Iron 3: Những bí mật vừa được tiết lộ
10:00, 30/06/2013
Các hình ảnh do máy tính tạo ra (CGI) đã được sử dụng cho phim trường từ hàng thập kỷ qua, nhất là những bộ phim có dính dánh tới yếu tố nhân tạo như Người sắt.
Gizmodo (GIZ) đã có cuộc phỏng vấn với một số nhân vật điều hành chủ chốt xử lý công đoạn đồ họa của bộ phim “bom tấn” này. Những người này bao gồm Shane Patrick Mahan và Lindsay MacGowan của hãng Legacy Effects (từng thực hiện các phim Terminator 2, Avatar, và Monster Squad) và Chris Townsend, người giám sát hiệu ứng của Người sắt 3.
Các vị có nghĩ là với Người sắt 3, chúng ta đang tiến xa hơn so với những gì mà CGI có thể thực hiện với Avatar hay không? Liệu trong tương lai, các hiệu ứng thực tế có còn được duy trì hay không, hay tất cả đều được thực hiện trên máy tính?
Shane Patrick Mahan
Shane Patrick Mahan: Nếu nói về vấn đề này thì trước đây luôn có những bộ phim hoạt hình đi trước thời đại. Ngay cả khi Kẻ hủy diệt (Terminator) được thực hiện ở những năm 80 (thế kỷ XX) thì trước đó đã có phim hoạt hình về chủ đề này mà ngày nay chúng ta gọi chúng với cái tên hoạt họa CGI. Avatar là một ví dụ hoàn toàn khác bởi chúng được dựng hầu hết bằng kỹ thuật máy tính trong môi trường CGI hoàn toàn trên hành tinh Pandora xa lạ. Tuy nhiên, ngay cả trong Avatar chúng tôi cũng tạo ra các chi tiết thật như bộ giáp chỉ huy, một số thiết bị bay, các vật dụng trong nhà và ngoài trời và nói chung đó là công việc hoàn toàn khác biệt.
Lindsay MacGowan: Tôi nghĩ, chúng ta luôn muốn tạo ra những thứ thần kỳ cho khán giả và các tốt nhất là sử dụng hiệu ứng. Khán giả ngày nay khá khó tính, do vậy bạn cần tạo ra những hiệu ứng mà trước đó chưa có để khi xem họ phải trầm trồ thán phục.
GIZ: Các thiết bị được sử dụng để tạo ra CGI trong Người sắt 3 bao gồm những gì (chương trình và nền tảng điện toán)?
Chris Townsend: Mặc dù ngành công nghiệp này đang phát triển vượt bậc và Người sắt 3 có những hiệu ứng và đồ họa máy tính suất sắc nhưng về cơ bản chúng tôi đang áp dụng những kỹ thuật tiên tiến hơn là mang tính cách mạng. Công đoạn xử lý hiệu ứng đồ họa (VFX) được thực hiện bởi 17 công ty khác nhau tại 6 quốc gia và chúng tôi vẫn dựa chủ yếu trên các chương trình 2D, tất nhiên phần mềm 3D cũng được sử dụng nhưng không nhiều. Do yêu cầu của công việc, chúng tôi cần những công cụ đặc biệt để tạo ra những hình ảnh ấn tượng, từ mảnh vỡ, động cơ, các giải pháp kết cấu nhân vật phức tạp hoặc việc tạo bóng phải chính xác cho nhân vật và môi trường đồ họa. Có nhiều công ty VFX làm việc với chúng tôi sử dụng các công cụ đặc dụng của họ, được thiết kế riêng cho môi trường làm việc lớn, cho nhiều nhân vật mà bộ phim cần tới, hoặc cho các quy trình xử lý khuôn mặt đặc biệt để dựng lên nhân vật hoàn toàn số.
Có bao nhiêu cảnh CGI được thực hiện trong phim, và những nhân tố nào ảnh hưởng tới quyết định sử dụng các cảnh quay thực tế thay vì cảnh CGI và ngược lại?
