Nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân khi "làm hộ chiếu nhanh" trên mạng xã hội

15:12, 27/05/2024

Đối tượng xấu lợi dụng việc này đánh cắp các thông tin cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng như: mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID…

Nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân khi làm hộ chiếu nhanh trên mạng xã hội - Ảnh minh họa.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng trước các lời mời chào sử dụng bất kể dịch vụ online nào. Không nên tin tưởng, cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không rõ danh tính.

LÀM HỘ CHIẾU NHANH TRÊN MẠNG XÃ HỘI 

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang, hội nhóm dịch vụ đăng tải các bài viết “làm hộ hộ chiếu" như “dịch vụ làm hộ chiếu nhanh", “làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội", “hộ chiếu nhanh (passport), visa xuất nhập cảnh Việt Nam"... với mức chi phí phải trả cho các “dịch vụ nhanh” này cao gấp nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước. 

Ngoài ra, những lời chào mời hấp dẫn trên các trang mạng xã hội như “không cần phải đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi, gửi về tận tay, dịch vụ làm hộ chiếu nhanh chi phí thấp…” đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Các đối tượng không sử dụng số điện thoại của công dân để ghi vào tờ khai cấp hộ chiếu mà ghi số điện thoại của đối tượng hoặc ghi sai địa chỉ thường trú nhằm khai sai nội dung đề nghị cấp hộ chiếu, cản trở việc cán bộ quản lý xuất nhập cảnh liên hệ với công dân khi cần thông báo, yêu cầu bổ sung hồ sơ, do đó sẽ kéo dài thời gian cấp hộ chiếu của công dân.

Thông qua số điện thoại, các đối tượng tự xưng là công dân nắm bắt các nội dung cần phải bổ sung hồ sơ. Đến khi không được nhận hộ chiếu, công dân đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hỏi thì mới biết hồ sơ chưa được bổ sung để xử lý. 

Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu còn lợi dụng việc này đánh cắp các thông tin của cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID…

Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng trước các lời mời chào sử dụng bất kể dịch vụ online nào. Không nên tin tưởng, cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không rõ danh tính.

Hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an tạo thuận lợi rất lớn cho công dân. Người dân có thể chủ động về thời gian, địa điểm, nộp hồ sơ nhanh chóng, dễ dàng hơn, không phải trực tiếp đến cơ quan công an để làm các thủ tục nộp hồ sơ. Vì vậy, người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an.

Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Đồng thời, khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định. 

LẬP CÁC GIAN HÀNG, TẠO MÃ GIẢM GIÁ ẢO TRÊN SHOPEE NHẰM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Công an tỉnh Phú Thọ vừa bắt giữ nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khuyến mãi của sàn thương mại điện tử Shopee. 

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận đã cùng các đồng phạm lập ra các gian hàng ảo trên ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee để chiếm đoạt tiền của sàn thương mại điện tử này thông qua các mã giảm giá, khuyến mại.

Kịch bản mà các đối tượng đã dựng lên màn kịch lừa đảo hết sức chuyên nghiệp thông qua nhiều công đoạn: lập gian hàng ảo; tuyển người chốt đơn mua hàng ảo; tìm kiếm mã giảm giá; áp mã giảm giá, yêu cầu sàn thương mại điện tử đặt đơn mua hàng ảo; đóng gói hàng hóa không đúng mô tả; cấu kết thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả lừa sàn thương mại điện tử chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng.

Tinh vi hơn, đối tượng tạo lập nhiều hội nhóm, Fanpage trên mạng xã hội để dẫn dụ những người thiếu hiểu biết về pháp luật tham gia chốt đơn hàng ảo cho chúng. Bên cạnh đó, các đối tượng trong vai cả người bán lẫn người mua nhằm dựng lên những màn kịch mua hàng, nhận hàng để chiếm đoạt tiền của các sàn thương mại điện tử. 

Với kịch bản trên, nhóm đối tượng này đã tạo ra giao dịch mua bán hàng hóa ảo với giá trị hàng chục tỷ đồng để chiếm đoạt tiền từ các voucher khuyến mãi của sàn thương mại điện tử Shopee tài trợ cho người mua hàng trực tuyến chỉ trong thời gian nửa năm.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Đồng thời, chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác.

“Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không tham gia vào các hội nhóm “việc nhẹ lương cao”, mua hàng nhận tiền hoa hồng để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân. Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo. 

BỊ LỪA GẦN 4 TỶ ĐỒNG SAU KHI SẬP BẪY "ỨNG TIỀN THANH TOÁN HỘ" ĐỂ NHẬN HOA HỒNG

Ngày 18/5, Công an quận Tây Hồ TP. Hà Nội cho biết, đang điều tra, xử lý vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn ứng tiền thanh toán hộ "nhận hoa hồng" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 4 tỷ đồng.

Cụ thể, Công an phường Quảng An (Tây Hồ) đã tiếp nhận đơn trình báo của một người phụ nữ sinh sống trên địa bàn quận về việc bị lừa đảo chiếm đoạt mất gần 4 tỷ đồng. 

Theo lời kể của nạn nhân, đối tượng dùng thủ đoạn mời chị ứng trước tiền ra thanh toán hộ công ty, bỏ ra nhiều tiền thanh toán đơn hàng thì được nhận % hoa hồng nhiều, bỏ ít thì được ít.

Sau đó, các đối tượng lừa chị đặt cọc thanh toán nhiều tiền, rồi nêu nhiều lý do như lỗi hệ thống, nhập sai thông tin,... nhằm mục đích khiến chị không rút được tiền hoặc muốn rút ra thì phải đóng thêm. Đến lúc này, nạn nhân mới biết đã bị đối tượng lừa đảo, số tiền gần 4 tỷ trong tài khoản gồm cả tiền cá nhân lẫn tiền đi vay đều đã bị các đối tượng chiếm đoạt mất. 

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng trong mọi tình huống, tuyệt đối không vội vàng tin và làm theo bất kể điều gì mà đối tượng lạ hướng dẫn. Cần thực hiện xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đối tượng trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức. Thường xuyên cập nhật thông tin về môi trường không gian mạng để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến.

LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG ÚC LÀM NÔNG NGHIỆP

Thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và phía Australia lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương. 

Theo đó, vào ngày 1/3/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo chương trình PALM (the Pacific Australia Labour Mobility). Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng lừa đảo đã thực hiện chiêu trò mạo danh doanh nghiệp được chính phủ lựa chọn, thu tiền trái phép của người dân.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các chương trình xuất khẩu lao động trên mạng xã hội trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền. Tuyệt đối không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia cho tới khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình PALM và đơn vị được phía Australia lựa chọn thực hiện chương trình. Người dân nên cập nhật thông tin chính xác từ các trang mạng, cổng thông tin chính thống để tránh bị lừa đảo bởi các tin tức sai lệch và bị chiếm đoạt tài sản.

“Đối với những người dân đang có nhu cầu xuất khẩu lao động và quan tâm đến chương trình trên, cần tuyệt đối nắm rõ các thông tin, tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi tham gia. Ngoài ra, người lao động cần tuyệt đối lưu ý, thông tin về chương trình trên sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương; cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước và trang fanpage của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để các doanh nghiệp dịch vụ, người lao động đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/nguy-co-lo-lot-thong-tin-ca-nhan-khi-lam-ho-chieu-nhanh-tren-mang-xa-hoi.htm