Ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT dạy học trực tuyến
- Khâm phục ý chí học trực tuyến của học sinh vùng cao
- Chọn thiết bị nào cho trẻ học online mùa Covid-19
- Cảnh báo nguy cơ trẻ em bị xâm hại khi tham gia các lớp học trực tuyến
- Thiết bị phục vụ học, làm việc online cháy hàng, loạn giá
- Nền tảng học - thi trực tuyến liên tiếp bị tấn công DDoS
- Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội chủ động ứng dụng công nghệ trực tuyến trong giảng dạy
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm đảm bảo quyền lợi được học tập của học sinh và tiến độ năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn ứng dụng CNTT dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì dịch bệnh Covid-19. Đây là giải pháp hữu hiệu thể hiện sự chủ động của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Từ giữa tháng 3/2020 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã triển khai đến các trường học tổ chức cho giáo viên và học sinh dạy học trực tuyến. Với sự vào cuộc sớm, tính đến đầu tháng 4/2020 đã có trên 65% học sinh THPT Lào Cai học trực tuyến kiến thức mới. Đây là kết quả không hề dễ đạt được với một tỉnh miền núi còn khó khăn và có địa hình chia cắt như Lào Cai.
Cô giáo Cao Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Lào Cai cho biết: việc dạy học trực tuyến được nhà trường triển khai ngay từ đầu mùa dịch theo thời khóa biểu cụ thể từng lớp học, giúp học sinh chủ động học tập, phụ huynh dễ kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử của các con. Để thu hút học sinh vào học trực tuyến nhiều hơn, tạo không khí vui vẻ, việc học bớt căng thẳng, các thầy cô giáo trong trường vừa sáng tạo những bài giảng thiết thực, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ với học sinh. Đến nay 100% học sinh của Nhà trường đã tham gia học trực tuyến.
Ảnh: Giáo viên dạy học trực tuyến (nguồn internet)
Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Lào Cai có 36 trường THPT với 18.045 học sinh. Để đảm bảo quyền lợi được học tập và quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Lào Cai đã triển khai cho các em được học trực tuyến để ôn tập lại kiến thức cũ và thực hiện dạy trực tuyến kiến thức mới cho học sinh. Hai hình thức học trực tuyến được áp dụng là qua mạng internet và qua truyền hình. Một số trường có tỷ lệ học sinh học trực tuyến cao như các trường THPT trên địa bàn thành phố Lào Cai, THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lào Cai, THPT Chuyên Lào Cai, THPT số 1 Văn Bàn, THPT số 1 Bảo Thắng.
Là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc còn nhiều khó khăn, Cao Bằng đang nỗ lực chỉ đạo để tăng cường dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19. Trong thời gian học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh phải nghỉ học do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng đề nghị các đơn vị tăng cường triển khai dạy học trực tuyến trên Hệ thống học trực tuyến VNPT E-Learning trong hệ sinh thái giáo dục VnEdu để tổ chức học tập cho học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2019 - 2020.
Để thực hiện được việc dạy học trực tuyến Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên được tập huấn Hệ thống học trực tuyến VNPT E-Learning. Các giáo viên được chuyên gia VNPT Cao Bằng tập huấn quy trình bài giảng gồm 5 bước: Xác định mục tiêu và kiến thức cơ bản của bài học; xây dựng kho tư liệu phục vụ cho bài học; xây dựng kịch bản cho bài học; lựa chọn công cụ và số hóa kịch bản; chạy thử chương trình, sửa chữa và đóng gói bài giảng. Hệ thống học tập trực tuyến VNPT E-Learning có nhiều tính năng tiện ích. Bài giảng E-Learning có thể tích hợp đa phương tiện như: hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa... giúp bài giảng sống động, trực quan. Không những thế bài giảng có thể dùng trực tuyến hoặc ngoại tuyến, có khả năng tương tác với người học, giúp người học có thể tự học mà không cần đến lớp.
Trải nghiệm hình thức dạy học trực tuyến mới mẻ, thầy giáo Phí Văn Nhất, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chuyên Cao Bằng chia sẻ: Khi dạy học trực tuyến giáo viên có điều kiện để vận dụng đa dạng nhiều phương tiện vào bài giảng như trình chiếu powerpoint, kết hợp đoạn phim hay giảng bài trực tiếp qua ứng dụng zoom để làm bài giảng sinh động và tăng cường khả năng kết nối đến các em học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên có thể chủ động thời gian, việc chuẩn bị cho bài giảng được tốt hơn. Kết nối với nhiều học sinh cùng một lúc ở những địa điểm, thời gian khác nhau. Thậm chí có thể tạo ra bài giảng cho hàng nghìn học sinh theo dõi và học tập. Việc đánh giá mức độ hoàn thành bài học của từng học sinh cũng nhàn hơn thông qua chức năng thống kê của hệ thống trên phần mềm. Từ đó có thể đánh giá được chất lượng học của từng học sinh.
