Khi mạng xã hội trở thành “chất gây nghiện” tinh thần: Cảnh báo từ giới chuyên gia

15:18, 19/05/2025

Một lượt thích, bình luận, một chia sẻ trên mạng xã hội không chỉ đơn thuần là tương tác, mà là “phần thưởng kích thích não bộ giống như một liều dopamine”...

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về sức khỏe số dành cho thanh thiếu niên ngày 18/5 vừa qua, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, thành viên Hiệp hội tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, thừa nhận rằng một lượt thích, một bình luận, một chia sẻ trên mạng xã hội không chỉ đơn thuần là tương tác, mà là “phần thưởng kích thích não bộ giống như một liều dopamine”. Điều đó cho thấy mạng xã hội có khả năng gây nghiện cao như thế nào.

Một thống kê về tỷ lệ các loại nghiện trên toàn cầu cho thấy mặc dù nghiện rượu, ma túy hay đánh bạc thường được nhắc đến nhiều, nhưng Internet mới là hình thức có thể gây nghiện phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt trong giới trẻ, khi có tới 90% trẻ em và 65% người lớn có dấu hiệu phụ thuộc vào Internet. Điều này cho thấy sự lệ thuộc vào thiết bị và không gian mạng đang là vấn đề xã hội đáng lo ngại.

Ngày 18/5/2025, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD United Way Việt Nam) phối hợp cùng nền tảng TikTok đã tổ chức Tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số” với mục tiêu hướng tới hướng tới thúc đẩy một không gian số an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam. Sự kiện được tổ chức Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và Tháng Hành động quốc gia vì trẻ em 2025. 

Tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số”

Những lượt thích, bình luận trên mạng xã hội giống như "liều Dopamine" gây nghiện 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo và công nghệ số phát triển như vũ bão, giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội. Nhưng đằng sau những cú lướt tay vô hại ấy là một vòng xoáy tâm lý phức tạp và khó kiểm soát hơn nhiều người tưởng.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi tham gia vào không gian mạng, mọi người đều nhận thấy những lợi ích to lớn mà công nghệ mang lại, như nâng cao nhận thức, mở rộng kết nối xã hội và cung cấp nguồn thông tin phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích này, cũng tồn tại không ít thách thức. 

Theo số liệu thống kê tại Việt Nam vào tháng 2/2025, dân số Việt Nam khoảng 101 triệu người, với 127 triệu thiết bị di động được sử dụng và 79,8 triệu người kết nối Internet. Đặc biệt, có tới 76,2 triệu người Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội, chiếm 75,2% tổng dân số. Thời gian trung bình người Việt Nam sử dụng Internet đã giảm xuống còn 6 tiếng 5 phút mỗi ngày, so với con số 6 tiếng 30 phút đến 6 tiếng 35 phút của những năm trước. Hiện tại, Facebook, Zalo và TikTok là ba nền tảng mạng xã hội được người dùng Việt Nam sử dụng  nhiều nhất, với các tỷ lệ tương ứng là 89,6%, 86,6% và 80,9%. 

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết những nghiên cứu dài hạn từ những năm 2000 đã chỉ ra rằng việc dành quá nhiều thời gian cho Internet và các thiết bị công nghệ có mối tương quan với nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt ở thế hệ Gen Z và Gen Alpha. “Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều em đã tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, thậm chí từ 2 tuổi, sống song song giữa thế giới thực và thế giới ảo”, PGS.TS Trần Thành Nam nói. Theo đó, một số vấn đề sức khỏe phổ biến bao gồm các bệnh về mắt, cơ xương khớp ngày càng gia tăng, như tình trạng tê tay do cầm điện thoại trong thời gian dài hoặc tư thế ngồi, nằm không đúng khi sử dụng thiết bị. 

PGS.TS Trần Thành Nam

"Thế hệ trẻ hiện nay biết rất nhiều thứ nhờ tiếp cận thông tin đa dạng trên mạng, nhưng lại thiếu định hướng rõ ràng về tương lai. Nhiều bạn học sinh cấp hai, cấp ba, khi được hỏi “5 năm nữa em muốn trở thành ai?”, thường không thể trả lời rõ ràng về định hướng nghề nghiệp".

“Những vấn đề này không hề nhỏ, và khi so sánh với các quốc gia xung quanh, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến lối sống công nghệ ở thanh thiếu niên Việt Nam dường như đang ở mức đáng báo động”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Các nghiên cứu về thần kinh học cho thấy rằng phần thưởng mà chúng ta nhận được từ mạng xã hội – như lượt thích, bình luận, chia sẻ – kích hoạt cơ chế tương tự như khi sử dụng một số chất gây nghiện, chẳng hạn như cocaine. Điều này giải thích tại sao các bạn trẻ dễ bị cuốn vào không gian số, nơi mang lại cảm giác thỏa mãn tức thì, mạnh mẽ hơn nhiều so với các tương tác trong đời thực.

Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh trong khi công nghệ mang lại nhiều lợi ích, việc sử dụng không kiểm soát có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Các nghiên cứu thần kinh học cho thấy trẻ 6 tuổi có thể tập trung có chủ đích khoảng 15–20 phút, còn chú ý không chủ đích kéo dài 1 phút 30 giây đến 2 phút.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã ghi nhận thời gian chú ý không chủ đích chỉ còn 12 giây, và đến năm 2020 giảm xuống còn 8 giây, ngay cả với nội dung hấp dẫn. Thời gian chú ý có chủ đích hiện cũng giảm, chỉ còn 11–15 phút. Điều này phản ánh sự suy giảm kiên nhẫn và xu hướng đọc lướt của trẻ em trong thời đại số.

Việc giao tiếp nhanh và đọc lướt khiến các bạn trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch. Chỉ cần một phần thông tin có vẻ đúng, các bạn đã vội tin mà không kiểm chứng, dẫn đến nguy cơ trở thành nạn nhân hoặc vô tình lan truyền thông tin sai lệch. 

Một vấn đề khác là thế hệ trẻ hiện nay biết rất nhiều thứ nhờ tiếp cận thông tin đa dạng trên mạng, nhưng lại thiếu định hướng rõ ràng về tương lai. Nhiều bạn học sinh cấp hai, cấp ba, khi được hỏi “5 năm nữa em muốn trở thành ai?”, thường không thể trả lời rõ ràng về định hướng nghề nghiệp.

Một phần nguyên nhân là do sự lan truyền của những quan điểm chủ quan trên mạng, ví dụ như các ý kiến cho rằng một số nghề sẽ biến mất trong tương lai. Những thông tin này không phải lúc nào cũng mang tính khoa học, nhưng lại dễ ảnh hưởng đến tâm lý của các bạn trẻ, khiến các bạn hoang mang về con đường mình chọn.

Nhiều học sinh bối rối, không biết đâu là đúng, đâu là sai khi sử dụng mạng xã hội 

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững MSD, cho rằng an toàn số không chỉ đơn thuần là biết cách sử dụng công nghệ, mà còn là khả năng bảo vệ bản thân trước những rủi ro trên môi trường mạng, như bắt nạt trực tuyến, lừa đảo qua mạng, hay những thông tin sai lệch. Sức khỏe số không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát thời gian sử dụng mạng, mà còn liên quan đến việc chúng ta lắng nghe chính mình, nhận thức được những suy nghĩ, mong muốn tích cực, và cảm thấy rằng mình đang đi đúng hướng, không bị bối rối hay áp lực. 

“Vấn đề an toàn số và sức khỏe số không phải là lần đầu tiên chúng ta đề cập, nhưng qua những tâm sự của các em học sinh, chúng tôi nhận thấy các em vẫn còn rất nhiều trăn trở”, bà Nguyễn Phương Linh nói. “Các em chia sẻ tham gia mạng xã hội vì niềm vui, vì học tập, hay đơn giản là vì bạn bè cũng sử dụng, nhưng đôi khi các em cảm thấy bối rối, không biết đâu là đúng, đâu là sai”. 

Em N.V, trẻ lớp Trẻ Điếc 5C, đại diện cho các bạn học sinh khuyết tật, chia sẻ tại Tọa đàm

Việc các em học sinh lo lắng khi bị so sánh với người khác, cảm thấy áp lực, thậm chí bị lệ thuộc vào mạng xã hội đã không còn là những trường hợp cá biệt mà ngày càng phổ biến.

Nghiên cứu của Viện MSD năm 2024 nhận thấy nhiều em chia sẻ gặp khó khăn trong việc phân biệt thông tin đúng hay sai trên mạng. “Có quá nhiều xu hướng, quá nhiều nội dung tích cực xen lẫn với những nội dung tiêu cực, khiến các em bối rối không biết nên theo đuổi xu hướng nào, dừng lại ở đâu, hay làm thế nào để hành động đúng đắn”, Viện trưởng Viện MSD cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam đã có một hành lang pháp lý rõ ràng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các chiến dịch truyền thông như chương trình “vắc-xin số” để trang bị kỹ năng cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo các khảo sát, phụ huynh, đặc biệt là những người ở độ tuổi từ 35 đến 45, thường sử dụng các nền tảng như Facebook hay Zalo, trong khi các em thiếu niên lại hoạt động tích cực trên những nền tảng khác, như TikTok. Sự khác biệt này tạo ra một khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, khiến việc thấu hiểu lẫn nhau trở nên khó khăn hơn.

"Các em rất cần sự đồng hành và chia sẻ từ cha mẹ, không chỉ để quản lý thời gian sử dụng mạng mà còn để xây dựng mối quan hệ gần gũi trong đời thực", bà Nguyễn Thị Nga nói. "Các em có thể có hàng trăm mối quan hệ trên mạng, nhưng trong đời thực lại cảm thấy cô đơn".

Một điểm đáng chú ý là hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phát triển các công cụ kỹ thuật nhằm hỗ trợ phụ huynh kiểm soát thời gian và nội dung mà con em mình truy cập trên mạng. Tuy vậy, không ít cha mẹ vẫn chưa biết đến hoặc chưa sử dụng những công cụ này một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhà trường đã bắt đầu tích hợp kỹ năng an toàn số vào chương trình học, trong khi trước đó, phần lớn học sinh chỉ tự học hoặc học từ bạn bè.

Nếu phụ huynh không thường xuyên cập nhật kiến thức và thiếu sự chia sẻ với con, việc đồng hành cùng trẻ trong môi trường số sẽ gặp nhiều khó khăn. Đáng lo ngại hơn, đã có những trường hợp trẻ bị bạo lực hoặc xâm hại trên mạng mà cha mẹ chỉ phát hiện ra khi hậu quả đã trở nên nghiêm trọng.