IS quyết chiếm bằng được Kobane
Bất chấp những cuộc không kích ác liệt của Mỹ và liên quân, ngày 20/10, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố sẽ chiếm bằng được thành phố chiến lược Kobane.
- IS bị tấn công dồn dập
- Đồng loạt tấn công IS ở Kobane
- IS tung “độc chiêu” và mở rộng cuộc chiến
- IS vẫn mạnh lên và hướng đến “vũ khí hạt nhân”
- “Góa phụ trắng” - nữ sát thủ IS bị truy nã gắt gao
- “Thế khó” của Mỹ trong cuộc chiến chống IS
- IS hành quyết 300 binh sỹ Iraq, chuẩn bị tấn công tàu điện ngầm ở Mỹ, Pháp
- TQ tấn công “khủng bố IS” ở Tân Cương, 50 người chết
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
Tuyển bố chiếm bằng được Kobane
Trong đoạn video phát trên một trang có liên hệ với IS, các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức này tuyên bố đã chiếm được trung tâm thành phố và nhiều tòa nhà, trong đó có Trung tâm Văn hóa Kobane, theo VietnamPlus.
Giao tranh dữ dội ở thị trấn Kobane trong nhiều ngày qua.
"Chúng tôi vẫn giữ quyết tâm bất chấp các chiến đấu cơ, liên minh quốc tế và các vụ oanh tạc. Hiện tinh thần của chúng tôi đang ở mức cao nhất. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi giành được Kobane." - Một tay súng IS trong đoạn băng khẳng định.
Trong khi đó, một tay súng khác tuyên bố các vụ không kích suốt ngày đêm của liên quân sẽ chỉ giúp củng cố thêm quyết tâm của IS.
IS tấn công Kobane vào ban đêm
Tối qua (20/10), giao tranh dữ dội đã bùng nổ ở phía bắc thị trấn Kobane của Syria sau hai ngày tương đối yên tĩnh, TTO cho hay.
Các vụ nổ lớn mở màn cuộc tấn công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tối hôm qua. Tiếp nối là các cuộc tấn công nhỏ và cuối cùng là sự tham chiến của một chiếc máy bay, trang tin tức BBC mô tả.
Giao tranh nổ ra ngay sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cho các chiến binh người Kurd vượt biên giới để vào tham chiến chống IS ở Syria. Trong hai ngày trước đó, tình hình khá yên tĩnh ở Kobane, khiến nhiều người cho rằng lực lượng người Kurd tại đây đang dần giành lại quyền kiểm soát thị trấn.
Trong khi đó ở Iraq, IS cũng tăng cường tấn công vào các lãnh thổ của người Kurd xung quanh đập Mosul, núi Sinjar. Một nguồn tin an ninh Iraq cho biết phiến quân IS đang bao vây khoảng 700 gia đình người dân tộc thiểu số Yazidi tại vùng núi Sinjar, nằm ở phía Tây tỉnh Mosul.
Người đứng đầu Hội đồng tinh thần của cộng đồng thiểu số này, ông Tahsin Ali Saeed cho biết, tính tới nay, 5.000 người Yazidi đã bị IS sát hại, 7.000 người khác bị bắt cóc và 350.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại khu vực Kurdistan ở miền Bắc Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Và “ra tay” ở Thổ Nhĩ Kỳ
Theo trang TPO, một vụ “bắt cóc hụt” chỉ huy hàng đầu của lực lượng nổi dậy Syria trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn “hoạt động an toàn” bên trong các quốc gia NATO, làm dấy lên câu hỏi: Liệu Ankara đã sẵn sàng ra tay với phiến quân hay chưa?.
Ông Abu Issa - chỉ huy của nhóm nổi dậy Syria Thuwar Raqqa, vừa bị thương trong một vụ bắt cóc hụt do IS thực hiện tại thị trấn Urfa của Thổ Nhĩ Kỳ, báo Anh The Telegraph đã đưa tin ngày 20/10.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đẩy mạnh hỗ trợ cho liên minh quốc tế chống IS. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn từ chối sử dụng quân đội riêng của mình hoặc thậm chí cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh Adana gần đó để không kích IS.
Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận hỗ trợ người Kurd ở Kobane
Cũng hôm qua (20/10), Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự thay đổi lớn trong lập trường của mình khi cho phép người Kurd Iraq hỗ trợ người Kurd Syria đang chiến đấu chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thị trấn chiến lược giáp biên giới Kobane, trang GDVN cho hay.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn khoanh tay đứng nhìn Kobani rơi vào tay IS. Hơn nữa, Washington đã yêu cầu Ankara giúp đỡ cho phép dân quân người Kurd hoặc các nhóm khác vào Kobane để bảo vệ thị trấn.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sẽ cho phép các tay súng người Kurd tăng cường lực lượng ở Kobane. Và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa nhiều xe tăng lên những ngọn đồi nhìn xuống Kobane, nhưng từ chối giúp đỡ lực lượng người Kurd trên mặt đất nếu không có một thỏa thuận rộng hơn với các đồng minh của NATO trong việc can thiệp nội chiến Syria. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, “cần có hành động chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vừa phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, nước này đang tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng dân quân người Kurd đi qua, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Bình luận về động thái trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ cho người Kurd và động thái tiếp viện này không làm thay đổi sách lược của Mỹ. Nếu quân tiếp viện được phép tới Kobane, nó có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến tại đây và sẽ đem lại những tác động tích cực cho trận chiến cũng như tinh thần chiến đấu của dân quân người Kurd Syria.
Thanh Trà (tổng hợp)