Laptop doanh nhân 15 inch: chọn ThinkPad T530 hay Latitude E5530 ?

11:17, 06/10/2012

Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc người đứng đầu bộ phận lớn trong tổ chức, doanh nghiệp, thì việc lựa chọn một máy tính xách tay 15 inch mới phù hợp với công việc của bạn sẽ không dễ dàng, bởi hiện nay có rất nhiều hãng máy tính xách tay khác nhau với các lựa chọn giữa tính năng và phần cứng gần như giống hệt nhau.

 

 

Một ví dụ đưa ra ở đây là sự lựa chọn giữa Lenovo ThinkPad T530 và Dell Latitude E5530. Để người dùng có quyết định lựa chọn chính xác và hợp lí hơn, bài viết sẽ phân tích và so sánh giữa hai máy với 10 tiêu chí khác nhau.

 

Thiết kế

 

Nếu bạn là một người hâm mộ dòng máy tính xách tay ThinkPad của Lenovo thì bạn sẽ yêu thích T530, máy được thiết kế đúng phong cách ThinkPad với màu đen cổ điển giống như các thế hệ trước. Thiết kế khung gầm của T530 được làm bằng sợi carbon, bền và chắc chắn.

 

Dell Latitude E5530 cũng có thiết kế khá nhỏ gọn, với một khung hợp kim magiê, bản lề thép và nắp nhôm có khả năng chống dính, bám dấu vân tay một cách dễ dàng.

 

 

Tuy nhiên, về kích thước và trọng lượng thì ThinkPad T530 có phần "nhỉnh hơn" về độ mỏng và nhẹ. ThinkPad T530 có kích thước 342,9 x 231,14 x 20,32-25,4 mm và trọng lượng 2,44 kg, trong khi Latitude E5530 có kích thước 388,62 x 251,46 x 30,48-33,02 mm và trọng lượng là 2,9kg. Để công bằng hơn Latitude E5530 sẽ được lắp pin 9 cell (so với pin 6 cell trên T530), nhưng Dell lại dày hơn.

 

 

Kết quả: Lenovo ThinkPad T530 có thiết kế mỏng và nhẹ hơn.

 

Màn hình hiển thị

 

Màn hình của Lenovo ThinkPad T530 có độ phân giải 1366 x 768 pixel, nhưng cấu hình được chọn để so sánh cho giá 997 USD với màn hình 15,6 inch có độ phân giải cao hơn lên đến 1600 x 900 pixel. Thử nghiệm cho thấy, màn hình của ThinkPad T530 có màu sắc sống động và góc nhìn rất tốt. Nếu bỏ thêm 200 USD, bạn có thể nâng cấp lên màn hình hiển thị độ phân giải Full HD 1080p.

 

 

Dell Latitude E5530 cũng bắt đầu với một màn hình hiển thị 1366 x 768 pixel nhưng phiên bản được chọn để so sánh lại có giá lên đến 1178 USD. Bạn cũng có thể nâng cấp màn hình của E5530 lên độ phân giải 1920 x 1080 pixel, nhưng chỉ cần bỏ thêm 100 USD, ít hơn trên ThinkPad T530. Trong cùng một thử nghiệm thì màn hình trên Latitude E5530 hiển thị màu sắc không thật sự tốt và góc nhìn nhỏ.

 

Kết quả:  Cả hai máy tính xách tay đều cung cấp các tùy chọn hiển thị 1080p hứa hẹn chất lượng hình ảnh tốt hơn so với mặc định.

 

Audio

 

Lớn hơn không phải là luôn luôn tốt . Mặc dù các loa trong của Latitude E5530 có thể phát ra âm thanh khá lớn nhưng lại không rõ ràng khi so sánh với âm thanh phát ra trên ThinkPad T530. Loa của Dell lại được thiết kế ở mặt dưới của máy nên khi đặt máy lên bàn hoặc lên đùi sẽ làm giảm âm lượng được phát ra. ThinkPad T530 được thiết kế với hai loa rộng dạng lưới ở hai bên bàn phím cung cấp chất lượng âm thanh khá rõ ràng mặc dù âm lượng nhỏ hơn.

 

Kết quả:  Lenovo ThinkPad T530 cung cấp âm thanh rõ hơn.

 

Bàn phím và Touchpad


 
Dòng ThinkPad nổi tiếng với thiết kế bàn phím thoải mái và sự chính xác và T530 cũng không ngoại lệ. Bàn phím được thiết kế theo phong cách đảo cùng khả năng chống tràn đã chứng minh được khả năng đáp ứng tốt khi nhập liệu và thông tin phản hồi khá tốt. Phiên bản này cũng không có tuỳ chọn bàn phím backlit.

