thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G, 4G là có thể dùng được luôn, không cần đổi SIM”, Phó Tổng Giám đốc MobiFone khẳng định.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao lớn nhất, nên số lượng thuê bao 2G cũng ở mức lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viettel đã chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao 2G lên các công nghệ cao hơn, nhiều hơn hẳn so với các năm trước. Viettel cũng đưa ra những chính sách mạnh như giảm giá máy từ 30 - 50%, truyền thông sâu rộng tới người dùng thông qua tổ công nghệ số và người có uy tín trong cộng đồng, bán hàng lưu động đến tận cấp xã với những điểm hỗ trợ chuyển đổi 24/7...
Đẩy mạnh truyền thông theo hướng cá thể
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, từ nay đến tháng 9/2024, các đơn vị cần tăng cường truyền thông về tắt sóng 2G đến những người có ít cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ như người cao tuổi, người sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Đại diện Cục Viễn thông đánh giá, các nhà mạng đã có những giải pháp truyền thông hiệu quả về tắt sóng 2G đến người dùng. Chẳng hạn, Viettel truyền thông cá thể hóa đến đối tượng vùng sâu vùng xa. Mobifone sử dụng nhạc chờ để thông tin về việc dừng công nghệ 2G, đầu số hỗ trợ khi thuê bao 2G thực hiện cuộc gọi đi. VinaPhone hỗ trợ cả máy và truyền thông cho người dùng...
Doanh nghiệp tiếp tục dựa trên dữ liệu thuê bao để phân tích các đối tượng sử dụng tại các khu vực chưa được tiếp cận thông tin hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, nhà mạng cần chú trọng tăng số lượng kênh truyền thông, số điện thoại, điện thoại viên (cả tự động lẫn nhân công) để hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn người dùng.
Chia sẻ về công tác thông tin tuyên truyền tắt sóng 2G đến người dân, ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở cho biết, ngay trong tháng 7/2024, Cục sẽ phối hợp với lực lượng thông tin cơ sở tại các địa phương tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác.
Bộ TT&TT đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng nghị định để triển khai nguồn lực từ Quỹ Viễn thông công ích. Quỹ Viễn thông công ích không chỉ phục vụ dừng công nghệ 2G, mà còn có mục tiêu lớn hơn là hỗ trợ các nhà mạng triển khai hạ tầng công nghệ 4G tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi sang điện thoại thông minh. Nguồn lực chính để giúp người dân chuyển đổi thiết bị sẽ đến từ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ, từ miễn phí sử dụng dịch vụ dữ liệu trong một khoảng thời gian, cho đến hỗ trợ người dùng mua thiết bị đầu cuối để họ có cơ hội tiếp cận những mẫu điện thoại có công nghệ mới hơn.
“Tắt sóng 2G là cơ hội để nhiều người sử dụng di động tiếp cận thông tin qua Internet, học tập các kỹ năng số để hình thành xã hội số, nền kinh tế số. Tuy vậy, người dùng cũng cần lưu ý, tìm hiểu kỹ, chính xác khi sử dụng các dịch vụ mới để tránh gặp phải những hệ lụy không đáng có”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn