Làm thế nào để có bộ máy ảnh phù hợp

21:09, 27/01/2021

Kỹ thuật nhiếp ảnh đã phát triển qua hàng trăm năm, kể từ khi chiếc máy ảnh đầu tiên ra đời vào đầu thế kỷ 18, cho tới nay các ứng dụng kỹ thuật số đã tạo ra nhiều cuộc cách mạng bùng nổ về công nghệ trong nhiếp ảnh song với nhiều người, câu hỏi: “làm thế nào để có một bộ máy ảnh phù hợp” vẫn luôn là vấn đề không dễ trả lời.

Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên với ông Phan Văn Cao, nhiếp ảnh gia, sáng lập viên câu lạc bộ Cà phê ảnh và group nhiếp ảnh với gần 30.000 thành viên.

PV: Theo ông, hiện nay có quá nhiều hãng, nhiều loại máy ảnh hoặc ống kính, người thích chụp ảnh nên căn cứ vào những tiêu chí nào để lựa chọn thiết bị để vừa phù hợp lại vừa đỡ tốn kém?   

 Ông Phan Văn Cao: Bạn đặt vấn đề về sự phù hợp là rất hay, tuy nhiên trên thực tế thì người mua sẽ thích tìm tiêu chí là “thiết bị tốt, hiện đại ...” chính vì bắt đầu bằng “tốt, hiện đại” nên đôi khi lại khiến chúng ra rối trí. Quả thực ngày nay, các loại máy của các hãng phổ biến trên thị trường đều rất tốt, rất hiện đại về công nghệ. Tuy nhiên, mỗi loại có những đặc điểm “tốt” riêng do đó nếu người chụp ảnh hiểu rõ mong muốn và nhu cầu của mình là sẽ chụp thể loại gì, như thế nào, lúc đó việc lựa chọn thiết bị sẽ đơn giản hơn rất nhiều và tất nhiên là tiết kiệm được tiền đầu tư do mua đúng cái mình cần.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn được không?         

Ông Phan Văn Cao: Ví dụ, hiện nay có nhiều loại máy ảnh độ phân giải rất lớn, cho phép in những bức ảnh kích thước lớn đảm bảo chất lượng, vậy nó sẽ phù hợp hơn cho những người thích chụp phong cảnh. Đối với những người thích chụp đặc tả như chân dung, ảnh thiên nhiên như chim, cá, động vật hoang dã ... bạn cần phải có ống kính tele tiêu cự dài, tối thiểu là khoảng 200 mm cho ảnh chân dung hoặc 600 mm; 800 mm hoặc 1.200 mm đối với động vật hoang dã.

Những người đam mê ảnh kiến trúc thì không thể thiếu các ống kính góc rộng. Để chụp thể thao bạn lại cần máy ảnh có tốc độ chụp nhanh. Trước đây nếu chụp bằng phim, tốc độ 11 hình/giây đã là nhanh nhưng đối với KTS, tốc độ có thể tới trên 60 hình/giây.Như vậy có thể ghi lại những động tác cực nhanh của vận động viên và bạn sẽ có những bức ảnh hết sức sống động. Các máy ảnh KTS hiện nay đều đã được tích hợp tính năng quay phim lên tới 8k, chất lượng rất cao. Tuy nhiên nếu bạn muốn nó thực sự phát huy tối đa về quay phim thì nên dùng máy không gương lật. Máy ảnh không gương lật có thể phát huy tính năng quay phim nổi trội hơn nhiều so với máy ảnh có gương lật.  

Theo ông Phan Văn Cao, thị trường máy ảnh chuyên dụng vẫn tăng trưởng rất mạnh khi mong muốn về chất lượng của người dùng trở nên đa dạng hơn.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc Một chiếc smartphone đời mới có thể thay thế cho một chiếc máy ảnh?        

 Ông Phan Văn Cao: Nắm bắt được nhu cầu chụp ảnh và chia sẻ của người dùng, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rộng lớn như hiện nay, camera là một trong các điểm nhấn cạnh tranh của các hãng sản xuất điện thoại di động. Dung lượng các bức ảnh chụp từ điện thoại có thể lên tới hơn 40 MP hoặc được trang bị ống kính độ mở lớn có chất lượng rất tốt. Tính năng quay phim của điện thoại hoặc các phần mềm xử lý hình ảnh cũng rất đa dạng.

Tuy nhiên nếu bạn muốn đi sâu vào các trải nghiệm nhiếp ảnh, bạn mong muốn chủ động hơn trong các sáng tác của mình thì tất nhiên sẽ tới lúc bạn thấy smartphone không bao giờ đáp ứng được mong muốn của bạn. Trên thực tế, lúc đầu người ta cho rằng thị phần máy ảnh chuyên dụng sẽ bị martphone làm cho lung lay nhưng không phải vậy, thị trường máy ảnh chuyên dụng vẫn tăng trưởng rất mạnh khi mong muốn về chất lượng của người dùng trở nên đa dạng hơn.

PV: Tôi thấy càng hiện đại thì máy ảnh và ống kính có vẻ càng nặng, có cách nào giảm trọng lượng mà vẫn đảm bảo chất lượng không, mang vác quả thực là rất vất vả với những người nghiệp dư?    

Ông Phan Văn Cao: Kể từ 1826 khi Nicéphore Niépce người Pháp tạo ra bức ảnh đầu tiên với phòng tối, sau 150 năm, năm 1975 Steven Sasson, một kĩ sư tại Eastman Kodak, đã chế tạo ra chiếc máy ảnh kĩ thuật số (KTS) đầu tiên. Chiếc máy này ghi lại được hình ảnh đen trắng trên băng cassette và nặng hơn 3,5kg.Tiếp đó, năm 1987 Công ty MegaVision ở Hoa Kì bắt đầu bán ra một loại ảnh máy ảnh KTS được thiết kế dành cho studio chụp hình thương mại tại Mĩ.

Cuộc cách mạng kĩ thuật số đã thực sự tạo ra những bước đại nhảy vọt! Tuy nhiên, trọng lượng máy sao cho gọn nhẹ và vừa tay vẫn là vấn đề đau đầu của nhà sản xuất. Chúng ta cũng cần hiểu là ngày nay, mỗi chiếc máy ảnh tích hợp trong nó vô vàn các tính năng cực kỳ phức tạp về công nghệ, nên thu gọn nó là không dễ. Người chụp ảnh chuyên nghiệp đa phần vẫn chọn các dòng máy của Canon và Nikon mặc dù chúng khá to và nặng.

Ngoài ra các hãng nói trên cũng sản xuất các dòng máy không gương lật nhỏ gọn hơn nhưng chất lượng cao như Canon có EOS R5, EOS RP ... hoặc Nikon có Z9, Z6 mark II... Các dòng máy như A9 mark II, A7 R4, A7 mark III hoặc A7C của Sony cũng đang được ưa chuộng.

Như vậy theo xu thế hiện nay, các hãng sản xuất máy ảnh đều có các dòng máy chuyên sâu cho từng mục đích chụp ảnh hoặc quay phim rất cụ thể. Người dùng nếu xác định rõ được những thể loại ảnh mà mình muốn chụp thì việc lựa chọn một bộ máy phù hợp và hiệu quả là hoàn toàn có thể.     

         Xin cảm ơn ông!

PV

TIN LIÊN QUAN