Ngăn chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử là trách nhiệm chung của toàn xã hội

14:51, 03/07/2024

Hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc bày bán trên không gian mạng đã, đang và vẫn tiếp tục là một mặt trận nóng bỏng bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử thời gian qua cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với những thủ đoạn tinh vi cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Do vậy, cần tăng cường nhiều giải pháp để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phần lớn các đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng.

Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, đăng sản phẩm trên website nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời.

Bên cạnh đó, chiêu trò “treo đầu dê, bán thịt chó” cũng hết sức phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà khách hàng khó phát hiện.

Khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những lời mời chào mua hàng có thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, Chanel, Boss… nhưng chủ yếu đó là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi.

Tình trạng này đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu, doanh thu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và xâm phạm quyền lợi chính đáng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Có thể nói, ngăn chặn các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Các lực lượng chức năng cần tích cực chủ động phối hợp, thực hiện rà soát nắm bắt thông tin phát hiện xử lý hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa,… Phải tập trung rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); cần yêu cầu bổ sung trách nhiệm của các chủ mạng xã hội, sàn giao dịch hương mại điện tử. Bên cạnh đó, phải tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; giám sát hàng hóa lưu thông trên môi trường mạng nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng hương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian tới. Ngoài ra, người dân cũng cần góp sức ngăn ngừa hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trong vai trò là người tiêu dùng, không tiêu thụ hàng giả trên không gian mạng, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát giác hành vi vi phạm việc vận chuyển, tiêu dùng hàng hoá vi phạm.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

https://sohuutritue.net.vn/ngan-chan-hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-la-trach-nhiem-chung-cua-toan-xa-hoi-d227905.html