Lần đầu tiên Đại học Huế có Giám đốc là dân IT
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao quyết định công nhận PGS.TS Lê Anh Phương - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) giữu chức vụ giám đốc ĐH Huế nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Lê Anh Phương sinh ngày 20-2-1974, quê tại Quảng Bình. Ông từng học đại học tại Trường ĐH Sư phạm Huế chuyên ngành sư phạm toán, sau đó học lên thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuyên ngành tin học.
Trước khi đảm nhiệm chức vụ giám đốc ĐH Huế, PGS.TS Lê Anh Phương từng giữ chức phó bí thư Đảng ủy ĐH Huế, bí thư Đảng ủy - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ĐH Huế đã trải qua bề dày lịch sử 65 năm, những thế hệ điều hành trước đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo hy vọng tân giám đốc sẽ phát huy được những lợi thế, truyền thống tốt đẹp của ĐH Huế, tiếp tục viết nên những trang sử mới, thành tựu mới, đưa ĐH Huế phát triển, hội nhập với quốc tế và đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận tân Giám đốc Đại học Huế đối với PGS.TS Lê Anh Phương.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, PGS.TS Lê Anh Phương hứa sẽ nghiên cứu đề xuất những chính sách với hội đồng đại học, với các bộ ngành có liên quan để bảo đảm có sự khuyến khích thu hút các giảng viên có trình độ, có cơ chế cụ thể động viên, tạo cơ hội cho mọi người được chủ động trong sự nghiệp của mình.
PGS.TS Lê Anh Phương cũng hứa sẽ nhanh chóng củng cố tổ chức, duy trì và thực hiện thêm các biện pháp cần thiết để tạo môi trường làm việc chủ động cho các trường thành viên và môi trường học tập tối ưu cho sinh viên, đưa Đại học Huế trở thành đại học quốc gia.
Cũng tại buổi lễ, tân giám đốc ĐH Huế gửi lời cảm ơn chân thành đến các ban ngành đoàn thể đã tín nhiệm và hứa sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đưa ĐH Huế vươn xa hơn nữa với bạn bè quốc tế.
Hiện Đại học Huế có 8 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu và 5 đơn vị trực thuộc, với đội ngũ hơn 1.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Thùy Dung (T/h)