Hướng đi mới giải cứu Android

09:27, 24/04/2012

Sau khi bị nhiều hãng sản xuất thiết bị di động và máy tính bỏ rơi, Android nay lại tìm được hướng đi mới ở các thiết bị công nghệ khác. Google dường như đang tìm được tương lai mới cho Android.

 

Android, chiến lược rắn trăm đầu

 

Android là hệ điều hành (HĐH) cho di động nổi tiếng trên thế giới với lượng thiết bị được kích hoạt chiếm số lượng áp đảo. Theo GSMArena, trong vài năm sắp tới, nếu như không có sự can thiệp của Windows Phone, chắc chắn Android có thể lập kỷ lục thế giới mới về số lượng sản phẩm chạy trên nền tảng HĐH này. “Ngay cả khi Windows Phone tạo ra những cản trở nhất định thì Android dường như vẫn chưa thể gặp các khó khăn đáng kể bởi hướng phát triển mà Google xây dựng cho Android đã giúp ngăn cản các khó khăn ấy”.

 

Vốn được xây dựng cho điện thoại thông minh (smartphone) nhưng Google không bó buộc HĐH này mà mở rộng cho bất kỳ ai cần đến nó. Đó là nguyên nhân khiến Android sau khi được công bố đã nhanh chóng thu hút các nhà sản xuất ĐTDĐ trên toàn thế giới. Google đã cung cấp toàn bộ mã nguồn của Android cho các đối tác một cách công khai và các đối tác có thể tùy nghi cải biến, chỉnh sửa hệ điều hành này cho phù hợp với yêu cầu sử dụng của mình. Điều đáng nói là ngay cả Google cũng không biết rõ các đối tác kia là…những ai”, một chuyên gia nhận định.

 

“Điều này khiến Android cũng giống như Typhon trong truyền thuyết Hy Lạp với hàng trăm đầu rắn khác nhau”, tác giả trên GSMArena nhận định tiếp. Thực tế Android có tới hàng chục hoặc hàng trăm phiên bản khác nhau cho mỗi loại thiết bị di động khác nhau. Về căn bản Android trên mọi loại thiết bị di động đều giống nhau nhưng đi sâu vào chi tiết thì mỗi dòng thiết bị dùng Android lại có một vài điểm đặc trưng riêng phù hợp với thiết kế của các nhà sản xuất thiết bị đó. Điều mà các hệ điều hành khác không làm được”.

 

Sự phân mảnh?

 

Người ta đang lo ngại Android trong tương lai có thể bị phân mảnh. Tuy thế, tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) 2012 diễn ra ở Las Vegas, chủ tịch điều hành Eric Schmidt của tập đoàn Google đã định nghĩa lại quan điểm về sự “phân mảnh” của Android, theo đó, “sự khác biệt là điều tích cực, nhưng phân mảnh lại là tiêu cực. Bạn có thể hiểu rằng khi có sự khác biệt, bạn sẽ có cơ hội lựa chọn giữa những sản phẩm chạy Android khác nhau. Các nhà sản xuất cũng vậy, họ sẽ phải cạnh tranh để tạo ra sự đột phá, sử dụng Android hiệu quả nhất cho sản phẩm của họ, và nỗ lực thuyết phục người dùng rằng sản phẩm Android do họ tạo ra tốt hơn của hãng khác.”.


“Sự phân mảnh nghĩa là một ứng dụng chạy trên thiết bị Android này nhưng lại không thể hoạt động ở thiết bị Android khác, và rõ ràng điều này không chính xác đối với nền tảng Android và dù hiện nay đang tồn tại sự khác biệt giữa các thiết bị Android với nhau, song điều đó không có nghĩa là nền tảng này bị “phân mảnh”, chủ tịch Google kết luận.

 

Tuy thế, dường như lời trấn an của chủ tịch Google vẫn chưa giúp Android thoát khỏi một thực tế nghiêm trọng là Android đang bị “thất sủng”. Nguyên nhân của sự việc này đến từ chỗ, “sự khác biệt giữa các thiết bị cài Andriod là giao diện phong phú và do mỗi nhà sản xuất “chế tạo” riêng để tích hợp vào hệ điều hành mã nguồn mở này” điều ấy khiến người sử dụng ngỡ ngàng với các thiết bị của hãng khác mặc cho nó cũng dùng Android. Điều này khiến cho người dùng có thể mang theo các ác cảm từ một sản phẩm của thương hiệu này qua sản phẩm của thương hiệu khác. Thực tế đã chứng minh cho thấy khi điều tiếng từ các smartphone chạy Android của các hãng Trung Quốc đang khiến các tên tuổi lớn trong làng điện thoại vạ lây”, Engadget nêu ví dụ.

 

Hướng đi giải cứu

 

Mặc dù vẫn đang trong đà phát triển nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy tốc độ tiến lên của Android đang chậm lại. “Lượng sản phẩm dùng Android đang giảm và chuyển hướng về Trung Quốc với các model giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, doanh thu của kho phần mềm chạy trên Android cũng không cao tương xứng như tầm cỡ của nó cũng khiến Android không còn được các hãng công nghệ săn đón. Điều này lý giải tại sao trong năm 2012, Android khá im ắng trong các kế hoạch mới của các đại gia trong mối tương quan so với Windows Phone 8 của Microsoft”, SlashGear kết luận.

 

“Có thể các hãng công nghệ đang muốn bỏ qua Android một thời gian để tìm cảm hứng mới với Windows Phone nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Google bị sốc trước sự thờ ơ này”, tác giả trên MarketWatch đặt câu hỏi. Tuy thế, có vẻ như vấn đề trên không quá nghiêm trọng bởi Android đang có hướng đi mới khá ấn tượng, đó là tích hợp trên các thiết bị điện tử gia dụng, dân dụng. “TV thông minh nền tảng Android, DVD player nền tảng Android, lò vi sóng nền tảng Android, đầu HD nền tảng Android hay thậm chí máy in, máy photocopy, tai nghe nền tảng Android… Tất cả các sản phẩm này đang có những bước phát triển mạnh trong năm 2012, năm mà Android gặp nhiều khó khăn trong các thị trường truyền thống”.

 

Có vẻ Google đã “nhìn thấy” viễn cảnh này khi họ quyết định bỏ ra 12.5 tỷ USD để mua Motorola Mobility để trải nghiệm các khả năng tối ưu hệ điều hành trên các phần cứng cụ thể bên cạnh việc sở hữu kho bản quyền phát minh khổng lồ. Android đang chuyển hướng.

 

Nhím

TIN LIÊN QUAN