Ngành CNTT vẫn “hot” trong đại dịch COVID-19
Có thể nói Công nghệ thông tin luôn được đánh giá là một trong những ngành khát nhân lực nhất Việt Nam, khi các doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng.
“Khát” nhân sự bất chấp đại dịch
Vingroup vừa chính thức “rút chân” khỏi mảng bán lẻ bằng việc chuyển giao VinCommerce và VinEco về Masan để tập trung dồn nguồn lực cho 2 mảng chủ lực mới là sản xuất công nghiệp và công nghệ thông tin. Với việc chuyển hướng này, Vingroup sẽ cần hàng chục ngàn nhân lực CNTT. Trước đó, Vingroup đã “đặt hàng” 50 trường đại học đào tạo khoảng 100.000 nhân lực CNTT và cấp 1.100 học bổng toàn phần đi nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ.
Mức lương cao đảm bảo cuộc sống của dân công nghệ.
Tại VNPT, hiện số nhân lực CNTT làm việc tại đây khoảng 1.500 người và dự kiến tới năm 2025, VNPT cần khoảng 5.000 kỹ sư CNTT.
FPT cho biết, 3 năm tới sẽ thu hút thêm 10.000 - 20.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số của khách hàng trên toàn cầu.
Còn Viettel, mỗi năm cần tuyển dụng 500 - 1.000 kỹ sư cho các dự án lớn về Big Data, AI, công nghệ hàng không vũ trụ, toán học ứng dụng…
Năm 2020-2021 sẽ là năm mà lĩnh vực CNTT sẽ phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc các công ty Việt Nam như Vingroup, VNPT, FPT, Viettel, VNG, CMC… đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số, sản xuất công nghiệp, là việc làn sóng nước ngoài tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
“Các hãng điện tử nước ngoài lớn như Samsung, LG, Intel… đều mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Một số đại gia khác cũng đang tìm hiểu đầu tư. Ngày càng nhiều dự án đòi hỏi nguồn nhân sự CNTT chất lượng. Nissan đang có 2.000 kỹ sư làm việc tại Hà Nội, chịu trách nhiệm thiết kế phần lớn cho xe Nissan... Từ đây cũng thấy, cuộc cạnh tranh nhân lực là rất cao”, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận xét.
Còn theo lý giải của Chuyên gia Hướng nghiệp, Nghề nghiệp và Khởi nghiệp Vũ Tuấn Anh, cũng giống như các cuộc khủng hoảng đã qua trong quá khứ, đại dịch Covid-19 sẽ tác động xấu tới một số ngành nghề và ngược lại, cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề khác.
Trong rủi ro luôn luôn có cơ hội mới dành cho những ai có khả năng thay đổi để đáp ứng, trong đó có các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin. Sau những tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dù ở quy mô lớn hay nhỏ đều đã nhận thức một cách sâu sắc về mối liên hệ mật thiết giữa khả năng hoạt động theo hình thức online trong mọi khía cạnh như vận hành, marketing, khả năng làm việc từ xa tại nhà,… với tỷ lệ "sống sót" của doanh nghiệp sau biến cố.
Trong bối cảnh đó, mọi nhà quản lý đều mong muốn đẩy mạnh tiến trình số hóa (chuyển đổi số) cho doanh nghiệp của mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho nhu cầu nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình nói riêng tăng rất cao trong thời gian tới.
Vẫn… chờ người tài
Theo báo cáo của Navigos Search về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quý 3, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mặc 1 số ngành nghề nói chung ghi nhận sụt giảm về nhu cầu tuyển dụng, công nghệ thông tin vẫn tiếp đà tăng.
Với nhu cầu nhân lực CNTT tăng cao trên toàn cầu, những cá nhân có các kĩ năng phát triển và quản lý CNTT sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Theo Navigos Search tại thị trường phía Nam, đây là ngành hàng ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng rất cao, khoảng 40%-50% so với thời điểm COVID-19 diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay. Lý do chính dẫn đến sự tăng đột biến là các khách hàng trong ngành này chuyển hướng mạnh sang kinh doanh trực tuyến dẫn đến nhu cầu tìm kiếm các ứng viên trong mảng thương mại điện tử (e-commerce), tiếp thị số (Digital marketing), bán hàng online (Sales online). Các ứng viên trong mảng này có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.
Về mức lương, theo báo cáo thị trường IT 2020 của Topdev, mức lương trung bình đa phần các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho Lập trình viên có kinh nghiệm tại Việt Nam là 1.329 USD/tháng.
Báo cáo của TopDev cũng chỉ ra, nhu cầu nhân sự CNTT tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Cụ thể, năm 2019, số lượng nhân lực CNTT cần có là 350.000 người, nhưng thiếu khoảng 90.000 người. Năm 2020, số nhân lực ngành CNTT cần có ước tính khoảng 400.000 người và ước tính thiếu hụt 100.000 nhân sự và năm 2021 cần 500.000 người và thiếu hút 190.000 người.
Sự thiếu hụt này đến từ nhiều phương diện, chủ yếu do nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, trong khi đội ngũ nhân sự mới lại thiếu những kỹ năng cần thiết do chương trình đào tạo tại các trường Đại học thiếu sự định hướng, chưa đúng trọng tâm doanh nghiệp tìm kiếm.
Bên cạnh đó, việc đưa nhân sự CNTT đào tạo chuyên môn tại nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn do trình độ sử dụng tiếng anh còn nhiều hạn chế khi chỉ có 59% nhân lực CNTT có trình độ ngoại ngữ khá trở lên được thống kê bởi công ty TNHH MTV Hỗ trợ kinh doanh toàn diện. Ngoài ra, sự thiếu hụt chính sách về đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn là một trong những lý do chính khiến cho bài toán tuyển dụng và giữ chân nhân tài IT tại các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.
Có thể thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT vẫn chưa khi nào hết “hot”, tuy nhiên bài toán đào tạo nhân sự CNTT chất lượng cao đang làm đau đầu các doanh nghiệp Việt Nam.
Nói như ông Nguyễn Thành Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel: “Nhân sự cho các dự án lớn về Big Data, AI, hay công nghệ hàng không vũ trụ… đang là nhu cầu cấp bách và là bài toán nan giải đối với Viettel ở thời điểm hiện tại”.
Để giải bài toán này, TS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, kỹ sư CNTT nói chung đã rất hot, nhưng kỹ sư được đào tạo chuyên sâu trong những chuyên ngành hẹp, đang có nhu cầu phát triển lớn như Data Science, AI, Cyber Security… sẽ có triển vọng nghề nghiệp rất tốt trong thời gian tới.
PV