Ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ cho vay, bán lẻ
Báo cáo quý III/2022 được các ngân hàng công bố cho thấy, lợi nhuận vẫn tăng trưởng mạnh nhờ chiến lược phát triển tín dụng nhỏ lẻ khi hạn mức cho vay dần hạn chế.
Mảng bán lẻ một lần nữa khẳng định vị thế trụ cột tại VPBank trong quý III/2022, khi quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ (gồm cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa và FE Credit) đóng góp gần 70% tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng, với tăng trưởng đạt khoảng 20%. Dư nợ tín dụng hợp nhất trong quý này của VPBank đạt 443.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, dư nợ bán lẻ của VIB vượt 200.000 tỷ đồng, có quy mô thuộc nhóm hàng đầu trong khối ngân hàng tư nhân. Đến hết quý III/2022, chi tiêu trên thẻ của VIB đóng góp trên 35% tổng mức chi tiêu thẻ Master tại Việt Nam. Đồng thời, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, nên 9 tháng đầu năm 2022, VIB ghi nhận tăng trưởng giao dịch ngân hàng số hơn 100% so năm 2021 và đạt tỷ lệ 93% giao dịch qua kênh số.
Bên cạnh mảng bán lẻ, thu nhập từ dịch vụ của các nhà băng tăng. TPBank công bố, 9 tháng đầu năm nay, mảng dịch vụ đạt mức tăng trưởng hơn 78% so với cùng kỳ, mang lại nguồn thu 1.876 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 5.926 tỷ đồng, tăng 1.532 tỷ đồng, tương ứng tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 72% kế hoạch cả năm...
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, tỷ trọng thu ngoài lãi 9 tháng đầu năm nay đóng góp 39,4% tổng nguồn thu của Ngân hàng. Phần lớn nhờ công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh, từ đó đóng góp tích cực vào hiệu quả tài chính của Sacombank.
Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, 9 tháng đầu năm, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 20.800 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước là do kết quả kinh doanh tốt ở các lĩnh vực trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, phân tán. Danh mục tín dụng của Ngân hàng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 222.400 tỷ đồng, chiếm 49,0% danh mục tín dụng của Techcombank (tăng từ mức 36,4% cùng kỳ năm 2021); dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 22,7% so với cuối quý III/2021, đạt 70.700 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn giảm 12,5%, đạt 161.000 tỷ đồng, chiếm 35,5% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng (giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý III/2021).
Danh mục tín dụng ACB cũng tập trung vào mảng bán lẻ với tỷ lệ lên đến 94%. Vì thế, ACB tiếp tục là ngân hàng có tình hình hoạt động kinh doanh khả thi khi đến hết quý III/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.500 tỷ đồng, hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm. Đây cũng là nhà băng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nằm trong top dẫn đầu thị trường, lên trên mức 27%.
Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, danh mục kinh doanh của Ngân hàng khá đặc thù, trong đó mảng cá nhân chiếm 63%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 31% trong tổng bán lẻ. Với bất động sản, tỷ lệ cho vay ở mức thấp, chiếm 4,9%. Mảng khách hàng cá nhân có 1/3 là hỗ trợ khách hàng vay đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
PV