 

Touchpad kích thước 78,74 x 45,72 mm trên ThinkPad T530 mang lại cảm giác thoải mái, cảm ứng đa điểm với thao tác trên touchpad như pinch-to-zoom làm việc khá hoàn hảo. TrackPoint màu đỏ ở giữa cũng làm việc rất tốt.

 

 

Không giống như T530, Dell Latitude E5530 có thiết kế bàn phím chống tràn truyền thống cũng như một bàn phím số chuyên dụng. Mặc dù thao tác với các phím không thật sự hoàn hảo nhưng bàn phím có đèn nền là một điểm khá quan trọng.

 

Tuy nhiên, Touchpad kích thước 78,74 x 44,45 mm của máy lại thiết kế lệch về bên trái mà không phải là ở giữa, vì vậy người dùng khi nhập liệu thường phải để lệch tay về phía bên phải nếu dùng lâu sẽ có cảm giác mỏi tay. TrackPoint Pointing stick giữa phím G và H có thiết kế quá thấp so với mặt bằng của bàn phím nên người dùng sẽ gặp khó khăn khi thao tác so với TrackPoint trên ThinkPad T530. Tuy nhiên, touchpad của máy lại rất nhạy, đáp ứng tốt các tác vụ.

 

Kết quả:  Mặc dù bàn phím số của Latitude là khá thuận tiện cho nhu cầu tính toán, nhưng Pointing stick và vị trí của touchpad không thật sự phù hợp.

 

Webcam


 
Điều đáng tiếc cho người dùng muốn sử dụng máy tính xách tay của mình để phục vụ cho cầu hội nghị video, bởi cả ThinkPad T530 và Latitude E5530 đều không mang lại chất lượng video từ webcam tích hợp đặc biệt xuất sắc. Mặc dù cả hai webcam đều có độ phân giải 1280 x 720 pixel và đều có khả năng chụp ảnh tĩnh đầy màu sắc.

 

 

Tuy nhiên, trên mỗi hệ thống lại có sự khác biệt đáng kể, đặc biệt là trong các cài đặt ánh sáng, làm cho các chi tiết đẹp và khó để phân biệt.

 

Kết quả:  Cả ThinkPad T530 cũng như Latitude E5530 đều không thật sự thuyết phục người dùng với webcam tích hợp.

 

Hiệu suất

 

Lenovo ThinkPad T530 và Dell Latitude E5530 đều được trang bị phần cứng tương tự. Cả hai máy đều sử dụng bộ vi xử lí Intel Core i5-3360M tốc độ 2,8 GHz, RAM 4 GB. Sự khác biệt lớn nhất là ThinkPad T530 sử dụng ổ cứng dung lượng 500 GB tốc độ 7200 rpm so với ổ đĩa cứng dung lượng 320 GB tốc độ 7200 rpm trên Latitude E5530.

 

Điều đó không có gì là đáng ngạc nhiên, bởi ThinkPad T530 và Latitude E5530 đều có điểm số về hiệu suất tương tự trên hầu hết các bài kiểm tra. Nhưng trên PCMark 7, Dell vượt xa Lenovo với 2934 điểm so với 2845 điểm tương ứng, mất 4 phút 12 giây để hoàn thành bài kiểm tra Laptop Spreadsheet Macro bằng việc sử dụng OpenOffice để tính toán phép tính với 20.000 tên và địa chỉ trên Latitude E5530, trong khi ThinkPad T530 là 4 phút 11 giây.

 

Nhờ công nghệ RapidBoot tích hợp mà ThinkPad T530 có thời gian khởi động nhanh hơn so với Latitude E5530, thời gian khởi động vào Windows 7 Professional của ThinkPad T530 chỉ cần 32 giây, so với 58 giây trên máy Dell. ThinkPad T530 cũng có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn so với Latitude E5530 với 37,4 MBps so với 27,4 MBps tương ứng.

 

Kết quả:  Mặc dù có hiệu suất tương tự, nhưng ThinkPad T530 có thời gian khởi động nhanh hơn và tốc độ chuyển tải dữ liệu tốt hơn.

 

Tuổi thọ pin

 

Dù cấu hình thử nghiệm của ThinkPad T530 đi kèm với pin 6 cell nhưng người dùng có thể tùy chọn nâng cấp lên pin 9 cell mà chỉ cần bổ sung thêm 50 USD, trong khi trên Latitude E5530 muốn nâng cấp lên pin 9 cell phải trả thêm 79 USD.

 

 

Kiểm tra tuổi thọ pin của máy bằng Laptop Battery Test khi lướt web qua Wi-Fi với pin 9 cell, ThinkPad T530 có thời gian sử dụng kéo dài 11 giờ 13 phút, so với 8 giờ 39 phút trên Latitude E5530.

 

Kết quả:  ThinkPad T530 chiến thắng ấn tượng hơn với hơn 2 giờ sử dụng pin.

