Lừa đảo trực tuyến rầm rộ “tái xuất”

14:33, 12/03/2024

Theo các chuyên gia an ninh mạng, tình trạng lừa đảo qua mạng vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn mắc bẫy.

Nhiều thủ đoạn

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, nhưng không ít người nhẹ dạ vẫn mắc bẫy của các đối tượng. Có thể kể đến như: Đầu tháng 3/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận đơn của chị T, trình báo sự việc bị chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng.

Tại cơ quan Công an, chị T cho biết tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder và quen một người đàn ông tự giới thiệu là bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Singapore. Sau khi tạo niềm tin với chị T, người này mời chị tham gia chơi tiền ảo. Lần đầu, chị T nạp 20 triệu đồng và ngay lập tức được rút 30 triệu đồng. Chị tiếp tục nạp 266 triệu đồng và rút ra được 304 triệu đồng.

Công an Hà Nội tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh minh họa: Công an Thành phố

Sau 2 lần nạp tiền, chị T đã thu về lợi nhuận 48 triệu đồng, lãi 16,8% số tiền gốc chị bỏ ra trong vòng 2 ngày. Chị tiếp tục nạp 300 triệu đồng thì được thông báo “tài khoản thắng 10,1 tỷ đồng” nhưng không rút được tiền. Hệ thống thông báo “phải nộp 20% lợi nhuận thuế thu nhập cá nhân”. Chị T đã nộp 1,7 tỷ đồng tiền tiền thuế thu nhập cá nhân, 2 tỷ đồng tiền xác minh tài khoản để được rút tiền về và 1,4 tỷ để tham gia kênh rút tiền nhanh. Tuy nhiên, chị vẫn không rút được. Chỉ trong vòng 5 ngày, chị đã chuyển cho các đối tượng 5,4 tỷ đồng. Sau đó, chị biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Trước đó, ngày 19/2, Công an quận Tây Hồ, tiếp nhận đơn trình báo của anh Đ (sinh năm 1970, ở Tây Hồ) về việc anh Đ lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng online. Khi tham gia, anh Đ đã đóng 560 triệu đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không thể rút tiền ra được. Lúc này anh mới phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Có thể thấy, đối tượng lừa đảo luôn đưa ra lợi ích rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý người dân có “nhu cầu kiếm tiền” để lừa đảo thông qua việc: Hướng dẫn hỗ trợ mở cửa hàng trực tuyến trên Amazon, Shoppe; vào các sàn xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, đặt đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử... để được chi hoa hồng, sau đó dẫn dụ đầu tư và lừa đảo; tuyển cộng tác viên làm online “việc nhẹ lương cao” thông qua chạy quảng cáo, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng…

Bên cạnh đó, các đối tượng gọi điện, nhắn tin mời chào nạn nhân tham gia các “nhóm đầu tư thông minh”, “nhóm chuyên gia tài chính”, “nhóm đầu tư chứng khoán quốc tế” với mục đích đưa nạn nhân vào các nhóm lừa đảo để thao túng, dẫn dụ nạp tiền đầu tư vào các website, ứng dụng do đối tượng tự tạo lập với danh nghĩa đầu tư chứng khoán online, dự đoán tăng giảm giá vàng, dầu hay giao dịch tiền ảo.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Với nhiều phương thức lừa đảo, tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng...

Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ, hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin để đề nghị chuyển tiền, yêu cầu cài đặt app qua đường link có chứa mã độc. Mặt khác, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử, cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng, sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng.

Bên cạnh đó, tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường, cùng với các khoản phí không rõ ràng. Tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo.

Bộ Công an, Công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây có yếu tố người nước ngoài, các nhóm lừa đảo đặt trụ sở tại nước ngoài, sau đó lôi kéo người Việt Nam tham gia hoạt động cờ bạc, lừa đảo. Tuy nhiên, tình trạng tội phạm công nghệ cao vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nguyên nhân là bởi các đối tượng lợi dụng các thế mạnh của công nghệ thông tin như tính mã hóa, bảo mật, xuyên biên giới để thực hiện các hành vi phạm tội. Trong khi đó, quá trình điều tra, xử lý lại tốn nhiều thời gian, công sức…

Trung tá Phạm Tiến Lập - Phó Trưởng Công an phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng online, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên mạng xã hội. Không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo, để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ và ngày một tinh vi hơn. Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tuần qua (4/3 - 11/3/2024) đã có 254 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam thông báo về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) qua hệ thống tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn.

Theo laodongthudo.vn

https://laodongthudo.vn/lua-dao-truc-tuyen-ram-ro-tai-xuat-167411.html