Hoa Kỳ thành lập siêu quỹ, phát triển cơ sở hạ tầng AI

11:48, 21/09/2024

Sự bùng nổ AI tạo sinh đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh năng lực của trung tâm dữ liệu và hạn chế về năng lượng. Một siêu quỹ trị giá 30 tỷ USD được thành lập nhằm duy trì vị thế Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI…

Microsoft và BlackRock của CEO Satya Nadella công bố quỹ trị giá 30 tỷ USD, thúc đẩy đầu tư vào trung tâm dữ liệu và cung cấp năng lượng cần thiết để phát triển AI.

 

Theo Business Insider, Hoa Kỳ đang nỗ lực đẩy mạnh kế hoạch để duy trì lợi thế trong cuộc đua AI tạo sinh.

Một phần quan trọng trong kế hoạch là chiến lược đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước - từ trung tâm dữ liệu cho đến nhà máy sản xuất chip - với kỳ vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào một số quốc gia như Đài Loan, nơi mối quan hệ Trung Quốc - Đài Loan đang ở mức tồi tệ nhất trong 40 năm qua.

Microsoft và BlackRock mới đây đã chính thức công bố thành lập siêu quỹ trị giá 30 tỷ USD. Thông cáo báo chí của Microsoft cho biết quỹ được thiết kế để "nâng cao khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI". Một số người ủng hộ chương trình cam kết quyết tâm thúc đẩy "đầu tư cơ sở hạ tầng", giúp trí tuệ nhân tạo ngày càng mạnh mẽ hơn.

Các công ty đứng sau quỹ cho biết khoản đầu tư cơ sở hạ tầng này "chủ yếu ở Hoa Kỳ", nơi có kế hoạch thúc đẩy đổi mới AI và tăng trưởng kinh tế.

Điều này có nghĩa là quỹ — bao gồm đơn vị Global Infrastructure Partners mà BlackRock đã mua lại vào tháng một năm nay và công ty đầu tư MGX tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất — sẽ "mở rộng và đầu tư vào trung tâm dữ liệu mới", thông cáo báo chí cho hay. Ngoài ra, quỹ cũng tài trợ đối với cơ sở hạ tầng năng lượng cần thiết, cung cấp đủ năng lượng cho các trung tâm này, thông cáo khẳng định.

Những người ủng hộ quỹ cho biết một số khoản đầu tư khác sẽ được chuyển đến "quốc gia đối tác của Hoa Kỳ". Với nguồn tài trợ nợ, quy mô tổng thể quỹ có thể lên tới 100 tỷ USD.

"Chi tiêu vốn cần thiết cho cơ sở hạ tầng AI và năng lượng mới để cung cấp năng lượng hoạt động cho hầu hết trung tâm dữ liệu vượt xa khả năng của bất kỳ công ty hoặc Chính phủ nào có thể tài trợ", chủ tịch Microsoft Brad Smith nhấn mạnh.

Nếu Hoa Kỳ nghiêm túc và tham vọng dẫn đầu trong cuộc đua AI - điều mà vị Tổng thống tiếp theo chắc chắn sẽ phải chú ý khi Trung Quốc cũng đang tăng tốc - họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ công nghệ tương lai này bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đa số trung tâm dữ liệu, nhà máy sản xuất chip và nguồn cung cấp năng lượng đều rất quan trọng để AI hoạt động. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực đều có những thách thức riêng, chẳng hạn như lỗ hổng chuỗi cung ứng hoặc tắc nghẽn nhu cầu.

Hiện tại, Hoa Kỳ đã bắt đầu cải thiện khả năng tự cung tự cấp chất bán dẫn - phần cứng do Nvidia phát triển, cung cấp sức mạnh tính toán cho mô hình ngôn ngữ lớn - với Đạo luật CHIPS, được Quốc hội thông qua vào năm 2022.

 

Chip do Nvidia thiết kế được sản xuất bởi công ty TSMC, Đài Loan.

Trong khi Nvidia và nhiều công ty công nghệ khác của Hoa Kỳ dẫn đầu lĩnh vực chip bằng cách tập trung vào thiết kế, thì hoạt động sản xuất phần lớn được thuê ngoài bởi công ty TSMC của Đài Loan. Với lo ngại ngày càng tăng về mâu thuẫn của Trung Quốc và Đài Loan, an ninh chuỗi cung ứng là mối đe dọa lớn nhất với các công ty công nghệ Hoa Kỳ.

Không phải tất cả đều thuận lợi

Theo báo cáo hồi tháng 6 về xu hướng trung tâm dữ liệu toàn cầu do tập đoàn bất động sản thương mại CBRE công bố, "tình trạng thiếu điện trên toàn thế giới đang kìm hãm đáng kể tốc độ tăng trưởng của thị trường trung tâm dữ liệu". 

Thiếu tăng trưởng là vấn đề chính ở Hoa Kỳ, nơi sự bùng nổ AI khiến tỷ lệ bỏ trống trung tâm dữ liệu giảm ở khắp nơi từ Chicago đến Bắc Virginia.

Điều đó có nghĩa là các trung tâm dữ liệu đang thiếu hụt, hoặc như CBRE phân tích, "tính khả dụng của trung tâm dữ liệu Bắc Mỹ tiếp tục thắt chặt do nhu cầu mạnh mẽ", khiến một số cơ quan, bộ phận có thẩm quyền trong ngành phải cân nhắc triển khai biện pháp thay thế. 

Tờ Financial Times đưa tin vào tháng trước rằng một số công ty Big Tech và nhà cung cấp thậm chí đang xem xét việc biến nhà máy điện ngừng hoạt động thành trung tâm dữ liệu.

Sự thiếu hụt nguồn cung này bắt đầu được Washington chú ý. Tuần trước, Nhà Trắng cho biết đã tổ chức hội nghị bàn tròn với các nhà lãnh đạo AI hàng đầu trên khắp đất nước, "thảo luận về phương pháp đảm bảo Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu thế giới về AI" bằng cách tập trung vào trung tâm dữ liệu và vấn đề năng lượng.

Với những người như CEO Jensen Huang của Nvidia hay CEO Sam Altman của OpenAI, cùng với quan chức chính phủ hàng đầu như Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, cuộc thảo luận còn gắn liền với "mục tiêu an ninh quốc gia, kinh tế và môi trường", Nhà Trắng cho biết.

Cuối cùng, một lực lượng đặc nhiệm phụ trách cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu AI ra đời, nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc xây dựng cơ sở hạ tầng và duy trì động lực phát triển AI.

Mặc dù vẫn chưa có kết luận về tiềm năng của AI trong việc tạo ra lợi nhuận dài hạn, nhưng rõ ràng AI là vấn đề địa chính trị quan trọng đối với Hoa Kỳ trong những năm tới. Rõ ràng, nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng trên "đất nhà" sẽ giúp Hoa Kỳ chủ động hơn.