Kỳ vọng thế hệ vàng ngành y từ hiện thực hóa một 'ước mơ'

09:55, 13/02/2024

Với các tân sinh viên còn bỡ ngỡ, khi nghe đến cụm từ bác sĩ nội trú chắc hẳn cũng thích thú lắm, vì các giáo sư hàng đầu của ngành Y Việt Nam hầu hết đều học từ bác sĩ nội trú mà ra. Tuy nhiên, học bác sĩ nội trú là một “ước mơ” không phải dễ chạm tay đến. Do đó, mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú - đội ngũ nhân lực y tế tay nghề cao là nhu cầu tất yếu của xã hội và phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay.

Kỳ vọng thế hệ vàng ngành y từ hiện thực hóa một 'ước mơ'- Ảnh 1.

Rất nhiều địa phương, bệnh viện tư nhân có nhu cầu tuyển dụng bác sĩ nội trú nhưng số lượng bác sĩ nội trú còn khiêm tốn - Ảnh: VGP/HM

 Xu hướng đào tạo hành nghề y trên thế giới

Trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo hiện nay, chỉ có duy nhất một ngành muốn làm được nghề thì bắt buộc phải tiếp tục học sau đại học. Đó là ngành y.

Trên thế giới hiện có 2 mô hình đào tạo bác sĩ chủ yếu. Mô hình đầu tiên là đào tạo đại học trong 6 năm (khi ra trường, người học có bằng bác sĩ y khoa) – mô hình này chiếm khoảng 70% trên thế giới. Sau đó, người học phải học thêm từ 3-5 năm tuỳ theo chuyên ngành thì mới được hành nghề.

Mô hình thứ 2 là sau khi tốt nghiệp THPT, người học bắt buộc phải có một bằng cử nhân khác (có thể cận ngành y hoặc ngành y), sau đó mới nộp hồ sơ vào trường y và học 4 năm tiếp theo thì mới được hành nghề.

Mô hình thứ 2 này chiếm khoảng 20%, chủ yếu ở các nước Bắc Mỹ như Hoa Kỳ, Canada và một số nước như Singapore, Anh… Một số quốc gia khác thì đào tạo cả 2 mô hình này.

Theo GS.TS. Đoàn Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo sau đại học của Đại học Y Hà Nội, với 2 mô hình đào tạo chủ yếu trên thế giới hiện nay, người học đều phải được đào tạo tiếp trong 3-5 năm sau khi được đào tạo cơ bản (4-6 năm) thì mới được hành nghề y. Thời gian này chính là thời gian học nội trú chuyên khoa, tập trung tối đa cho phần thực hành.

"Đa số các nước đều có chung quan điểm này trong đào tạo ngành y và họ đã đào tạo hàng trăm năm nay. Các bác sĩ muốn hành nghề thì phải học thực hành nội trú sau khi học 4 hay 6 năm theo 2 mô hình trên. Tuỳ từng chuyên khoa nội trú mà thời gian học tiếp sẽ khác nhau. Ví dụ, bác sĩ thẩm mỹ học thêm nội trú 7 năm, bác sĩ ngoại khoa học thêm nội trú 7 năm, bác sĩ nội khoa học thêm nội trú 4 năm…", GS. Hưng chia sẻ.

GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, không có quốc gia nào đào tạo bác sĩ 6 năm để hành nghề. Quá trình đào tạo bác sĩ nội trú chính là đào tạo bác sĩ tay nghề cao ngay tại các bệnh viện, thời gian này không còn đào tạo lý thuyết.

Việc đào tạo bác sĩ tay nghề cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thầy, cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành.

Kỳ vọng thế hệ vàng ngành y từ hiện thực hóa một 'ước mơ'- Ảnh 2.

