Nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước
Thời gian qua, Bộ Công Thương đẩy mạnh xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Bài 2: Xây dựng trường chất lượng cao làm nòng cốt của ngành giáo dục Thủ đô
- Bài 1: Linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và phát triển trường chất lượng cao
- TNR Stars Diễn Châu - Top10 thương hiệu sản phẩm bất động sản chất lượng năm 2021
- Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào cơ quan hành chính
- T&T Group hợp tác với Nhật Bản phát triển y tế chất lượng cao tại Việt Nam
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và những đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 67 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cho các sản phẩm hàng hóa. Các QCVN này là cơ sở khoa học và công cụ quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe của người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… thông qua việc kiểm soát sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu có nguy cơ gây mất an toàn, kém chất lượng.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của nước ta bao gồm trên 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài là 60%. Số lượng TCVN liên quan đến ngành Công Thương khoảng hơn 6.387 TCVN (chiếm 53% tổng số TCVN). Về cơ bản, các TCVN này được xây dựng bởi ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó, có sự tham gia của Bộ Công Thương với tư cách thành viên của các ban kỹ thuật.
Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, từ khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành, Bộ Công Thương đã giao cho các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ biên soạn một số dự thảo TCVN theo kế hoạch phê duyệt hàng năm và chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố. Có thể kể đến một số tiêu chuẩn quan trọng như: Chợ kinh doanh thực phẩm, giấy và các sản phẩm giấy, sản phẩm thuốc lá, tinh quặng, xỉ thép, khí thiên nhiên…
Việc ban hành các TCVN, QCVN kịp thời đã giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với vai trò, lợi ích của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và xu hướng, thông lệ quốc tế... Dựa trên phân định trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, công tác quản lý sẽ tập trung vào các hoạt động: Thực thi đầy đủ trách nhiệm được phân công về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, QCVN làm cơ sở quản lý an toàn, chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý ngành Công Thương, đặc biệt các QCVN về lĩnh vực an toàn thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng - những sản phẩm được tiêu thụ nhiều, chủng loại đa dạng và có nguy cơ cao gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công Thương theo hướng áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Theo/congthuong.vn