LG Optimus G Pro có phải là trò theo đuôi tội nghiệp?

13:49, 24/05/2013

LG dường như luôn là một cái tên đi sau trong cuộc đua công nghệ. Mỗi khi các đối thủ cạnh tranh đưa ra các đột phá mới về công nghệ thì LG thường không đưa được ra một đối trọng khác, mà chỉ có thể cải tiến sao cho gần giống như vậy. Đây không phải là một chiến lược cạnh tranh dài hạn, nhưng cũng đủ để hãng này kiếm được một khoản lợi nhuận khiêm tốn. Tất nhiên, sự khiêm tốn này không bao giờ là đủ, LG muốn tìm kiếm những khoản lợi nhuận lớn hơn, và vì thế, cần phải có những bước tiến vượt bấc. Và với sản phẩm Optimus G Pro, LG đã thực sự thực hiện được bước tiến này? Smartphone thường có màn hình 5 inch, và Optimus G Pro cũng là một sản phẩm với những thông số tương đương. Đây liệu có được coi là một trò theo đuôi tội nghiệp khác, hay LG đã thực sự tung ra một sản phẩm nổi trội? 

Phần cứng & Thiết kế

Chữ “G” trong tên của Optimus G Pro là viết tắt của chữ “gargantuan” – khổng lồ. Có thể hình dung, sản phẩm này có kích thước tương đương với Samsung Galaxy Note II. Vì vậy, những khách hàng vốn không thích kích thước lớn của Note II hẳn cũng sẽ không thích Optimus G Pro, mặc dù sản phẩm này có mỏng hơn đôi chút nhưng nó vẫn bị coi là cồng kềnh. Với kích thước 150,11x76,2x9,4mm, Optimus G Pro là một khối nhựa... quá khổng lồ. Mặc dù lớp vỏ nhựa có in họa tiết kim cương khá bắt mắt, nhưng lại dễ để lại dấu vân tay và vết ố. Người dùng sẽ cảm thấy không thoải mái khi chạm vào một bề mặt dễ dính bẩn và trơn nhớt như vậy. Tóm lại, thiết kế sản phẩm này đem lại cảm giác về một chất liệu không hề cao cấp chút nào. 
Đèn hiển thị thông báo của LG Optimus G Pro 

LG đã bù đắp cho thiếu sót về khoản thiết kế vỏ máy này một cách xuất sắc bằng các ưu điểm khác. Phím Home là một thanh mỏng có viền đèn báo sáng khi có thông báo mới. Người dùng sẽ thích thú và bắt mắt mỗi khi đèn báo này sáng lên. Optimus G Pro cũng được coi là một trong số những điện thoại có hệ thống cảnh báo tốt nhất. G Pro còn có bộ cảm biến hồng ngoại được thiết kế bên cạnh jack cắm tai nghe chuẩn 3.5mm giúp smartphone này có thể biến thành một chiếc điều khiển TV. Việc cài đặt và sử dụng hàng ngày không hề phức tạp chút nào. 

Phần thiết kế của Optimus G Pro khá ổn. Hai phím Back và Menu cảm ứng nằm hai bên phím Home, phím điều chỉnh âm lượng được đặt ở phần giữa của sản phẩm tạo cảm giác tiện dụng, phím nguồn nằm ở góc trên bên phải, và phím QuickMemo gần phía góc trên bên trái của sản phẩm. 

Các thông số kỹ thuật chính

- Bộ nhớ trong 32 GB, khe cắm thẻ nhớ 64GB 
- Bộ xử lý 1,7 GHz lõi tứ (Snapdragon 600) 
- 2GB RAM 
- Bluetooth 4.0 LE, NFC, hồng ngoại
- Trọng lượng: 174,07g

Chất lượng màn hình

Optimus G Pro có màn hình 5,5 inch đẹp ở mọi góc độ. Màn hình lớn này không chỉ giúp bạn tận hưởng các video trên Youtube, mà còn có độ phân giải 1080p. So với màn hình 720p của Galaxy Note II, đây quả là một sự khác biệt dành cho những người yêu thích màn hình chuẩn Full HD. Màn hình này hiển thị được 16 triệu màu, đảm bảo độ tươi sáng với môi trường ánh sáng trong nhà, và đảm bảo độ nhất quán từ nhiều góc xem. Khả năng hiển thị dưới môi trường ánh sáng ngoài trường của sản phẩm này có thể được coi là một nhược điểm, trừ khi được cài đặt độ sáng ở mức cao nhất, còn lại, màn hình này là một tuyệt tác.  
Màn hình 5.5 inch của LG Optimus G Pro 