Đại học Y Hà Nội là trường đào tạo số lượng bác sĩ nội trú lớn nhất cả nước hiện nay - Ảnh: VGP/Hữu Linh

Cần thiết mở rộng mô hình đào tạo bác sĩ nội trú

Khoá đào tạo bác sĩ nội trú đầu tiên trên thế giới xuất hiện từ năm 1802 tại Pháp với 64 ứng viên tham gia nhưng chỉ có 24 ứng viên trúng tuyển. Những ứng viên trúng tuyển được đào tạo với hình thức ăn, ở, khám chữa bệnh hoàn toàn tại các bệnh viện dưới sự "cầm tay chỉ việc" trực tiếp của những người đi trước.

Việc thi tuyển này xuất phát từ nhu cầu bác sĩ giỏi, có chuyên môn, tay nghề cao trong các bệnh viện. Từ đó, hệ thống đào tạo bác sĩ nội trú chính thức ra đời.

Hệ thống này sau đó lan toả khắp các nước châu Âu, Mỹ và phát triển đến ngày nay – các bác sĩ muốn hành nghề thì phải học nội trú. Mặc dù luôn luôn biến động và cập nhật những đổi mới trong đào tạo để phù hợp xu hướng, nhu cầu từng giai đoạn, nhưng nguyên lý hoạt động của hệ thống này không thay đổi.

Tại Việt Nam, từ năm 1954, do trong điều kiện chiến tranh nên nước ta đào tạo các bác sĩ khoảng 5-6 năm và chưa có đào tạo bác sĩ nội trú. Đến năm 1974, Đại học Y Hà Nội đào tạo khoá bác sĩ nội trú đầu tiên trên cả nước.

Tuy nhiên, thời gian này - đất nước mới độc lập, còn nhiều khó khăn, vì vậy vấn đề đào tạo bác sĩ nội trú được thực hiện theo quan điểm có lựa chọn nên số lượng bác sĩ nội trú rất ít. Mỗi khoá chỉ có 10-20 bác sĩ nội trú được tuyển chọn rất khắt khe, kỹ lưỡng, do không có chỗ ở, không có nhiều bệnh viện, không có đủ thầy dạy…

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao ngày càng gia tăng của người dân và người dân hoàn toàn có quyền được phục vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, thì các bác sĩ nội trú đóng vai trò rất quan trọng.

Do vậy, mô hình đào tạo bác sĩ nội trú rất cần thiết phải mở rộng, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, đồng thời phù hợp với xu hướng quốc tế hiện nay.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú lấy ví dụ, trước đây, Pháp cũng chỉ đào tạo bác sĩ nội trú khoảng 10-20%, sau đó tăng lên 50% và hiện nay quốc gia này đang đào tạo 100% bác sĩ hành nghề là bác sĩ nội trú. Nhiều nước phát triển cũng đã đào tạo 100% đội ngũ bác sĩ theo mô hình bác sĩ nội trú.

Hiện nay, Đại học Y Hà Nội là trường đào tạo số lượng bác sĩ nội trú lớn nhất cả nước. Mỗi khoá, trường đào tạo khoảng 440 sinh viên nội trú ở tất cả các chuyên khoa. Tính đến năm 2014, Nhà trường đã đào tạo 1.770 thầy thuốc nội trú, hành nghề tại các bệnh viện lớn trên cả nước, chủ yếu là các bệnh viện tuyến Trung ương.

"Nếu giữ chỉ tiêu đào tạo bác sĩ nội trú có giới hạn như hiện nay thì không ổn. Các bác sĩ nội trú được đào tạo ít và chủ yếu công tác tại các bệnh viện tuyến Trung ương, trong khi rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh có nhu cầu tuyển bác sĩ nội trú để phục vụ người dân ngay tại địa phương. Trong số 1.770 bác sĩ nội trú đã tốt nghiệp, chỉ có 2 bác sĩ về Hà Nội, chưa đến 10 bác sĩ về tỉnh công tác", GS. Tạ Thành Văn nhấn mạnh.

