Kinh nghiệm chụp ảnh Panning
Panning là phương pháp chụp lia máy là một phương pháp chụp ảnh đã được sử dụng rất lâu và giúp người chụp có được những hiệu ứng khá thú vị do hậu cảnh mờ và nhòe đi nên tạo cho bức ảnh rất động
Với phương pháp chụp panning chúng ta có cảm giác vận đông viên đua xe đạp với 1 tốc độ rất cao
Những điểm cần lưu ý khi thực hiện
- Tốc độ máy nên để thấp hơn tốc độ của đối tượng cần chụp
- Không nên chụp với hậu cảnh đơn sắc vì sẽ rất khó tạo ra hiệu ứng khi chụp
- Chọn tốc độ phù hợp (khó có một tốc độ chuẩn, mà liên quan tới động tác lia chậm hay mau, chủ thể di chuyển nhanh hay chậm), thông thường nên chọn tốc độ từ 1/15s trở xuống, và những chức năng chống rung (trên ống kính hay trên con chíp) đặc biệt phát huy hiệu dụng cao trong trường hợp này.
- Tiêu cự, nên chọn từ trung bình đến ngắn, tele không phát huy tác dụng cao (khó lia, dễ rung, dễ ra ngoài khung hình).
- Giũ cho chủ thể ở trong khuân hình trong suốt quá trình lia (càng giữ được tốt chừng nào thì mức độ còn nét của chủ thể càng cao)
Cách chụp như sau:
1. Đặt chế độ cửa chập (shutter speed) thấp - mới đầu đặt ở 1/30 giây, sau đó sẽ điều chỉnh sau theo tốc độ di chuyển của chủ thể - nhằm mục đích khi lia theo máy, tốc độ đủ chậm để làm nhòe hậu cảnh. Tuy nhiên, cũng cần chú ý khép khẩu độ mở phù hợp bởi lúc này tốc độ cửa chập rất chậm có thể làm cho ảnh bị cháy do thừa sáng (overexposure).
2. Vị trí góc chụp: Nên đứng tương đối xa đường di chuyển của chủ thể, không nên đứng theo hướng chủ thể tiến lại gần hay ra xa chỗ đứng chụp để đảm bảo khoảng cách giữa máy và chủ thể không thay đổi đáng kể trong quá trình bấm máy
3. Chuẩn bị: Nên chuẩn bị tư thế đứng chụp và luyện lia máy theo hướng phán đoán chủ thể sẽ di chuyển, nên chụp thử vài kiểu để đánh giá tốc độ cửa chập đã đặt có phù hợp với mong muốn xóa phông (là nhòe hậu cảnh) và tốc độ di chuyển của chủ thể không (theo phán đoán). Đặt sẵn khẩu độ mở phù hợp với tốc độ cửa chập đã định để ảnh không quá tối hay quá sáng cháy; quyết định trước nên bắt đầu lia từ khoảng nào và ngắm vào các điểm có cự ly tương đương rồi thử căn nét và lia. Nên tính trước vị trí sẽ bấm máy để có được hậu cảnh và góc chụp đẹp.
4. Các chế độ căn nét: Nếu phán đoán trong quá trình lia cự ly giữa máy và chủ thể là không đổi - trong phạm vi thời gian cửa chập hoạt động (ví dụ 1/30 giây) - và tay lia đã tập điêu luyện, có thể đặt máy ở chế độ nét cố định và căn nét trước dựa vào các vật có khoảng cách tương đương với chủ thể khi xuất hiện
5. Thao tác chụp: Khi chủ thể xuất hiện, giơ máy ngắm vào chủ thể và lia theo chủ thể, quan sát tới khoảnh khắc thuận lợi và hậu cảnh mong muốn thì nhấn nút chụp ( khi chụp xong tay vẫn giữ chắc máy và lia theo hướng của chủ thể )
Chúc các bạn có được những bức hình đẹp như mong muốn với phương pháp chụp Panning này.
Trung Kiên