Ảnh: Phòng học trực tuyến
Trên trang thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái thời gian gần đây đã có thêm một thanh công cụ mới cung cấp cho học sinh khai thác để học tập đó là “Dạy học trực tuyến”. Trên thanh công cụ có các dữ liệu gồm Bài giảng; Học qua truyền hình; Tài liệu; Kho tư liệu. Tại đây các bài giảng của giáo viên qua tuyển chọn được ghi hình, dựng video chuyên nghiệp với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt được đăng lên liên tục để các em học sinh có thể vào học tập. Trong thời gian đầu Yên Bái đang ưu tiên xây dựng bài giảng cho các em học sinh lớp 9, lớp 12 cuối cấp phải thi tốt nghiệp trước, sau đó triển khai đến các khối lớp còn lại. Qua số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2019 trang thông tin điện tử của sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái có 26.597 lượt truy cập thì chỉ tính riêng tháng 3/2020 khi Sở bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến có 39.564 lượt truy cập. Con số lượt truy cập đang tăng lên từng ngày khi số lượng bài giảng mới liên tục được đăng, chỉ tính riêng 15 ngày đầu tháng 4, số lượt truy cập trang đã lên tới 17.532 lượt. Trong đó có những bài giảng đạt tới vài nghìn lượt xem và yêu thích.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dạy học qua internet là các hình thức dạy học trong đó giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ của internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, bao gồm: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System); Dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System); Dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.
Ảnh: Học sinh học qua truyền hình
Về chính sách hỗ trợ học và thi trực tuyến, với phần mềm của VNPT E-Learning hiện đã có thêm chức năng hỗ trợ miễn phí phòng học/bài giảng trực tuyến Zoom phục vụ thi trực tuyến VNPT E-Learning. Theo đó, giáo viên quản lý lớp học theo danh sách học sinh như danh sách lớp học thông thường được cập nhật lên hệ thống (điểm danh), chủ động tạo lớp học và tương tác với học sinh. Học sinh đăng nhập vào lớp trực tuyến, học theo hướng dẫn, tương tác trực tuyến, trả lời câu hỏi của giáo viên.
Với dạy học trên truyền hình Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn cụ thể việc dạy học trên truyền hình, trong đó giáo viên tổ chức và hướng dẫn học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài giảng được phát trên truyền hình. Bài học trên truyền hình do giáo viên có kinh nghiệm dạy học, ghi hình để tổ chức dạy học trên truyền hình theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường thông báo thời khóa biểu theo lịch phát sóng các bài học cho giáo viên, học sinh, gia đình học sinh để phối hợp tổ chức cho các em học các bài học trên truyền hình; quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh trong việc tổ chức dạy học trên truyền hình.
Để việc dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến, học qua truyền hình đảm bảo chất lượng, trong quá trình tổ chức dạy học, giáo viên phụ trách bộ môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua Internet; kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet được sử dụng thay thế cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, THCS, THPT. Khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet, thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định. Đối chiếu, so sánh việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố kiến thức.
Em Lường Thị Thắm, dân tộc Thái, bản Nát, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, học sinh trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương chia sẻ: Em được nghỉ học từ tết âm lịch đến nay chưa xuống trường. Thời gian gần đây Nhà trường thông báo thực hiện học trực tuyến em cũng hơi lo lắng, nhưng sau thời gian làm quen em đã nắm bắt được hình thức học này và việc học đã dần đi vào nề nếp. Em thấy bài giảng của thầy cô rất ngắn gọn, sinh động và dễ hiểu giúp chúng em ôn luyện tốt kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì việc dạy học trực tuyến hiện nay cũng còn một số khó khăn nhất định. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến đầu tháng 4/2020 toàn tỉnh Lào Cai vẫn còn hơn 1.000 học sinh THPT thiếu thiết bị học qua internet. Một số trường THPT ở khu vực vùng cao các huyện: Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bảo Yên có tỷ lệ học sinh học trực tuyến thấp, đạt tỷ lệ từ 30% -50%.
Ảnh: Học sinh vùng cao vượt khó để học trực tuyến
Ông Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: Đối với huyện Si Ma Cai, do đặc thù vùng cao, nên việc dạy học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đang tích cực chỉ đạo các trường rà soát số lượng học sinh tham gia học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình để có giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, học trực tuyến chỉ triển khai được với một số trường học ở trung tâm có điều kiện thuận lợi, không thực hiện được với nơi khó khăn.
Một số trường vùng cao khó triển khai dạy trực tuyến kiến thức mới cho học sinh do khó khăn về phương tiện học tập của học sinh (máy tính, ti vi, điện thoại smatphone) và nhất là đường truyền internet… Đây là khó khăn chung của các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái… khó có thể khắc phục được một sớm một chiều.
Bên cạnh những khó khăn trên thì dạy học trực tuyến cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định khó khắc phục được. Thầy giáo Phí Văn Nhất, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chuyên Cao Bằng cho biết: khi dạy học trực tuyến sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau tuy có nhưng còn hạn chế. Tương tác trên không gian mạng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế hiện nay của giáo dục là tăng cường giáo dục tinh thần hợp tác của người học. Dạy học trực tuyến chưa thể rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cơ bản như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm thoại, kỹ năng làm việc nhóm...
Hiện nay, tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước đã thực hiện dạy học trực tuyến theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo với hai hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình. Bước đầu thực hiện có nhiều khó khăn vướng mắc, nhưng qua một thời gian triển khai đã dần đi vào nề nếp và phát huy tính tích cực, hiệu quả. Tuy dạy học trực tuyến có nhiều ưu thế nhưng đây không thể là hình thức dạy học thay thế hình thức dạy học truyền thống. Nhất là với đối tượng là học sinh phổ thông và lứa tuổi mầm non. Trong thời gian tới, khi kết thúc thời gian cách ly xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo cần kết hợp linh hoạt 2 hình thức dạy học truyền thống trên lớp và dạy học trực tuyến để giảm sự đơn điệu trong dạy học. Hai hình thức dạy học này có thể bổ khuyết cho nhau, giúp cho hiệu quả giáo dục ngày càng nâng cao. /.
Trương Huy - Kim Liên