 

Bảo mật

 

Bất cứ ai thường xuyên phải di chuyển và sử dụng của máy tính xách tay ở nơi công cộng có thể đánh giá cao tầm quan trọng của an ninh tốt. Rất may, Latitude Dell E5530 đi kèm với hàng loạt các tính năng bảo mật, bao gồm một đầu đọc dấu vân tay, công nghệ chống trộm Intel Anti-Theft với khả năng khóa máy từ xa nếu nó đang bị đánh cắp (đăng ký dịch vụ với chi phí 39,99 USD một năm) và 30 ngày dùng thử phần mềm bảo mật Trend Micro Client-Server Security.  

 

.

Cũng giống như E5530, ThinkPad T530 hỗ trợ công nghệ vPro mới của Intel (tên mã trước đây là McCreary) giúp mở rộng phạm vi của các đơn vị quản lý CNTT nhưng cũng hỗ trợ cài đặt Intel Anti-Theft, cho phép người dùng ngăn chặn việc sử dụng một số thiết bị USB như bộ điều khiển trò chơi và các thiết bị lưu trữ di động. ThinkPad T530 còn đi kèm với một đầu đọc dấu vân tay, cho phép bạn khởi động lại máy tính và đăng nhập vào Windows đơn giản bằng cách lướt các đầu ngón tay.

 

Kết quả:  Mặc dù Lenovo ThinkPad T530 và Dell Latitude E5530 đều hỗ trợ công nghệ Intel Anti-Theft nhưng chỉ ở T530 bạn mới được khởi động vào Windows bằng cách sử dụng đầu đọc dấu vân tay.

 

Phần mềm

 

ThinkPad T530 được cài đặt sẵn gói phần mềm chuyên dụng,  ví dụ như ThinkVantage Tools cho phép người dùng dễ dàng quản lý điện năng, webcam, kết nối Internet , khả năng sao lưu và khôi phục dữ liệu. Thậm chí còn có ích hơn giải pháp của Lenovo dành cho doanh nghiệp nhỏ, cho phép bạn lập kế hoạch bảo trì hệ thống và chọn thời gian khi T530 tự động tắt.


Người dùng lưu trữ dữ liệu trên "mây" cũng sẽ đánh giá cao Lenovo Cloud Storage, giải pháp lưu trữ trực tuyến của Lenovo cung cấp bởi SugarSync.

 

Latitude E5530 được thiết kế với một nhóm các chương trình được cài đặt sẵn khá hữu ích. Công nghệ Intel Active Management có thể được sử dụng bởi bộ phận IT để thực hiện quét chẩn đoán từ xa và một bộ cảm biến rơi tự do để bảo vệ ổ đĩa cứng trong trường hợp máy tính xách tay rơi từ độ cao 127 mm hoặc cao hơn.

 

Kết quả:  Tiện ích ThinkVantage của Lenovo cùng giải pháp lưu trữ trên mây góp phần làm nên chiến thắng của ThinkPad T530.

 

Cấu hình

 

Mặc dù ThinkPad T530 có giá khởi điểm cao hơn so với E5530 (662 USD so với 499 USD) nhưng ThinkPad T530 cung cấp các thành phần cao cấp hơn. Nâng cấp bao gồm bộ vi xử lí lõi tứ Intel Core i7-3820QM, RAM tối đa 16 GB, card đồ hoạ Nvidia NVS 5400M với 1 GB VRAM, ổ SSD 180 GB, màn hình hiển thị độ phân giải Full HD 1080p và pin 9 cell.

 

Trong khi Latitude E5530 chỉ có thể được nâng cấp bộ xử lý Intel dual-core i7-3520M, RAM tối đa 8 GB, ổ SD 128 GB, màn hình hiển thị độ phân giải Full HD 1080p và pin 9 cell nhưng không có tùy chọn card đồ họa rời.

 

Nếu bạn là người quan tâm đến nhu cầu chơi các trò chơi mới nhất hoặc chỉnh sửa video HD thì Latitude E5530 sẽ đủ mạnh cho bạn.

 

Kết quả:  Lenovo ThinkPad T530 vượt qua Latitude E5530 về các cấu hình có sẵn.

 

Kết luận:

 

Trong 10 tiêu chí so sánh giữa Lenovo ThinkPad T530 và Dell Latitude E5530, rõ ràng Lenovo ThinkPad T530 vượt trội hơn và sẽ là sự lựa chọn tốt cho doanh nhân. Không chỉ bởi vì ThinkPad T530 mỏng và nhẹ hơn so với Dell Latitude E5530, mà máy còn có có một màn hình hiển thị sống động hơn, âm thanh rõ hơn, bàn phím tốt hơn và hiệu suất cũng nhỉnh hơn.


Huệ Vũ

TIN LIÊN QUAN