Ukraine ngưng bắn nhưng sân bay vẫn bị tấn công
Mặc dù lệnh ngưng bắn đã được ban bố, nhưng nguy cơ tái xung đột tại miền Đông Ukriane vẫn “trực chờ”, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
- Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vào tâm vùng chiến
- Có thể coi xung đột ở Ukraine là “tội ác chiến tranh”?
- Lệnh ngừng bắn ở Ukraine: “Trò hề” của cuộc chơi
- Mỹ - TQ đắc lợi từ khủng hoảng Ukraine
- Thỏa thuận ngừng bắn ở Đông Ukraine có dẫn tới hòa bình?
- Nga đang tạo "vùng đệm" ở phía Đông Ukraine
- Sau Crimea, miền Đông Ukraine là mục tiêu của Nga?
- Liệu miền Đông Ukraine có là một Crimea thứ 2?
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
Phe ly khai lại tấn công sân bay ở Donetsk
Hôm qua (9/9), theo nguồn tin của quân đội Ukraine, sân bay ở miền Đông Ukraine, nơi gần thành phố Donetsk đã bị tấn công bằng tên lửa và súng cối bốn lần, nhưng không có ai bị thương vong. Quân đội Ukraine đã cáo buộc các tay súng thuộc lực lượng đòi liên bang hóa đã tiến hành các cuộc tấn công này.
Các binh sỹ Ukraine đứng gác tại một trạm kiểm soát biên giới.
Hồi tháng Năm, sân bay này từng bị phá hủy nặng nề trong các cuộc giao tranh. Và đêm hôm thứ Hai (8/9), sân bay này đã bị trúng tên lửa và đạn pháo, PLO đưa tin.
Sau lệnh ngừng bắn được ban bố, các cuộc đụng độ vẫn nổ ra xung quanh thành phố cảng Marioupol, ở phía Đông Nam Ukraine. Cho đến nay, các cuộc xung đột chưa đến mức bùng phát mạnh, nhưng tình trạng này đang đe dọa khả năng thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, đã có bốn binh sỹ Ukraine thiệt mạng và 29 binh sỹ khác bị thương kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 5/9.
Nga lo Ukraine triển khai thêm binh sỹ
Ngày 9/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, lệnh ngừng bắn ở Ukraine nhìn chung đã được tuân thủ. Tại cuộc họp với Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop cùng ngày ở Moscow, ông Lavrov cho biết, Nga hi vọng đàm phán về quy chế cho vùng Donetsk và Luhansk sẽ sớm được bắt đầu. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng cho biết, Nga vẫn lo ngại về việc Ukraine triển khai thêm binh sỹ ở một số địa bàn miền Đông Ukraine.
“Cuộc đàm phán có liên quan đến quy chế của vùng Đông Nam Ukraine, thỏa thuận được kí tại Thủ đô Minsk của Belarus mới đây bao gồm các điều khoản cho các bước đi này. Chúng tôi hi vọng, những cuộc đàm phán đó sẽ sớm khởi động đồng thời kêu gọi các bên cần tôn trọng và tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận”, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, vov.vn đưa tin.
Khủng hoảng Ukraine là do Liên Xô sớm tan rã?
Theo trang Một thế giới, nguyên Tổng thống Liên Xô cũ, ông Mikhail Gorbachev, đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông Gorbachev đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine do sự giải tán vội vàng và thiếu suy nghĩ của Liên Xô. Ông lưu ý rằng, một kết quả hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại giữa Nga và Mỹ.
Ông Gorbachev và ông Putin.
Nhà lãnh đạo Liên Xô cũ này đã bày tỏ những chính kiến về Ukraine trong lời bạt cho cuốn hồi ký mới nhất của ông mang tên "Sau điện Kremlin" - sẽ được phát hành. Và lời bạt này đã được báo Novaya Gazeta (Nga) công bố trước khi cuốn sách của ông Gorbachev được xuất bản.
Ông Gorbachev khẳng định, lãnh đạo các quốc gia phương Tây nên dừng việc lôi kéo Ukraine vào NATO, bởi những nỗ lực đó sẽ chỉ tạo xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo ông Gorbachev, vai trò chính trong việc giải quyết các vấn đề ở Ukraine phải được Nga và Mỹ đảm nhiệm. Đơn giản vì họ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có ảnh hưởng đáng kể đối với LHQ.
Ông Gorbachev cũng nhấn mạnh rằng, mối quan hệ tốt với Nga phải trở thành một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ukraine. Và các quốc gia phương Tây phải nên hiểu và chấp nhận điều này.
Cựu lãnh đạo Liên Xô một lần nữa lặp lại quan điểm của mình rằng, gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện nay nằm trong sự giải tán vội vàng của Liên Xô năm 1991. Ông nói thêm rằng, thời điểm đó, các nhà chức trách Ukraine đã phá hoại quá trình chuyển đổi hòa bình của Liên Xô, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của ông.
Cho đến giờ, vấn đề Liên Xô tan rã vẫn gây nhức nhối trong lòng người dân Nga và nhiều nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Ukraine. Và, vì sao Liên Xô tan rã? Ai là thủ phạm? vẫn là những câu hỏi dành cho lịch sử, dù trên thực tế, chính ông Gorbachev, người được bầu là "Tổng thống Liên Xô" hồi 1990 đã ký sắc lệnh giải tán Liên Xô.
Thanh Trà (tổng hợp)