Nga-Ukraine: Vấn đề khí đốt đã có chút “le lói”

14:29, 18/10/2014

Với những cố gắng của các nhà lãnh đạo các nước EU ở Diễn đàn Hợp tác Á - Âu tại Milan, vấn đề khí đốt cho Ukraine trong mùa đông tới có vẻ đã có “bước tiến mới”.

Hai bên đã nhất trí những chi tiết chính

Theo Reuters, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 17/10, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết Moskva và Kiev đã nhất trí soạn thảo một hợp đồng nhằm giải quyết cuộc tranh cãi về các nguồn cung khí đốt, VietnamPlus cho hay.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Hai nhà lãnh đạo Ukraine - Nga đã có cuộc hội đàm “căng thẳng” cùng với lãnh đạo Đức, Pháp sau cuộc hội đàm trước đó cùng ngày với các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU), mà Điện Kremlin đánh giá là "đầy khó khăn".

Trả lời báo giới sau cuộc hội đàm bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) tại Milan (Italy), ông Poroshenko khẳng định: "Chúng tôi đã nhất trí về những chi tiết chính của thỏa thuận khí đốt".

Nga: Phương Tây phải giúp Ukraine mua khí đốt cho mùa Đông

Ngày 17/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông và người đồng cấp Petro Poroshenko của Ukraine đã nhất trí về các điều kiện để Nga cung cấp khí đốt cho Ukraine ít nhất trong giai đoạn mùa Đông - Dẫn nguồn Reuters, VietnamPlus cho biết.

Ông Putin đồng thời nói rằng, Ukraine đang thiếu tiền và hy vọng các đối tác phương Tây của Kiev sẽ giúp Ukraine khắc phục tình trạng này.  “Chúng tôi cho rằng các đối tác châu Âu của chúng tôi, Ủy ban châu Âu, cũng có thể và phải giúp đỡ Ukraine để giải quyết vấn đề này”, ông Putin nói.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine nói rằng cuộc gặp với ông Putin đã không mang lại kết quả thực tế nào về vấn đề tranh cãi khí đốt giữa 2 nước. “Chúng tôi không thể đạt được kết quả thực tế nào về vấn đề khí đốt. Chúng tôi hy vọng sẽ cố gắng tìm ra một giải pháp trước ngày 21/10, khi vòng đàm phán mới với EU sẽ được tiến hành theo kế hoạch” - Ông Poroshenko nói.

Các vấn đề về Ukraina còn “đầy khó khăn và bất đồng”

Bên lề hội nghị cấp cao Á – Âu ASEM 10, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng đã không đạt được đột phá nào trong cuộc gặp sáng 17/10 của lãnh đạo các nước EU với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko. “Đã có tiến bộ ở một vài chi tiết, song vấn đề chính là sự vi phạm tiếp tục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina,” bà nói, và cho biết các bên sẽ tiếp tục đàm phán, báo Lao động đưa tin.

Còn Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy bình luận, sau cuộc gặp nói rằng, các bên vẫn chưa tìm thấy giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraina. Ông Rompuy cho biết, các bên tham gia đồng ý cần thiết phải tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hòa bình đã đạt được ở Minsk, Belarus hồi đầu tháng Chín.

 

Cuộc gặp của một số lãnh đạo bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu tại Milan.

Có khả năng ông Putin và ông Poroshenko sẽ tiếp tục gặp gỡ song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEM - ông Dmitry Peskov người phát ngôn của ông Putin cho biết. Và ông tiết lộ thêm rằng, Nga muốn các nhà báo tham gia cuộc gặp. “Việc tham gia của báo chí phụ thuộc vào đối tác Ukraina. Chúng tôi cởi mở về việc này, và hy vọng họ cũng vậy”.

Nhưng theo trang GDVN, “có rất ít tiến bộ đột phá” cho tiến trình hòa bình ở Ukraine và hoạt động cung cấp khí đốt trong các cuộc đàm phán bên lề ASEAM giữa ông Putin và các đối tác. "Hiện vẫn còn khác biệt lớn liên quan đến nguồn gốc của xung đột nội bộ ở Ukraine cũng như những nguyên nhân gốc rễ của những gì đang xảy ra", hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết sớm ngày 17/10. Bình luận được đưa ra sau khi hai nhà lãnh đạo đã tổ chức một cuộc hội đàm kéo dài 2,5 giờ vào cuối ngày 16/10 bên lề hội nghị ASEM.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin miêu tả cuộc gặp của ông với Tổng thống Ukraina là ‘tích cực”. Tuy nhiên, Dmitry Peskov người phát ngôn của ông Putin lưu ý rằng, một số bên tham gia cuộc gặp không chịu hiểu tình hình thực sự ở miền Đông Ukraina. Ông Peskov thừa nhận rằng cuộc đàm phán rất “khó khăn” do một số khác biệt và không hiểu biết chung giữa các bên.

Thanh Trà (tổng hợp)