Một số tài phiệt lâu năm tại Đông Nam Á đua nhau đầu tư vào ngành công nghệ
Một số tài phiệt lâu năm tại Đông Nam Á hiện đang tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghệ, họ đang cố gắng bù lại cho thiệt hại tại nhiều ngành khác, từ bán lẻ cho đến dịch vụ hay sản xuất.
Theo Bloomberg, một số tập đoàn gia đình, doanh nghiệp đầu tư gia đình của nhiều tỷ phú châu Á ví như ông Dhanin Chearavanont tại Thái Lan cho đến ông Lance Gokongwei của Philippines hiện đang rót hàng triệu USD trực tiếp vào các doanh nghiệp tiềm năng hoặc thanh lập những quỹ đầu tư vốn mạo hiểm. Việc hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon cũng đang trở nên ngày một phổ biến hơn.
Với lượng tiền đầu tư lớn này, các đế chế kinh doanh truyền thống giờ đây đang dịch chuyển sang thế giới của thương mại điện tử và số hóa, nó dọn đường cho nguồn doanh thu mới sau nhiều tháng chịu hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại. Sự dịch chuyển này đã được quan tâm nhiều hơn dưới thời thế hệ tỷ phú mới và trong nhiều trường hợp là những người trẻ tuổi và thuộc thế hệ thừa kế thứ 3.
Giám đốc điều hành quỹ 500 Startups khu vực Đông Nam Á, ông Vishal Harnal, nhận xét: “Việc tiền của nhiều gia đình khu vực Đông Nam Á đổ nhiều vào ngành công nghệ bởi gần đây các doanh nghiệp khởi nghệ đã có nhiều thành công. Có ngày một nhiều tiền từ các gia đình vào các doanh nghiệp kiểu này và đại dịch đã đẩy nhanh quá trình này”.
Các tập đoàn gia đình của khu vực Đông Nam Á, sau nhiều thập kỷ trở thành động lực quan trọng cho các nền kinh tế Đông Nam Á, giờ đây đang đương đầu với quá nhiều thách thức khi chính phủ các nước đang cố gắng kiềm chế lây nhiễm COVID-19. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào tháng trước đã hạ dự báo triển vọng kinh tế khu vực xuống còn 3,1%, ADB khẳng định nhóm nước đang phát triển châu Á hiện vẫn dễ chịu tổn thương từ đại dịch COVID-19.
Dù rằng đại dịch COVID-19 khiến cho du lịch và bán lẻ suy giảm mạnh tại khu vực Đông Nam Á, khu vực này là nơi tập trung nhiều những doanh nghiệp Internet tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã thực hiện 393 thương vụ trong nửa đầu năm 2021, nhóm quỹ này huy động 4,4 tỷ USD bằng việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp khắp Đông Nam Á, theo nghiên cứu độc lập của Cento Ventures.
Trong số những tỷ phú chạy đua trong cuộc đua này là tập đoàn đa ngành Charoen Pokphand có lịch sử 100 năm tuổi của Tái Lan. Chủ tịch của tập đoàn này là ông Dhanin, người đứng đầu đế chế kinh doanh giàu có nhất Thái Lan. Tập đoàn CP của Thái Lan cũng dẫn đầu trong vòng gọi vốn đầu tư hạng C vốn được bảo trợ bởi tập đoàn Ant của Jack Ma. Tập đoàn CP cũng hợp tác với ngân hàng thương mại Siam nhằm lập ra quỹ mạo hiểm quy mô 800 triệu USD, mỗi bên góp trước 100 triệu USD.
Dù rằng việc doanh nghiệp công nghệ được định giá cao có thể thu hút sự quan tâm, tuy nhiên nhóm này cũng đương đầu với một số rủi ro khi mà họ đầu tư vào ngành công nghệ.
Những doanh nghiệp ở giai đoạn ban đầu thường tiêu tốn rất nhiều tiền trước khi giành được thị phần. Họ cũng cần được hỗ trợ và định hướng nhiều hơn so với các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm. Hơn thế nữa, các tập đoàn này sẽ cần phải hợp tác với những nhà đầu tư có tiềm lực vốn thật mạnh và nhiều kinh nghiệm hơn như các quỹ thịnh vượng hay quỹ đầu tư vốn mạo hiểm.
Thế nhưng nhiều doanh nghiệp gia đình châu Á không chùn bước. Một số đã bắt đầu các dự án thử nghiệm với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghệ nhằm đón đầu cơ hội đầu tư vào các ngành có nhiều tiềm năng. Đồng thời, họ cũng đang cố gắng có được các hoạt động hợp tác vào nhiều lĩnh vực như tự động hóa ngành sản xuất hay sáng tạo bền vững ví như công nghệ tài chính, công nghệ y tế và thiết bị chạy điện.
Thùy Chi (T/h)