Phần mềm và Giao diện

LG vốn muốn thoát ra khỏi cái bóng của Samsung để khỏi bị so sánh với đối thủ cạnh tranh này. Tuy nhiên, cả hai hãng này đều mắc kẹt với những phần mềm na ná nhau. Một ví dụ điển hình là cả hai đều có tính năng ghi hình bằng camera đôi. Cả hai hãng cũng đều có những lựa chọn thiết kế biểu tượng nhìn không bắt mắt theo phong cách hoạt hình, mà trong trường hợp này, LG thậm chí còn xấu xí hơn. Tuy nhiên, ít nhất thì LG còn giữ được các ưu điểm khác trong giao diện của mình. Các menu khá đơn giản, màn hình chủ thậm chí còn cung cấp lựa chọn thay đổi hình ảnh các biểu tượng. Ứng dụng giải trí cũng cung cấp lựa chọn chia sẻ dữ liệu nâng cao cho các thiết bị khác, hoặc sử dụng DLNA để nghe nhạc, xem phim hoặc xem ảnh không dây. 

Các phần mềm của hệ điều hành Android 4.1 được cài trong Optimus G Pro khá chuẩn, tuy nhiên vẫn có một nhược điểm không thể tránh khỏi: Bảng hiện thị thông báo. Ứng dụng QSlide tạo ra các cửa sổ ứng dụng trên màn hình giúp người dùng có thể chạy 3 ứng dụng cùng một lúc. Đây không phải là dạng Đa Cửa Sổ (Multi-window), bởi vì các ứng dụng mini có thể được thay đổi kích thước và đổi vị trí để tạo ra sự linh hoạt và tính tương thích với bất kỳ ứng dụng nào. Người dùng có thể vừa ghi chép, về xem lịch trình, vừa dùng máy tính hoặc xem video mà không cần phải thoái ra khỏi ứng dụng chính. 

Nhược điểm của ứng dụng QSlide chính là vì nó không thể tùy chỉnh. Ứng dụng này, cùng với phím chuyển đổi nhanh và phím điều chỉnh độ sáng, đã chiếm mất một nửa bảng hiển thị thông báo. Không thể tắt hiển thị hoặc lựa chọn chỉ truy cập khi cần thiết, vì vậy ứng dụng làm sao nhãng người dùng khi họ cần xem những thông báo khác. Bên cạnh đó, Optimus G Pro cũng có thanh trình duyệt khá khó chịu khiến các lựa chọn chia sẻ bị quá tải trong ứng dụng trình duyệt, nhưng ít nhất thì tính năng này cũng có thể tùy chỉnh. Đây là một lỗi thường xuyên lặp lại của LG. 
Ứng dụng QSlide của LG Optimus G Pro 

Ứng dụng

Một trong những lỗi lặp lại của LG là các phần mềm dung lượng lớn đã bành trướng trên điện thoại Optimus G Pro. Có đến 15 ứng dụng cài sẵn mà không thể gữ bỏ, bao gồm 10 ứng dụng của các mạng di động. Một số ứng dụng có ích như Mobile TV giúp xem TV trên điện thoại, myAT&T giúp quản lý tài khoản, và Smart WiFi giúp giảm dữ liệu sử dụng, nhưng các ứng dụng còn lại thì hoàn toàn có thể được thay thế bằng những ứng dụng tốt hơn trên Google Play. Đây là một sự ép buộc quá đáng đối với người sử dụng. 

QuickRemote là một trong số những ứng dụng cài sẵn đáng chú ý. Ứng dụng này tận dụng cảm biến hồng ngoại có sẵn để biến Optimus G Pro thành một chiếc điều khiển TV có thể dùng được với nhiều loại TV và bộ giải mã. Việc cài đặt rất đơn giản, truy cập nhanh vào màn hình khóa hoặc bảng hiển thị thông báo, và rất nhiều tính năng hỗ trợ. Ví dụ, đối với TV LG và bộ giải mã Verizon FiOS, Optimus G Pro có thể điều khiển trơn tru hơn hẳn so với các thiết bị di động và máy tính bảng khác có tính năng tương đương. 