Chris Townsend: Iron Man có khoảng hơn 2.000 cảnh quay có hiệu ứng đặc biệt do hơn 1.200 kỹ sư VFX và nhóm sản xuất thực hiện. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra những thứ thực nhất khi có cơ hội nhưng hầu hết đều phải xử lý trên máy tính mới cho ra những thước phim ý nghĩ, sáng tạo, tiết kiệm thời gian và phù hợp hơn với kỳ vọng của người xem. Kỹ thuật số cũng cho phép đạo diễn được tự do sáng tạo, nghĩ những cái mới, cái khác thường và phần lớn công việc được thực hiện ở dạng hậu kỳ. Những quyết định thường được đưa ra sau khi bộ phim đã được bấm máy gần xong. Trên thực tế, có những thứ mà chúng ta khó có thể quay ngoài thực tế, chẳng hạn như cảnh ngôi nhà phát nổ, xới tung cả ngọn đồi, hoặc cảnh tàn phá cả thành phố hay cảnh các màn hình giao tiếp cảm ứng của bộ giáp khi người mặc đang bay trên trời. Riêng cảnh sụp đổ của ngôi nhà, chúng tôi vừa phải thực hiện các hiệu ứng mô phỏng bên ngoài và bên trong ngôi nhà. Bụi và các mảnh vỡ trên thực tế đã được bổ sung nhiều bởi hiệu ứng đồ họa nhằm tạo thêm sự ấn tượng.
Hầu hết các cảnh quay với Người sắt, diễn viên chỉ mặc phần trên của bộ giáp. Những phần còn lại đều do máy tính tái tạo, và điều này cho phép bộ giáp tạo ra những thứ mà trên thực tế không thể làm được nhằm tăng hiệu quả hoạt động và trông chúng bắt mắt hơn.
Đối với những cảnh quay không thể thực hiện trong thực tế, sẽ có những cảnh nhỏ hơn được dựng lên màn hình lớn ở phim trường. Và mặc dù môi trường hoàn toàn ảo nhưng những cảnh quay đều dựa trên ảnh thực tế, và các xen cảnh đều là những cảnh quay thật nhiều nhất có thể. Nguyên tắc của chúng tôi là nếu diễn viên tương tác với một thứ gì đó thì cái đó nên càng thật càng tốt. Máy quay càng thu nhận được nhiều hình ảnh thực tế thì công việc xử lý sau đó càng dễ dàng hơn, và công việc cuối cùng cần làm chính là xử lý đồ họa để mọi thứ trông thật hơn.
Cảnh Người sắt chiến đấu trên không trung thực sự ấn tượng, ông có thể tiết lộ thêm về việc thực hiện cảnh quay này không?
Chris Townsend: Chúng tôi sớm nhận ra rằng để có được kết quả tốt nhất thì tốt hơn hết là bắt đầu từ thực tế, trông càng thực càng tốt. Chúng tôi muốn người xem cảm nhận được hành động, nhất là cảnh rơi tự do từ trên trời xuống và nỗi sợ hãi đi kèm. Chính vì vậy mà chúng tôi đã thảo luận tới khả năng cho đội bay dù trên không trung “rơi ngoài khả năng kiểm soát” thay vì cố tái tạo những cảnh đó trên màn hình dựng. Và trên thực tế cảnh quay này là thực chứ không phải được tạo dựng hoàn toàn trên máy tính. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp nhiều thử thách bởi trên thực tế cảnh quay phải thực hiện nhiều ngày, trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, ở nhiều độ cao khác nhau và các diễn viên phải mang theo dù. Cảnh quay được thực hiện trên độ cao 9km trên mặt biển Floridia.
Chúng tôi phải tạo dựng hình ảnh của từng diễn viên trên không trung trong tất cả các cảnh quay, rồi sau đó thay hình nền bằng các bản vẽ số nhằm tạo ra môi trường cảnh quay mới nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác độ cao, đồng bộ về ánh sáng và cảnh mở dù phải là thật. Trong khoảng một tuần, các diễn viên phải nhảy dù 10 lần một ngày, và đội thực có khoảng 15 người đã làm tốt công việc này. Sau khi thu được cảnh quay, chúng tôi bắt đầu công việc thay thế hình nền, cân bằng ánh sáng và bổ sung thêm các hiệu ứng nổ máy bay, đám mây, mảnh vụn, và thay hình ảnh Người sắt do diễn viên nhảy dù thực hiện bằng hình ảnh do máy tính tạo ra.
Gia Nguyễn (Theo GIZ)