“Miếng bánh” 500 triệu USD cho ngành an ninh mạng
Sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và quy mô thị trường, ngành an toàn thông tin, an ninh mạng Việt Nam đang trở thành ngành công nghiệp mới, đạt quy mô trên 500 triệu USD vào năm 2025.
Doanh nghiệp Việt từng bước “phủ sóng”
Thị trường an ninh mạng Việt Nam trước đây chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng hiện tại, gió đã đổi chiều.
Nếu như năm 2015, tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn thông tin, an ninh mạng của Việt Nam chỉ chiếm 5%, thì đến năm 2020 đạt 91%; năm 2021 ước đạt 100%. Tỷ lệ doanh thu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam so với sản phẩm nước ngoài tăng từ 18% (năm 2015) lên 45% (năm 2020); năm 2021 là hơn 50%.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an toàn, an ninh mạng.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thị trường an toàn thông tin, an ninh mạng Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh mẽ về cả doanh thu và quy mô thị trường. Mục tiêu được đặt ra là Việt Nam sẽ trở thành cường quốc an toàn an ninh mạng với sứ mệnh bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, tạo niềm tin số, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng ra các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp trong nước sản xuất đạt 100%; tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn an ninh mạng đạt trên 70%; tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt đạt 35 - 45%/năm. Thị trường đạt quy mô trên 500 triệu USD vào năm 2025; thị phần trong nước đạt trên 50%. Đến hết năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số An toàn thông tin toàn cầu (GCI) và top 3 ASEAN.
“Sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Mà muốn làm tốt việc này, thì chúng ta phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Chúng ta phải xây dựng một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Mục tiêu làm chủ thị trường
Muốn phát triển thị trường, tăng số doanh nghiệp, thì phải mở rộng quy mô người dùng, trong đó, người dùng tin cậy, uy tín nhất chính là khối khách hàng Chính phủ, doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, tự chủ công nghệ, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn an ninh mạng là giải pháp căn cơ để bảo đảm an toàn an ninh mạng Việt Nam. Phát triển hệ sinh thái an toàn an ninh mạng Việt Nam chính là tiền đề phát triển nền công nghiệp an toàn an ninh mạng Việt Nam.
“Mỗi người dân sẽ có một ‘hiệp sĩ’ bảo vệ, có giải pháp bảo đảm an toàn không gian mạng. Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ có một đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ. Phấn đấu 100% bộ, ngành, UBND các tỉnh bảo đảm an toàn thông tin theo 4 lớp. Đặc biệt, mục tiêu sẽ hướng tới bảo vệ hạ tầng thông tin 11 lĩnh vực quan trọng, như ngân hàng, tài chính, giao thông, y tế, chính phủ, giáo dục…”, ông Phúc cho biết.
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện tỷ lệ đầu tư cho an toàn thông tin ở nước ta còn thấp, chiếm khoảng 5% tổng mức đầu tư cho công nghệ thông tin (trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước là 15 - 20%). Bộ Thông tin và Truyền thông đang thúc đẩy tỷ lệ này lên khoảng 20%.
Ông Phúc cho biết, thời gian qua, Bộ đã liên tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước qua nhiều kênh, như bảo trợ, tổ chức chương trình bình chọn, vinh danh, giới thiệu sản phẩm; tổ chức diễn đàn… Các chương trình này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản và mang lại hiệu ứng tốt đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Văn bản số 2085/BTTTT-CATTT về việc khuyến khích sử dụng sản phẩm, giải pháp “Make in Việt Nam” để giới thiệu sử dụng 25 sản phẩm, giải pháp an toàn an ninh mạng tiêu biểu của doanh nghiệp trong nước. Các sản phẩm này cũng đã nhận được phản hồi tích cực. Đây là cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng… có thể an tâm lựa chọn sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav chỉ ra rằng, để trở thành cường quốc an ninh mạng, mở rộng quy mô, tăng doanh thu thị trường, Việt Nam cần 2 yếu tố: chất lượng nguồn nhân lực và làm chủ được các sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực này.
Ông Tuấn Anh phân tích, về nguồn nhân lực, Việt Nam đã ghi dấu ấn trong nhiều sự kiện về an ninh mạng trên thế giới (các cuộc thi về bảo đảm an toàn không gian mạng, diễn tập phòng, chống tấn công mạng toàn cầu); chất lượng nguồn nhân lực cũng rất tốt, nhưng số lượng lại chưa bảo đảm yêu cầu. Về sản phẩm, hiện thị trường phần mềm diệt vi-rút đã trở thành sân chơi của doanh nghiệp trong nước, chỉ còn duy nhất một thương hiệu nước ngoài tồn tại với thị phần khiêm tốn. Đây là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của thị trường an ninh mạng.
Đề cập thách thức, theo ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc chiến lược của Công ty An ninh mạng Viettel, Covid-19 đang tác động lớn tới thị trường, trong đó, tác động lớn nhất là ngân sách của khách hàng giảm xuống, còn sự cạnh tranh với các công ty nước ngoài tăng lên, vì phần lớn khách hàng Việt Nam vẫn có xu hướng ưa thích các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài hơn nội địa. Bên cạnh đó, thách thức đối với các doanh nghiệp còn đến từ sự thiếu hụt lực lượng chuyên gia bảo mật chất lượng cao…
“Xu hướng mới là việc chuyển dịch sang mô hình điện toán đám mây, quyền riêng tư dữ liệu và IoT sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tất cả điều này tạo ra những cơ hội, thách thức đối với thị trường bảo mật Việt Nam”, ông Nam nhận định.
Theo/ictvietnam.vn