Trình duyệt 

Mặc dù LG đã chọn Chrome làm trình duyệt mặc định cho điện thoại Lucid 2 – một sản phẩm tầm trung, cả Chrome và ứng dụng “trình duyệt” đều được cài đặt cho Optimus G Pro. Ứng dụng trình duyệt của LG có vẻ nhanh và đơn giản hơn một chút, tuy nhiên, nhiều người sử dụng có thể sẽ muốn sử dụng Chrome vì khả năng đồng bộ hóa lịch sử trình duyệt và dữ liệu giữa điện thoại và máy tính. 
Họa tiết của LG Optimus G Pro 

Kết nối & Dữ liệu 

Optimus G Pro có kết nối LTE và HSPA+ giúp truyền tải kết nối 4G tại những nơi có sóng dịch vụ này. Tín hiệu của Optimus G Pro mạnh, giúp ổn định chất lượng cuộc gọi. Microphone có khả năng giảm nhiễu và loa sau đã đạt được hiệu quả tuy không nổi trội nhưng ổn định. 

Camera

Camera sau 13 megapixel của sản phẩm này thực sự không tốt hơn là bao so với các camera 8 megapixel hiện có trên thị trường. Camera giúp ghi lại hình ảnh rộng hơn, nhưng đôi khi màu sắc bị xỉn hoặc quá sáng. Phần mềm chụp ảnh cho phép điều chỉnh độ phơi sáng, cân bằng trắng và nhiều tính năng khác, nên người sử dụng nên tự điều chỉnh theo ý mình và cải thiện các bức ảnh trung bình. Có thể nói, Optimus G Pro gần như là vượt trội trong các hạng mục phần cứng, nhưng đối với chất lượng hình ảnh thì lại không thể vượt qua mức trung bình. 

Phần mềm này cũng có chế độ tự nâng cao cho việc “chụp ảnh tự sướng” với camera trước 2,1 megapixel, chế độ hẹn giờ, chụp ảnh kích hoạt bằng giọng nói, và có cả chế độ Time Catch để chụp ảnh trước cả khi bấm phím chụp để ghi lại cả những khoảnh khắc bất ngờ nhất. Tất nhiên đây có thể chỉ là những ứng dụng rườm rà được cho vào để bù cho chất lượng cảm biến kém của camera. 

Pin của LG Optimus G Pro

Pin

Với pin 3.140 mAh, LG Optimus G Pro được coi là một trong những thiết bị sử dụng hệ điều hành Android có pin tốt nhất hiện nay. Pin khủng là một điều cần thiết bởi vì màn hình 5,5 inch và bộ vi xử lý lõi tứ của sản phẩm này sẽ ngốn rất nhiều điện năng. Optimus G Pro đã cố gắng trụ được với hai vấn đề này và thậm chí vẫn chạy tốt chỉ với một lần sạc mỗi ngày. G Pro có thể chạy trong 9 tiếng đồng hồ khi sử dụng tối đa. Người dùng có thể nghe nhạc hàng giờ, sử dụng bản đồ điều hướng, duyệt web mà vẫn có đủ pin để xem Youtube trong 60 phút trước khi pin tắt hẳn. Đối với những người sử dụng ít, điện thoại có thể trụ được 2 ngày hoặc ít nhất 1 ngày. 
LG Optimus G Pro

Kết luận

Có thể nói, LG cần phải một bước tiến đáng kể và đưa ra một sản phẩm smartphone có những tính năng độc đáo mà các hãng khác không có. Nhưng Optimus G Pro chưa thể là sản phẩm giúp LG đạt được điều này, vì có quá nhiều điểm tương đồng với Galaxy Note II hay với chính sản phẩm Optimus G đã được xuất xưởng gần một năm trước. 

Về tổng thể, G Pro là một sản phẩm thuận tiện. Tuổi thọ pin trên mức cần thiết, màn hình tuyệt đẹp và còn nhiều ưu điểm khác. LG còn cần phải cố gắng hơn nữa trong việc tinh chỉnh các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android của mình, nhưng điện thoại G Pro có thể được coi là đã phản ánh chính xác vị thế của LG hiện nay. Optimus G Pro có thể không phải là điện thoại lý tưởng dành cho những người mong muốn một sản phẩm có thiết kế sang trọng, nhưng sẽ là một lựa chọn hấp dẫn dành cho những ai mong muốn có pin bền và bộ vi xử lý thuộc hàng khủng. 

Thủy Nguyễn