Khó thực hiện các DV công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2016

08:52, 13/12/2015

Tai phiên họp Hội đồng CIO của cơ quan Nhà nước lần 2, các CIO đều tỏ ra quan ngại về việc khó có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2016.

 

CIO co quan nha nuoc 1


Bộ TT&TT đã tổ chức Phiên họp Hội đồng CIO của cơ quan Nhà nước lần 2 năm 2015. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng – Chủ tịch Hội đồng - chủ trì phiên họp. Tham dự có các CIO đến từ các cơ quan Bộ, ngành vào ngày 11/12/2015, tại Hà Nội.

Tại phiên họp, đại diện Cục Tin học hóa – cơ quan thường trực của Hội đồng Giám đốc CNTT – đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành đến năm 2020 dựa trên Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nổi bật là trách nhiệm cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngay trong năm 2016 hướng tới mục tiêu: Giảm thời gian, số lần trong năm người dân, doanh nghiệp phải trực tiếp đến cơ quan Nhà nước thực hiện thủ tục hành chính và 30% hồ sơ thủ tục hành chính phải được xử lý trực tuyến mức độ 4.
 
Cho ý kiến về nội dung trên, Giám đốc CNTT (CIO) các Bộ, ngành đều tỏ ra quan ngại về việc khó có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngay trong năm 2016. Đại diện Cục CNTT - Bộ Y tế cho biết Bộ này hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối quản lý khám chữa bệnh với thanh toán bảo hiểm y tế. Hiện nay, cả nước có 1.200 bệnh viện, trong đó có 749 bệnh viện tuyến huyện và 12.000 trạm y tế xã.
 
Đồng thời, Cục Tin học hóa cũng báo cáo với các thành viên Hội đồng Giám đốc CNTT tình hình sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Theo đó, tình hình sử dụng các văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước ngày càng đi vào nề nếp. Trong năm 2015, tỷ lệ văn bản trao đổi hỗn hợp điện tử kèm văn bản giấy trong hoạt động nội bộ của các Bộ, ngành, Chính phủ đạt 59%, tại địa phương là 48%. Tỷ lệ văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của các Bộ, ngành là 97%, của các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương là 75%. Trên trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp đầy đủ ở mức độ 1, 2. Các dịch vụ ở mức độ 3, 4 đang được chú trọng đầu tư và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa cũng chỉ ra một số hạn chế của việc thực hiện Chỉ thị 15, đáng lưu ý là số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đưa vào giao dịch thực tế phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa cao. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp.
 
Đại diện Cục Tin học Thống kê - Bộ Tài chính cũng nêu ra một số trở ngại mà nhiều cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đang vấp phải khi sử dụng văn bản điện tử. Đó là các lực lượng công an hay quản lý thị trường khi tiến hành thanh kiểm tra vẫn yêu cầu phải xuất trình văn bản giấy, do đó lại phải thêm một khâu nữa là in văn bản điện tử ra văn bản giấy để cơ quan chức năng kiểm tra.

Một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Phiên họp là tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Theo đánh giá và khảo sát của Cục Tin học hóa, hiện nay cách thức triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được thực hiện theo 3 cách: Được Bộ chuyên ngành triển khai đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương (Bộ Kế hoạch Đầu tư với dịch vụ đăng ký kinh doanh); Các địa phương tự triển khai riêng lẻ, không đồng bộ (khai sinh, đăng ký tạm trú, tạm vắng…); Cả Trung ương và địa phương cùng triển khai.
 
Ông Nguyễn Như Sơn – Giám đốc Trung tâm Tin học -  Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ: Hệ thống đăng ký kinh doanh đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư triển khai hơn 10 năm nay và đã đạt được những thành công bước đầu. Ông Nguyễn Như Sơn cho rằng việc triển khai dịch vụ theo phương thức tập trung có những lợi thế không thể phủ nhận như: Chi phí đầu tư không quá lớn, việc vận hành, triển khai và chia sẻ thông tin dễ dàng. ..
 
Còn ông Lương Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm thông tin - Bộ Ngoại giao cho biết: Bộ này đang cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến được đánh giá cao trong mảng lãnh sự và lễ tân tại Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ TP.HCM và 95 cơ quan đại diện ngoại giao. Các dịch vụ này được cung cấp theo cả hai phương thức: Tập trung và phân tán.
 
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao các ý kiến tham góp ý kiến của các CIO đến từ các Bộ, ngành liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, kết nối liên thông văn bản, thuê dịch vụ CNTT.... Riêng về vấn đề an toàn thông tin, Thứ trưởng chỉ đạo Cục An toàn thông tin, VNCERT phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức hội thảo chuyên đề về an toàn thông tin trong thời gian sắp tới trong bối cảnh an toàn thông tin đang trở thành vấn đề bức xúc của cả Việt Nam và thế giới.