Hợp tác với Mỹ, Ấn Độ sắp có nhà máy chế tạo chất bán dẫn đầu tiên
Ấn Độ chuẩn bị xây dựng nhà máy chế tạo chất bán dẫn, sản xuất chip phục vụ cho các ứng dụng quân sự và viễn thông quan trọng…
Ấn Độ và Hoa Kỳ mới đây đã ký thỏa thuận thành lập một nhà máy chế tạo chất bán dẫn để sản xuất chip trong "an ninh quốc phòng, công nghệ viễn thông và các ứng dụng năng lượng xanh" - Ảnh minh hoạ.
Các trang tin quốc tế đánh giá cơ sở này không chỉ đánh dấu nhà máy bán dẫn đầu tiên của Ấn Độ mà còn là một trong những nhà máy bán dẫn tiên phong tập trung lĩnh vực quốc phòng trên toàn thế giới. Trong khi đó, các trang tin tức địa phương Ấn Độ khẳng định kế hoạch này là bước ngoặt lớn cho tham vọng của Ấn Độ phát triển từ một "quốc gia sử dụng chip" thành một "nhà sản xuất chip".
Lần đầu tiên quân đội Mỹ tham gia dự án công nghệ cao với Ấn Độ
Được biết, nhà máy chế tạo chip được đặt tên Bharat Semi Fab, sẽ tập trung vào các công nghệ bán dẫn tiên tiến cho an ninh quốc phòng và các lĩnh vực quan trọng khác.
Nhà máy sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất chất bán dẫn hợp chất như gali nitride và silicon carbide có hiệu suất vượt trội so với chất bán dẫn silicon truyền thống, đặc biệt là trong các ứng dụng nhiệt độ cao và điện áp cao.
Tham gia dự án có Chính phủ Ấn Độ, hai công ty thiết kế chip của Ấn Độ là Bharat Semi và 3rdiTech, đặc biệt có sự tham gia của quân đội Mỹ vào quan hệ đối tác công nghệ với Ấn Độ – Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ. Thông tin này khiến các nhà phân tích đánh giá quan hệ đối tác này có tầm quan trọng ngang với thỏa thuận hạt nhân dân sự Ấn Độ-Mỹ năm 2008, coi đây là bước nhảy vọt trong ngoại giao công nghệ giữa hai nước.
Nhà máy được cho sẽ vừa củng cố cơ sở hạ tầng an ninh của Ấn Độ đồng thời giải quyết nhu cầu các ứng dụng thương mại, hỗ trợ cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu, viễn thông và năng lượng tái tạo ngày càng tăng của hai quốc gia.
Thực hiện hoá mục tiêu "Ấn Độ tự lực" của thủ tướng Ấn Độ
Trước đây, Ấn Độ là quốc gia chủ yếu tập trung vào thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn, không có khả năng sản xuất chip trong nước. Tuy nhiên, Bharat Semi Fab sẽ thay đổi câu chuyện này.
Việc thành lập nhà máy được coi là bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu đưa Ấn Độ tự lực bán dẫn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thực hiện hoá tầm nhìn của Thủ tướng Modi về Atmanirbhar Bharat (Ấn Độ tự lực) nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng đặt ra nhiều kỳ vọng đối với ngành bán dẫn của đất nước, một trong những mục tiêu lớn nhất là phát triển ngành điện tử của đất nước từ 155 tỷ USD hiện nay lên 500 tỷ USD vào năm 2030. Khi đó, các nhà phân tích có nhiều quan điểm trái ngược nhau về việc liệu mục tiêu có thực tế hay không, tuy nhiên, tất cả họ đều đồng ý về một điều: Ấn Độ không thể tự mình đạt được mục tiêu này. Và với sự giúp sức của Mỹ, có thể con số này không còn là điều xa vời với ẤN Độ.
Theo tờ Financial Express, quốc gia này hiện đang nhập khẩu 1 tỷ USD chất bán dẫn hàng năm cho lĩnh vực an ninh quân sự. Quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ dự kiến sẽ định vị Ấn Độ trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint đánh giá nhà máy sản xuất bán dẫn của Ấn Độ đi vào vận hành sẽ nâng vị thế của Ấn Độ trong hệ sinh thái bán dẫn, không chỉ là một thị trường mà còn là một trung tâm sản xuất và công nghệ.
Trên quy mô toàn cầu, quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn, trong bối cảnh những thách thức địa chính trị đang ngày càng gia tăng. Bằng cách mở rộng dấu chân sản xuất, mối quan hệ hợp tác này cung cấp nhiều lựa chọn nguồn cung hơn cho các ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, quốc phòng và viễn thông.
Đài Loan hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 44% thị phần toàn cầu, tiếp theo là Trung Quốc (28%), Hàn Quốc (12%), Hoa Kỳ (6%) và Nhật Bản (2%), theo dữ liệu từ công ty tư vấn Trendforce của Đài Loan.