Nhiều bệnh viện tư nhân và Sở Y tế các địa phương đã đặt hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú với Đại học Y Hà Nội như Bệnh viện Tâm Anh, Bệnh viện Vinmec, Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, TP. Hà Nội…

GS Tạ Thành Văn phân tích, nhu cầu tuyển bác sĩ nội trú của các địa phương rất nhiều. Hiện tại, các bệnh viện tuyến tỉnh gần như không có bác sĩ nội trú. Như vậy, nếu đào tạo mở rộng bác sĩ nội trú theo xu hướng quốc tế, chúng ta không sợ bị thừa bác sĩ, khi đó nhiều bệnh viện tuyến tỉnh sẽ có nhân lực chất lượng cao.

Bác sĩ nội trú đào tạo tối thiểu 10 năm mới hành nghề

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng ủng hộ việc mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú và phải đào tạo nhiều. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể đào tạo đại trà ngay bác sĩ nội trú vì vấn đề đào tạo bác sĩ nội trú còn phụ thuộc cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành, môi trường đào tạo và đủ các thầy cô giảng dạy.

Mặt khác, khi hoàn thành đào tạo bác sĩ nội trú, chúng ta cần có chính sách hoặc thoả thuận với các bác sĩ phải luân chuyển hoặc công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh…

Theo đại diện Cục Khoa học công và đào tạo, Bộ Y tế, Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh, có quy định, sau khi tốt nghiệp 6 năm đào tạo y khoa, các sinh viên này phải tham gia thực hành nghề nghiệp tại một cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện. Thời gian thực hành tuỳ vào từng chức danh.

Sau đó, phải tham dự kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề do Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức. Đối với bác sĩ sẽ thực hiện kỳ kiểm tra này từ 1/1/2027, các chức danh hành nghề khác sẽ thực hiện từ năm 2028.

Khi đạt tại kỳ kiểm tra này, các bác sĩ sẽ được cấp giấy phép hành nghề và phạm vi hoạt động là khám, chữa bệnh đa khoa.

Nếu muốn hành nghề chuyên khoa (bản chất là đào tạo nội trú), theo Dự thảo nghị định về đào tạo chuyên khoa lĩnh vực sức khoẻ do Bộ Y tế đang soạn thảo, thì sau khi được cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh đa khoa, các bác sĩ phải tiếp tục theo học chuyên khoa với thời gian tối thiểu từ 3 năm trở lên, tuỳ từng chuyên ngành. Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa này, các bác sĩ sẽ được hành nghề chuyên khoa.

Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua thì một bác sĩ chuyên khoa ở nước ta có thể hành nghề được thì phải có tối thiểu 10 năm được đào tạo.

Trong giai đoạn hiện nay đến năm 2027, nước ta tiếp tục chia đào tạo bác sĩ theo chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ nội trú. Việc đào tạo này là do trước đây chúng ta thiếu nhân lực khám chữa bệnh nên phải chia thành 2 giai đoạn đào tạo (chuyên khoa I, chuyên khoa II) để có nguồn nhân lực xen kẽ phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, trên thế giới, các nước hiện không đào tạo ngắt quãng, chia 2 giai đoạn mà sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên phải theo học ngay chuyên khoa liên tục đến khi tốt nghiệp và có văn bằng chuyên khoa để hành nghề.

Hiện tại, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ dự thảo nghị định về đào tạo chuyên khoa lĩnh vực sức khoẻ. Dự thảo này mục tiêu tiếp cận với xu hướng thế giới. Khi đó, chúng ta sẽ tích hợp 2 giai đoạn chuyên khoa I, II thành đào tạo chuyên khoa (tương đương đào tạo nội trú) như các nước hiện nay đang đào tạo.

Hiện, Bộ Y tế cũng đang giao Viện chiến lược chính sách y tế triển khai khảo sát, đánh giá nhu cầu hành nghề của các bác sĩ chuyên khoa ở các tuyến bệnh viện, từ Trung ương đến tuyến tỉnh. Khi đó, Bộ Y tế sẽ có những con số dự kiến trong đào tạo chuyên khoa trên cả nước.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/ky-vong-cac-the-he-vang-nganh-y-tu-dao-tao-bac-si-noi-tru-102240131133844198.htm