Minh bạch, liên thông mọi quy trình và áp dụng các công nghệ số để chuyển đổi xanh

09:00, 31/05/2024

Chuyển đổi xanh (CĐX) trong sản xuất công nghiệp là một hành trình không thể thiếu trong tiến trình hướng tới mục tiêu thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất công nghiệp” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao CĐS Việt Nam – châu Á (Vietnam – Asia DX Summit) 2024, diễn ra chiều 29/5 tại Hà Nội, ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban chuyển đổi số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, phát triển bền vững theo hướng xanh – nếu các doanh nghiệp (DN) làm nghiêm túc, trách nhiệm sẽ tạo ra sức mạnh kép.

Theo ông Lâm Quang Nam, việc chuyển đổi xanh khi triển khai không phải là điều dễ dàng, nếu DN không có cái nhìn sâu, rộng thì có thể sẽ thực hiện theo phương thức, mô hình tiếp cận là hạ nguồn gánh thượng nguồn.

Nghĩa là, nếu gắn ở vị trí xuất phát là hạ nguồn, DN sẽ luôn bị động, bị gánh tất cả những gì gọi là không xanh từ phía thượng nguồn chảy về. Chính vì vậy, DN cần có sự chủ động, xuất phát ngay từ điểm đỉnh của thượng nguồn, có quá trình rõ ràng.

Để làm được điều này, DN phải có sự minh bạch, liên thông mọi quy trình đầu vào, ra đối với sản phẩm và phải áp dụng các công nghệ số đối với mọi quy trình điều hành, quản trị.

Cũng theo ông Nam, để thực hiện tốt việc chuyển đổi số, cần dựa trên 3 nội dung cơ bản đó là: Quy trình (vận hành, chuỗi cung ứng, vòng đời sản phẩm); công nghệ (tự động, kết nối, thông minh); tổ chức (con người, cơ cấu).

Ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban chuyển đổi số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Cùng quan điểm với ông Nam, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, muốn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, điểm quan trọng cần đẩy mạnh chính là: Khi thực hiện địa phương cần bám sát mô hình tổng thể: yếu tố dẫn dắt (xây dựng thể chế; quy hoạch); hỗ trợ (thiết kế hạ tầng; nguồn nhân lực; thương hiệu, năng lực, cạnh tranh); các trụ cột (tri thức; thông minh; văn hoá; sinh thái).

Cần đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng theo mô hình xanh (Rà soát, đánh giá hiện trạng; xác định mục tiêu trước mắt, lâu dài, nội dung các hoạt động ưu tiên; tính toán các chỉ số đo lường cụ thể để đạt mục tiêu đề ra trong các năm kế hoạch và năm định hướng; thiết lập danh mục các chương trình và kế hoạch hành động.

Theo TS.Nguyễn Phương Bắc, các DN cần lựa chọn, thực hiện theo kịch bản tăng trưởng xanh tối ưu có đánh giá về chi phí, lợi ích qua 3 kịch bản gồm: Kinh tế (đảm bảo được các tiêu chí về giảm phát thải khí nhà kính, mang lại lợi ích kinh tế và làm gia tăng GDP, góp phần giảm tiêu hao năng lượng, gia tăng việc làm nhưng yêu cầu nguồn lực vừa phải; Kỹ thuật (có mức giảm phát thải thấp cho phép); Net-zero (kịch bản với tầm nhìn dài hạn về trụ cột môi trường, có tiềm năng giảm phát thải).

Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong việc triển khai chuyển đổi số tại DN của mình, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Công ty CP Hồng Lam cho biết, từ khi chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ số tân tiến, đơn vị thu được những kết quả tích cực, đó là việc gia tăng sản lượng, chất lượng nguyên liệu, giảm thiểu lãng phí.

“Việc áp dụng, ứng dụng các công nghệ, nền tảng số còn giúp đơn vị hiểu rõ sở thích, thói quen và hành vi mua hàng của khách hàng, từ đó giúp công ty đưa ra những giải pháp, dịch vụ giải quyết chính xác nhu cầu của từng khách hàng, đồng thời, cá nhân hóa trải nghiệm của mỗi khách hàng”- ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ.

Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay

(https://vnautomate.net/minh-bach-lien-thong-moi-quy-trinh-va-ap-dung-cac-cong-nghe-so-de-chuyen-doi-xanh.html)