Mua smartphone cũ liệu có nguy cơ lây Covid-19?
Virus SARS-CoV-2 có thể sống khoảng 4 ngày trên bề mặt điện thoại nếu không được khử trùng. Điều này làm dấy lên lo ngại bị lây Covid-19 khi mua các thiết bị từ tay chủ cũ.
- Hà Nội khởi động lại hệ thống chống dịch COVID-19
- Quét mã QR trong Chuyển động 24h để cập nhật thông tin nóng về COVID-19
- Thêm 9 ca mắc COVID-19 mới tại Đà Nẵng, Hà Nội, hiện Việt Nam có 459 ca bệnh
- Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong phục hồi sau dịch Covid-19
- “Bầu Hiển” tiếp tục đi đầu trong cuộc chiến chống COVID-19
Mua điện thoại cũ từ lâu đã là một lựa chọn khá phổ biến với người Việt Nam, đặc biệt là với đối tượng sinh viên, hay những người không quá dư dả về tài chính.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm về giá thành, các mẫu điện thoại cũ/đã qua tay sử dụng của nhiều người tiềm ẩn các rủi ro không thể thấy bằng mắt thường.
Điện thoại cũ là "ổ chứa" vi khuẩn
Cách đây không lâu, một nghiên cứu của Hugh Pennington, giáo sư về vi khuẩn học tại Đại học Aberdeen cho biết bề mặt của điện thoại trung bình bẩn gấp hơn gấp 7 lần so với bồn cầu nhà vệ sinh.
Để chứng minh cho điều này, giáo sư đã thực hiện quét một vị trí trên bồn cầu vệ sinh và phát hiện ra 220 điểm sáng, nơi có chứa vi khuẩn. Còn với một chiếc điện thoại thì con số này lên đến 1.479 điểm sáng nơi chứa vi khuẩn.
Sau khi khảo sát trên 50 chiếc điện thoại, cho thấy vi khuẩn tồn tại lâu nhất trên những thiết bị có vỏ bằng da. Loại vỏ này bẩn gấp đến 17 lần bồn cầu nhà vệ sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan khắp toàn cầu, sự lo ngại khi điện thoại sẽ trở thành "vật trung gian" lây bệnh càng trở nên hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta.
Một nghiên cứu mới đây từ Trung tâm Khoa học sức khỏe của trường Đại học Tennessee (Mỹ) cho biết virus SARS-CoV-2 có thể sống tới 96 giờ, tức 4 ngày trên bề mặt điện thoại nếu không được khử trùng.
Điều này có nghĩa là nếu như chủ cũ của chiếc điện thoại nhiễm Covid-19, rất có khả năng nó cũng mang theo virus và lây sang những người khác nếu họ chẳng may cầm máy trên tay, hoặc khi sử dụng.
Nguy cơ lây nhiễm phụ thuộc người bán
Có một điều may mắn đó là chúng ta có thể dễ dàng loại trừ mối nguy hại lây nhiễm Covid-19 qua vật thể trung gian này bằng cồn y tế, khăn lau kháng khuẩn, hay thậm chí là đèn UV.
Tuy nhiên, việc đảm bảo người bán có thực hiện đầy đủ các công đoạn này không lại là cả một vấn đề nan giải.
Theo khảo sát, mặc dù các chủ cửa hàng điện thoại thường sẽ chủ động làm sạch, lau kỹ điện thoại trước khi bán tới tay khách. Tuy nhiên trong quá trình mở máy và nhập kho trước đó, không loại trừ khả năng chính những người này sẽ trở thành ca nhiễm nếu như không trang bị cẩn thận.
Cần lưu ý rằng, hầu hết các điện thoại cũ, đặc biệt là iPhone sẽ nhập về Việt Nam thông qua nguồn từ Trung Quốc - quốc gia vẫn đang có rất nhiều ca nhiễm. Một số sẽ tới thẳng tay người tiêu dùng. Số khác sẽ qua tay từ 3, 4 khâu trung gian trước khi được bày bán tại các cửa hàng.
Theo đó, mỗi khi trải qua một khâu, chiếc smartphone sẽ càng có nguy cơ bị virus SARS-CoV-2 bám lại trên bề mặt, chứa bên trong các hộp đựng, túi bọc nếu như tiếp xúc với ca nhiễm.
Dù đây không phải nguồn chính dẫn tới lây lan virus, nhưng theo tiến sĩ Simone Wildes, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại New York, người dùng vẫn nên giảm thiểu rủi ro bằng cách nên rửa tay thường xuyên, và vệ sinh điện thoại bằng khăn khử trùng, hoặc dung dịch kháng khuẩn.
Minh Anh