Lên 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021

06:32, 03/10/2021

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dựa trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời câu hỏi của các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí. 

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 tổ chức chiều 2/10, đại diện các bộ, ngành đã trả lời các câu hỏi xung quanh những giải pháp kịch bản phục hồi tăng trưởng kinh tế cũng như việc tổ chức giao thông vận tải thuận lợi cho người dân.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dựa trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng qua và một số điều kiện đặt ra, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV năm 2021 phải đạt mức tăng trưởng 7,06% trở lên và để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm thì quý IV phải đạt được 8,84% trở lên.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với mức tăng trưởng quý đạt từ 7% trở lên thì trong quá khứ Việt Nam cũng đã từng đạt được kết quả này, tuy nhiên với quý IV năm 2021 có nhiều điểm đặc biệt và phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, để có thể đạt được mục tiêu này thì  doanh nghiệp phải được hoạt động, nghĩa là không bị đóng băng, đóng cửa và lao động phải được dịch chuyển.

Quang cảnh buổi họp báo.

"Do đó tới đây cùng với quy định về y tế, chúng tôi hy vọng lao động được dịch chuyển an toàn, doanh nghiệp mới hoạt động được và và hàng hóa phải được lưu thông giữa các địa phương, như vậy mới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy sản xuất, trong giai đoạn này cả nước đang bắt đầu thực hiện lộ trình phục hồi mới nên các khu vực doanh nghiệp và khu vực kinh tế đạt được 80% công suất cũng là thành công lớn trong việc phục hồi kinh tế.
Thứ trưởng kỳ vọng, với các nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của các doanh nghiệp, mong rằng quý 4 chúng ta có thể đạt được mục tiêu 7% đã từng đạt được trong quá khứ thì mới có thể đạt được mục tiêu như kịch bản.

Liên quan tới vấn đề tổ chức giao thông đi lại cho người dân và vận tải hành khách trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ Giao thông Vận tải từ tháng 8 đã ban hành hướng dẫn vận tải theo 5 phương thức, đảm bảo xác định các tuyến đường khôong bị cấm, hàng hóa không bị cấm, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và sinh hoạt cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi của các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí.

Riêng về vận tải hành khách để khôi phục lại hoạt động, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xây dựng hướng dẫn mới ban hành ngày 30/9 cho 5 lĩnh vực giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.

Bản hướng dẫn này được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, bộ, ngành liên quan và đặc biệt là trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế về quy tắc phòng chống dịch.

Trong tổ chức vận tải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các sở, doanh nghiệp vận tải thực hiện đúng các quy định theo hướng dẫn và phù hợp với từng cấp độ phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, thời gian tới khi đã linh hoạt thích ứng và kiểm soát an toàn dịch bệnh thì chắc chắn việc đi lại sẽ thuận lợi hơn nhiều, kể cả cho các phương tiện giao thông và người dân.

Trước đó, tối 30/9, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định 1740/QĐ-BGTVT về việc hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021.

Mục đích của việc ban hành hướng dẫn này nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Theo đó, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Cụ thể về hoạt động vận tải hành khách, tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4): Dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ.

Các cảng hàng không, ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu: Người làm việc tại cảng hàng không có tiếp xúc trực tiếp với tổ bay, hành khách; người làm việc tại ga, trung tâm, trạm vận tải đường sắt có tiếp xúc trực tiếp với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách phải tuân thủ "Thông điệp 5K"; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần và phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh; không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Tại địa phương/vùng có nguy cơ cao (cấp 3): các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện).

Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2): các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.

Theo/bnews.vn